Mẹo tiết kiệm nguồn nước sạch cho gia đình

22/03/2017 08:32

(Baonghean.vn) - Nước sạch là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Thiếu nước sạch đe dọa sự sống của con người và các sinh vật khác trên Trái đất. Vì thế, bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch cho gia đình chính là bảo vệ nguồn tài nguyên qúy giá đem lại sự sống cho hành tinh xanh của chúng ta.

Nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng không phải vô tận. Ảnh: Internet
Nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng không phải vô tận. Ảnh: Internet.

Dấu hiệu nhận biết nguồn nước bị nhiễm bẩn

- Nước có mùi tanh, có mầu xanh vàng sau khi để ngoài không khí là nước bị nhiễm sắt, phèn: Có thể sử dụng nước chè khô hoặc mủ cây chuối nhỏ vào nước, nếu thấy chuyển sang màu tím thì nước đã nhiễm bẩn.

- Nước có mùi nồng, khó chịu như thuốc sát trùng là nước bị nhiễm clo. Hầu như tất cả nguồn nước máy đều sử dụng phương án sục clo và ozon khử trùng ở đầu nguồn, mùi clo nồng vào buổi sáng người sử dụng lấy nước là do lượng clo, ozon dư trong nước.

- Nước có mùi khó thở, buồn nôn, mùi đặc biệt là nước nhiễm phenol và clo. Nước có mùi thum thủm, trứng thối là nước nhiễm H2S ( ít gặp )

- Mặt nước có váng đen, nấu thức ăn khó chín, gây mảng bám vào các dụng cụ là nước cứng (cụ thể là nguồn nước có chưa muối canxi và magie), nước nhiễm mangan.

Tác hại khi sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn

Sử dụng nguồn nước “bẩn” mang lại những tác hại đáng sợ. Ảnh: Internet
Sử dụng nguồn nước “bẩn” mang lại những tác hại đáng sợ. Ảnh: Internet.


- Các bệnh đường tiêu hoá: Tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn …

- Các bệnh ký sinh trùng: Giun, sán, chí, rận …

- Các bệnh do côn trùng có liên quan tới nước: Sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não …

- Các bệnh do siêu vi trùng: Bại liệt, viêm gan A …

- Các bệnh ngoài da: Chóc lở, mụn nhọt, hắc lào. lang ben, đau mắt hột, phụ khoa, sốt phát ban …

- Các bệnh do nhiễm chất độc trong nước.

Cách xử lý để có nước sạch cho gia đình

Vệ sinh bồn nước thường xuyên để có nguồn nước sạch cho gia đình. Ảnh: Internet
Vệ sinh bồn nước thường xuyên để có nguồn nước sạch cho gia đình. Ảnh: Internet

Đối với nước mưa: Vệ sinh mái nhà vào đầu mùa mưa. Không lấy nước mưa của những trận mưa đầu mùa. Bể chứa nước mưa phải sạch, kín.

Đối với nước máy: Vệ sinh bồn nước thường xuyên. Chứa nước trong bể một thời gian để bốc hơi chất khử trùng còn dư thừa trong nước.

Đối với nước sông, hồ: Phải lắng lọc trước khi sử dụng.

Đối với nước giếng đào, giếng khoan: Dùng các thiết bị như bể lọc, giàn mưa, … để khử sắt, man-gan, … trước khi sử dụng. Giếng phải xây dựng cách xa khu vệ sinh, chuồng trại gia súc (10-15m).

- Luôn luôn đun sôi nước trước khi uống.

- Uống nước mới sau 24h (bởi sau 24h, nước đun sôi để nguội sẽ bị nhiễm khuẩn trở lại).

- Gợn nước sau khi để lắng và phơi dưới ánh nắng 1,2 ngày, sử dụng các phương pháp lọc nước bằng than hoạt tính, dạng phun mưa ,...

Bảo vệ nguồn nước sạch như thế nào?

- Không xả rác, xác súc vật, chất thải của người và gia súc vào nguồn nước.

- Không làm nhà vệ sinh trên sông, kệnh, rạch, ao, hồ…

- Không đục phá ống nước.

- Xây nhà vệ sinh có hầm tự hoại đúng kỹ thuật (để phân không thấm xuống đất).

Cùng chung tay bảo vệ nguồn nước sạch. Ảnh: Internet
Cùng chung tay bảo vệ nguồn nước sạch. Ảnh: Internet

- Sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thuốc trừ sâu và phân bón.

- Xử lý nước thải chăn nuôi trước khi thải vào nguồn nước.

- Giữ vệ sinh sạch sẽ xung quanh nguồn nước.

- Tiết kiệm khi sử dụng nước.

Mẹo tiết kiệm nước sạch cho gia đình

+ Sử dụng các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước

Để ngăn ngừa sự lãng phí nước, một phương pháp khá hiệu quả đó là hãy thay thế các thiết bị vệ sinh cũ, gây lãng phí nước bằng các thiết bị mới tiết kiệm nước. Nếu ta xây nhà mới, việc chọn mua các thiết bị tiết kiệm nước cho ngôi nhà xinh xắn của mình là một quyết định sáng suốt.

+ Tận dụng nước tối đa khi có thể

Khi rửa bát, rửa rau hay cọ rửa đồ vật…. nên hứng sẵn một chậu nước sạch. Nước rửa lần cuối có thể dùng lại vào việc khác như cọ rửa hoặc lau nhà. Còn nước bẩn (không có xà phòng) có thể được dùng để tưới cây, tưới đất cho ít bụi…

Chỉ rửa trực tiếp dưới vòi nước khi thật cần thiết và điều chỉnh vòi vừa đủ dùng.

Ảnh: Internet
Khắc phục rò rỉ để chống thất thoát nước. Ảnh: Internet

+ Kiểm tra và khắc phục rò rỉ

Đây là cách tránh thất thoát nước mà chúng ta cần phải làm gấp vì đường ống dẫn nước có thể bị rò rỉ và gây ra hao phí nước nghiêm trọng.

Để kiểm tra, ta đọc số nước trên công tơ trước và sau khoảng thời gian hai giờ không sử dụng nước. Nếu công tơ không cho cùng một số nước, thì hệ thống cấp nước đã bị rò rỉ.

Kế đến, ta kiểm tra sự rò rỉ của toilet bằng cách cho một ít bột màu vào ngăn chứa nước xả của bồn cầu. Nếu chưa xả nước, mà màu đã xuất hiện trong bồn cầu trong vòng 30 phút, nghĩa là toilet đã bị rò rỉ.

Khi phát hiện có sự rò rỉ, ta cần nhờ thợ hoặc tự sửa chữa ngay lập tức.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN