Hồ sơ hạt nhân Iran, vòng luẩn quẩn

21/02/2017 08:42

(Baonghean) - Quan hệ Mỹ - Iran dưới thời Tổng thống Donald Trump được dự đoán sẽ nhiều sóng gió và bất định. Các đòn “thử bài” giữa hai bên liên tục được đưa ra thời gian qua cho thấy, chính quyền mới của Mỹ càng cứng rắn, Iran càng thách thức và vòng luẩn quẩn về hồ sơ hạt nhân Iran có thể sẽ trở lại.

“Ăn miếng trả miếng”

Hồ sơ hạt nhân Iran tưởng chừng đã ổn thỏa sau thỏa thuận lịch sử giữa Iran và các cường quốc trong nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) hồi tháng 7/2015. Thế nhưng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, mối quan hệ Mỹ - Iran lại trở nên “căng như dây đàn”.

Tuyên bố đầy thách thức của Chủ tịch Quốc hội Iran “sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân” không có gì quá bất ngờ sau những đòn “ăn miếng trả miếng” của hai bên chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua. Ngay trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được thương thuyết”.

Iran dọa khôi phục chương trình hạt nhân. Ảnh AP
Iran dọa khôi phục chương trình hạt nhân. Ảnh AP

Khi đã bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống thứ 45 của Mỹ nhanh chóng thể hiện rằng Mỹ sẽ có thái độ cứng rắn và đối đầu hơn với Iran, quốc gia mà ông gọi là “nước khủng bố hàng đầu thế giới”, trong một lần phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News.

Về phần mình, đầu tháng này, Tehran bắn thử 1 tên lửa đạn đạo mới. Ngay lập tức, chính quyền của Tổng thống Trump ra quyết định trừng phạt 13 cá nhân và 12 tổ chức liên quan đến chương trình tên lửa của Tehran.

Đáp trả, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thông báo tập trận ở tỉnh Semnan nhằm phô trương sức mạnh quân sự và “bác bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ”. Không những vậy, Iran cũng tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh cấm pháp lý với cá nhân và thực thể Mỹ mà Tehran cho là ngầm hậu thuẫn “các nhóm khủng bố khu vực”.

Nhiều người cho rằng, Iran đã chọn thời điểm tiến hành vụ thử tên lửa hồi cuối tháng 1 vừa qua để xem tân chính quyền Mỹ sẽ đáp trả thế nào. Và những đòn “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên thời gian qua cũng là thông điệp từ Iran rằng họ sẵn sàng để mọi thứ trở lại “điểm xuất phát”.

Thực tế, Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa qua đã ra lệnh cơ quan nguyên tử của Iran lên kế hoạch thiết kế và vận hành hệ thống lực đẩy hạt nhân cho tàu biển. Đó là một thông điệp cho thấy Iran sẵn sàng đáp trả mọi sự vi phạm nào đối với thỏa thuận hạt nhân đạt được cách đây 2 năm.

Thách thức ngoại giao Mỹ

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump từng viết trên Twiter: “Iran đang đùa với lửa”, kèm theo cảnh báo “Mỹ không loại trừ lựa chọn quân sự để phản ứng với vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran”. Những bình luận này có thể xem là tín hiệu cho thấy đường hướng chính sách mới của Mỹ đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, nếu không thận trọng, ông Trump có nguy cơ bị đẩy vào tình huống khó xử, phải phản ứng mạnh mẽ trước tất cả các cuộc thử nghiệm tên lửa của Iran và sẽ tiếp tục “gây thù chuốc oán” với một nhân tố có ảnh hưởng hàng đầu khu vực Trung Đông.

Thực tế chính quyền mới ở Washington đang rất cần sự hợp tác của Iran trong cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại cả Syria và Iraq, cuộc chiến mà ông Trump khẳng định là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Gây mâu thuẫn và xung đột với Iran đồng nghĩa với việc Mỹ tự tạo ra cục diện “thêm thù bớt bạn” trước khi cuộc chiến này đến hồi kết.

Iran phóng tên lửa đạn đạo tầm trung hồi cuối tháng 1/2017. Ảnh Reuters.
Iran phóng tên lửa đạn đạo tầm trung hồi cuối tháng 1/2017. Ảnh Reuters.


Trước thực tế như vậy, kịch bản Mỹ hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể sẽ không xảy ra, bởi bởi điều này không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ và thậm chí có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng quốc tế.

Thế nhưng, chính quyền của ông Trump chắc chắn cũng sẽ không để cho thỏa thuận hạt nhân Iran khép lại một cách dễ dàng. Có hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, Mỹ có thể “ép” Iran vi phạm thỏa thuận và mở đường cho các lệnh trừng phạt bổ sung với nước này. Nhưng điều này có vẻ gây rủi ro nhiều hơn cho Mỹ nếu Washington bị tố ngược là vi phạm thỏa thuận.

Thứ hai, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì thỏa thuận đã ký nhưng sẽ giám sát chặt chẽ hơn. Đây có thể là viễn cảnh nhiều khả năng xảy ra nhất nếu xét đến sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran. Nhiều nước trên thế giới trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đều tỏ ra hân hoan và bắt đầu tìm kiếm các cơ hội làm ăn với Iran sau khi nước này được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Thế nên dù còn “ấm ức”, chính quyền của ông Trump có lẽ sẽ không thể đảo ngược sự ủng hộ của các nước trong vấn đề hạt nhân Iran. Nhưng có thể, Washington sẽ hạn chế bất cứ lợi ích nào mà Iran có thể nhận được từ thỏa thuận này, ví dụ như khuyến khích các ngân hàng Mỹ làm ăn trở lại với Iran như thời Tổng thống Obama. Tất nhiên, cách ứng xử và đối phó với Iran cũng sẽ là thách thức không nhỏ trong chính sách đối ngoại của ông Trump.

Chưa rõ cách tiếp cận cụ thể của Mỹ với Iran ra sao nhưng rõ ràng thỏa thuận hạt nhân Iran từng được coi như di sản dưới thời Tổng thống Obama giờ đang khá mong manh. Nếu để hồ sơ hạt nhân này trở về “điểm xuất phát” khi đó sẽ khó tránh khỏi nguy cơ gây bất ổn toàn thế giới.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN