Thiếu nguyên liệu, nhà máy đường "đóng" máy sớm

22/03/2017 10:00

(Baonghean) - Thời gian qua, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng, một số nhà máy phải kết thúc vụ ép sớm so với mọi năm. Tạo vùng nguyên liệu ổn định, phát triển ngành mía đường bền vững đang là vấn đề đặt ra đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía.

Nguyên liệu thiếu trầm trọng

Như mọi năm, hiện đang là thời điểm tập trung ép mía của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An, vụ ép kéo dài tới trung tuần tháng 4 hoặc ít ra cũng cuối tháng 3 mới kết thúc, thì năm nay, mới qua khỏi đầu tháng 3, công nhân của công ty đã vệ sinh, bảo dưỡng máy móc như thường lệ sau một niên vụ ép.

Ông Anthony John Mape - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường Nghệ An lo ngại: “Theo kế hoạch, niên vụ ép 2016 - 2017, chúng tôi sẽ ép khoảng 650.000 tấn, tuy nhiên chỉ thu mua được 534.000 tấn mía nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu thiếu, do nông dân chuyển một phần diện tích mía sang trồng các loại cây khác, còn có trên 100.000 tấn trong vùng nguyên liệu bị bán ra ngoài cho các nhà máy khác trong tỉnh”.

Chăm sóc mía tại xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn). Ảnh: P.H
Chăm sóc mía tại xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn). Ảnh: P.H

Tại Tân Kỳ, một trong những vùng trọng điểm mía của tỉnh, chỉ trong năm 2016 diện tích mía nguyên liệu của huyện đã bị giảm sút gần 1.000 ha, còn gần 5.400 ha. Bà Đặng Thị Vân - Phó phòng NN&PTNT huyện chia sẻ: Quan điểm của huyện vẫn là giữ vững diện tích đã quy hoạch nhưng người dân vẫn tự chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Đưa nguyên liệu vào ép mía ở nhà máy đường Sông Con..JPG
Đưa nguyên liệu vào ép mía ở nhà máy đường Sông Con..JPG
Đưa nguyên liệu vào ép mía ở nhà máy đường Sông Con. Ảnh tư liệu

Nghệ An hiện có 3 nhà máy mía đường đứng chân trên địa bàn, với tổng công suất chế biến 13.300 tấn mía cây/ngày. Để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, tỉnh đã quy hoạch hơn 30.000 ha đất trồng mía nguyên liệu với khoảng 42.000 hộ nông dân tham gia trồng mía, mỗi năm cung cấp 2 triệu tấn mía nguyên liệu. Tuy nhiên đến nay, do nhiều nguyên nhân, toàn tỉnh chỉ còn trên dưới 22.000 ha trồng mía. Không chỉ giảm về diện tích mà năng suất, sản lượng mía cũng không nâng cao được, đến nay vẫn chỉ còn 50 - 55 tấn/ha, trong khi đó các nhà máy đều có kế hoạch đầu tư nâng công suất ép.

Tìm giải pháp

Trong khi diện tích không tăng, thì đầu tư tăng năng suất, chất lượng là giải pháp hiệu quả nhất và đang được nhiều doanh nghiệp, địa phương chú trọng trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Anthony John Mape - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường Nghệ An, hiện công ty đã và đang thực hiện dự án sản xuất mía giống 3 cấp gồm vùng giống mía cấp 1 tại Yên Thành, vùng giống cấp 2 và cấp 3 tại Nghĩa Đàn, chọn tạo giống mía mới có năng suất chất lượng cao để đưa vào sản xuất. Đồng thời, đầu tư máy móc nhằm giúp người trồng mía thực hiện cơ giới hóa các khâu trồng, làm cỏ, bón phân, phun thuốc BVTV, tưới cho mía, đặc biệt sẽ thử nghiệm thu hoạch, bốc mía bằng máy để giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng mía.

Mía nguyên liệu của Công ty mía đường Tân Kỳ. Ảnh: P.H
Mía nguyên liệu của Công ty mía đường Tân Kỳ. Ảnh: P.H

Tại xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn), “cánh đồng lớn” sản xuất mía nguyên liệu tập trung diện tích 15 ha được triển khai từ 2 năm nay với 22 hộ dân tham gia. Trên cánh đồng này, các biện pháp kỹ thuật từ đưa giống mới, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, đến đầu tư thâm canh cao trên những diện tích thuận lợi và đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch đều được triển khai đồng bộ, thống nhất cùng một quy trình. Nhờ đó, năng suất mía đã tăng lên gần 30% so với trước đây.

Mới đây nhất, ngày 16/3/2016, UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất mía nguyên liệu. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có diện tích mía đứng 28.957 ha.

Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Cùng với vấn đề quy hoạch, thì các giải pháp về khoa học, kỹ thuật và công nghệ; về cơ chế chính sách cũng được xây dựng cụ thể. Theo đó, sẽ nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến để đầu tư phát triển sản xuất mía theo quy trình ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất trên địa bàn nhằm đạt kết quả cao và bền vững. Trong điều kiện quỹ đất dành cho vùng nguyên liệu mía giảm, các nhà máy đường và các địa phương cần quan tâm trước hết đến vấn đề cải tạo bộ giống. Chọn các loại giống mía có năng suất, hàm lượng đường cao, chịu hạn, khả năng tái sinh tốt, chậm hoặc không trổ cờ như ROC10, ROC16, ROC23VN 85- 1859, My55-14... Tiếp cận, ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nên số lượng lớn, thời gian ngắn, sản phẩm giống đồng nhất và sạch bệnh, giảm chi phí. Đồng thời tiếp tục du nhập, nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa các giống mới có năng suất, chất lượng và khả năng thích nghi cao để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất.

Các công ty mía đường cần xây dựng vùng sản xuất giống để tiến dần đến tất cả các diện tích mía trồng mới đều có giống đảm bảo chất lượng, thay dần phương pháp dùng mía nguyên liệu làm mía giống như hiện nay. Bên cạnh đó, là nghề đòi hỏi nhiều công sức lao động, nhất là vào mùa thu hoạch, khi việc chặt mía phải kịp thời để đảm bảo độ đường, bởi vậy, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa sản xuất để giải phóng sức lao động cho nông dân là cực kỳ cần thiết.

Xây dựng hồ đập giữ ẩm tưới cho mía, tiếp tục đầu tư nhân rộng công nghệ tưới nhỏ giọt. Tăng cường chuyển giao ứng dụng KHCN cho người dân, trong đó chú trọng quy trình ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường để người sản xuất từng bước ứng dụng vào sản xuất mía.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN