Phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh gắn phát triển du lịch

16/02/2017 09:20

(Baonghean) - Ông Tô Huy Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Đền Cờn trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Đua thuyền ở Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: P.V
Đua thuyền ở Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: P.V

P.V: Đền Cờn là 1 trong 4 ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Ông có thể cho biết rõ hơn?

Ông Tô Huy Hùng: Theo các tài liệu lịch sử cho biết đền Cờn được khởi dựng vào cuối thế kỷ XIII để thờ Tứ vị Thánh Nương - hiện thân của ba mẹ con hoàng hậu và nhũ mẫu triều đại nhà Nam Tống (Trung Quốc) gồm: Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Họ gặp nạn năm Thiệu Bảo thứ nhất, thi thể trôi giạt vào cửa Tráp (cửa Càn). Dân làng Càn thấy những phụ nữ chết đuối nhưng mặt mũi hồng tươi, đặc biệt tỏa mùi thơm như lan, như quế nên lấy làm lạ, bèn chôn cất và lập miếu thờ, sau đó mỗi lần ra khơi đều đến cầu khấn rất linh nghiệm.

Năm Tân Hợi, Vua Trần Anh Tông đích thân đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Trên đường hành quân, nhà vua ghé lạch Cờn làm lễ và được linh ứng. Sau khi giành thắng lợi, biết ơn vị thần, Vua Trần Anh Tông đã cho xây dựng đền thờ to đẹp hơn để phụng thờ Tứ vị và ban sắc phong cho nữ thần tại đền Cờn là “Đại Càn quốc gia Nam Hải thánh mẫu Thượng đẳng thần”.

Đến thời Vua Lê Thánh Tông, đền Cờn tiếp tục được trùng tu lớn, xây thêm 2 tòa và một đền thờ khác ở ngọn núi thấp phía ngoài biển gọi là đền Cờn ngoài để thờ Tống Đế Bính, Lục Tú Phu, Văn Thiên Trường. Thời vua Cảnh Hưng xây dựng thêm tòa Ca Vũ với quy mô đồ sộ, được chạm khắc tinh xảo. Đền được đặt trên núi ngay sát cửa biển, thế nên ngoài sự cổ kính, du khách còn được chiêm ngưỡng phong cảnh rất thơ mộng và linh thiêng.

Chính vì sự cổ kính, linh thiêng của ngôi đền, không chỉ trong những ngày lễ hội, mà quanh năm, nhất là vào mùa Xuân, du khách thập phương từ mọi miền đất nước không quản đường sá xa xôi lại tụ hội về đền Cờn để tế lễ, nguyện cầu những điều an lành, hạnh phúc, thịnh vượng cho bản thân và gia đình.

Cảnh quan đền Cờn ngoài.Ảnh: P.V
Cảnh quan đền Cờn ngoài. Ảnh: P.V

P.V: Để phát huy giá trị Di tích Đền Cờn, bên cạnh duy trì tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm, thời gian qua, thị xã Hoàng Mai đã có rất nhiều hoạt động để tuyên truyền, quảng bá. Vậy địa phương đã triển khai công tác trên như thế nào, thưa ông?

Ông Tô Huy Hùng: Đền Cờn không chỉ là di tích có giá trị về mặt kiến trúc và linh thiêng được xếp vào hạng đại danh lam bậc nhất xứ Nghệ; mà Lễ hội Đền Cờn cũng là một trong những lễ hội có quy mô lớn, độc đáo, giàu bản sắc nhất Nghệ An hiện nay.

Lễ hội Đền Cờn là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển miền Trung được tổ chức gồm 2 phần chính: phần lễ và phần hội. Bên cạnh phần lễ linh thiêng, phần hội với rất nhiều các hoạt động phong phú như hội đua thuyền, cờ thẻ, cờ người,… đặc biệt tục chạy ói đã trở thành huyền thoại trong Lễ hội Đền Cờn. Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng như Lễ hội Đền Cờn, thời gian qua thị xã Hoàng Mai đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc hội thảo như "Lễ hội Đền Cờn - tục thờ Tứ vị Thánh Nương và văn hóa biển ở Việt Nam"; “Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa đền Cờn gắn với phát triển du lịch thị xã Hoàng Mai trong điều kiện mới”... Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu khoa học và quản lý về văn hóa, lịch sử, du lịch trao đổi, chia sẻ một cách khách quan, khoa học về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đền Cờn nói riêng và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, đã xuất bản lần đầu ấn phẩm “Đền Cờn điểm đến Hoàng Mai”… Đây cũng là cơ hội để Nghệ An nói chung, thị xã Hoàng Mai nói riêng quảng bá, giới thiệu những giá trị di sản văn hóa đền Cờn, qua đó thu hút các nhà đầu tư trong chiến lược phát triển du lịch Nghệ An.

Rước kiệu ở Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: P.V
Rước kiệu ở Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: P.V

P.V: Năm 2016, Lễ hội Đền Cờn là một trong hai lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đợt XIV. Đó là vinh dự lớn, nhưng có lẽ cũng đặt ra những trách nhiệm, trăn trở mới đối với Đảng bộ và nhân dân thị xã?

Ông Tô Huy Hùng: Lễ hội Đền Cờn có giá trị quan trọng trong đời sống của nhân dân, trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái là điểm nhấn. Trong triển khai thực hiện, có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch bảo tồn di tích cảnh quan đền Cờn, đảm bảo sự tôn nghiêm khi về hành hương tại đền. Đồng thời tăng cường quảng bá du lịch Hoàng Mai, với đặc trưng là du lịch tâm linh mà điểm nhấn là đền Cờn trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hành sách ảnh, sách viết, đĩa DVC, tổ chức hội thảo...; giới thiệu, kết nối du lịch tâm linh đền Cờn với tour du lịch tâm linh các di tích lịch sử, văn hóa vùng Bắc Trung bộ gắn với thương hiệu thủy, hải sản Hoàng Mai. Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng đô thị (điện, giao thông nội thị, nước...) tạo giao thương kết nối giữa các vùng, miền. Thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất dịch vụ du lịch: nhà hàng, nhà nghỉ dưỡng. Làm tốt công tác trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn thực phẩm cho khách du lịch đến với đền Cờn nói riêng, đến với du lịch Hoàng Mai nói chung. Làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trong phục vụ, kinh doanh, dịch vụ.

Để làm được những nội dung trên, ngoài tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, UBND, các ban, ngành đoàn thể các cấp, thị xã Hoàng Mai mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong tỉnh và Trung ương, các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ, nhà báo, nhà doanh nghiệp bằng vật chất, tinh thần chung sức xây dựng thị xã Hoàng Mai ngày càng giàu đẹp, văn minh, để di sản văn hóa tâm linh đền Cờn xứng đáng với tầm vóc của một Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!.

Thanh Thủy

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN