Những sự thật thú vị ít biết về hoàng gia Nhật Bản

01/03/2017 08:14

(Baonghean.vn) - Có thời gian trị vì lâu nhất, nhiều nữ hoàng nhất, không đủ tư cách kế vị bị đổi họ... là vài sự thực thú vị về hoàng gia Nhật Bản.

1. Hoàng gia Nhật trị vì lâu nhất thế giới

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko (Ảnh: EPA)
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko (Ảnh: EPA)

Nhà Yamato của Nhật Bản là triều đại thừa tập lâu dài nhất trong lịch sử vẫn còn tồn tại. Hoàng gia công nhận 125 vị Thiên hoàng chính thống kể từ Thiên hoàng đầu tiên là Thần Vũ ( Jimmu) bắt đầu vào ngày 11 tháng 2 năm 660 trước công nguyên cho đến đương kim Thiên hoàng Akihito (Minh Nhân).

Kéo dài 2676 năm nhưng nếu bỏ qua các vị thiên hoàng theo huyền sử thì thời gian trị vì thực sự chỉ khoảng 1700 năm, tuy thế cũng đủ để xếp hoàng gia Nhật Bản có thời gian trị vì lâu nhất thế giới. So sánh với Việt Nam, triều đại tồn tại lâu nhất (nếu không tính thời Hồng Bàng) thì là nhà Lý 216 năm (1009-1226) và nhà Hậu Lê 356 năm nhưng bị gián đoạn. Đây quả là sự thực thú vị về hoàng gia Nhật Bản.

2. Có nhiều nữ hoàng nhất thế giới

Nữ hoàng luôn luôn là các trường hợp hiếm hoi trong lịch sử. Nếu như Trung Quốc chỉ có duy nhất một nữ hoàng là Võ Tắc Thiên, hay nhiều lắm cũng chỉ có 4 nữ hoàng như nước Nga, nhưng lịch sử Nhật có tới 10 nữ Thiên hoàng, tất cả đều là con gái của bên nam của hoàng gia, không một ai kế vị với tư cách là vợ của vua đã mất cũng như không có bất cứ vị nữ Thiên hoàng nào kế hôn hoặc sinh con sau khi kế vị.

Những nàng công chúa của Hoàng gia Nhật Bản luôn khiến người dân trên toàn thế giới yêu mến bởi vẻ thanh lịch cùng cốt cách hoàng gia vốn có.
Những nàng công chúa của Hoàng gia Nhật Bản luôn khiến người dân trên toàn thế giới yêu mến bởi vẻ thanh lịch cùng cốt cách hoàng gia vốn có.

3. Thiên hoàng đồng thời là vị nguyên thủ quốc gia duy nhất hiện nay được gọi là Hoàng đế

Trong các văn bản phương Tây, người ta sử dụng từ Emperor (Hoàng đế) để chỉ Thiên Hoàng, thay cho từ King (Vua ). Được biết, Hoàng đế là để chỉ người đứng đầu một đế chế phong kiến gồm nhiều nước và vùng lãnh thổ, còn Vua là người đứng đầu một nhà nước phong kiến. Nếu như thế giới muốn có thêm một danh xưng Hoàng đế thì khi và chỉ khi Nữ Hoàng Anh nhường ngôi cho thái tử.

4. Con cháu trong hoàng tộc không đủ tư cách kế vị sẽ bị đổi họ

Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko cùng các thành viên khác trong gia đình Hoàng gia Nhật Bản. Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Machiko có 3 người con là Hoàng Thái tử (con trai trưởng) Naruhito, Thái tử (con trai thứ) Akishino, Nội thân vương (con gái) Nori (Sayako).
Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko cùng các thành viên khác trong gia đình Hoàng gia Nhật Bản. Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Machiko có 3 người con là Hoàng Thái tử (con trai trưởng) Naruhito, Thái tử (con trai thứ) Akishino, Nội thân vương (con gái) Nori (Sayako).

Những người con và cháu không đủ tư cách thừa kế ngai vàng sẽ được Thiên Hoàng ban cho một họ mới và từ đây họ sẽ tự phát triển mình thành các gia tộc chi nhánh của Hoàng tộc. Các gia tộc này bao gồm Minamoto, Fujiwara, Taira, và Tachibana. Trong lịch sử Nhật Bản, đã từng có thời gian con cháu của các gia tộc này quyền lực lấn át Thiên Hoàng.

5. Hoàng Gia Nhật là hoàng gia duy nhất phải "nhận lương" của bề tôi

Thời kỳ chiến quốc ở Nhật Bản, các phe phái, lãnh chúa địa phương đánh giết lẫn nhau vô cùng khốc liệt. Tất cả chỉ là vì muốn tranh giành chức vị Shogun. Có một điều khá thú vị là do các Shogun là người nắm hết quyền hành, kể cả việc thu thuế và chi tiêu ngân khố nên thành ra chính Shogun mới là người chi trả các chi phí cho Hoàng gia chứ không phải ngược lại, tức là kẻ bề tôi trả lương cho quân chủ của mình. Theo số liệu từ một vài nguồn tham khảo, một năm Mạc phủ được cấp 50.000 koku chi phí, còn Hoàng gia chỉ có 2000 koku.

6. Ở Nhật Bản vẫn còn tồn tại niên hiệu của Thiên hoàng

Hirohito là vị Hoàng đế năng động nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Nhật Bản
Hirohito là vị Hoàng đế năng động nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Nhật Bản.

Niên hiệu là một giai đoạn gồm các năm nhất định được các Hoàng đế và các nước chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản sử dụng. Mỗi vua thường có một hoặc nhiều niên hiệu riêng. Sau niên hiệu là số năm trị vì. Niên hiệu được xuất phát từ khẩu hiệu hay phương châm trị vì của vị vua đó.

Tuy nhiên chỉ còn duy nhất Nhật Bản là quốc gia sử dụng niên hiệu vì họ vẫn còn là một quốc gia quân chủ. Hiện tại, ở Nhật Bản đang là năm Bình Thành thứ 28, bởi Thiên Hoàng Akihito đã lấy niên hiệu của mình là Bình Thành và từ khi trị vì đến giờ tổng cộng được 28 năm.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Cung điện Hoàng gia ngày 14/11/2009 nhân chuyến thăm của ông Obama tới Nhật. Ảnh: Getty
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Cung điện Hoàng gia ngày 14/11/2009 nhân chuyến thăm của ông Obama tới Nhật. Ảnh: Getty

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN