Cần khắc phục tình trạng giáo viên thừa, thiếu cục bộ

05/04/2017 12:26

(Baonghean.vn) - Huyện Đô Lương kiến nghị với Đoàn giám sát HĐND tỉnh về bất cập trong biên chế giáo viên, dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ giữa các cấp học.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh Thanh Lê
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Phản ánh với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Ngọc Kim Nam cho biết: Khó khăn của huyện hiện nay là do định biên đã được tỉnh giao nên huyện không thu hút được giáo viên có chất lượng về giảng dạy tại các trường. Huyện đang gặp phải tình trạng mất cân đối giáo viên giữa các cấp học, các bộ môn.

Chẳng hạn, đối với trường THCS Lý Nhật Quang - nơi đào tạo rất nhiều học sinh ưu tú, đỗ vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, để phục vụ cho công tác dạy học, huyện muốn thu hút giáo viên giỏi môn Toán nhưng gặp khó khăn vì đã đủ định biên, trong khi các bộ môn khác lại thừa giáo viên.

Trao đổi việc thực hiện cơ chế tự biên chế trong đơn vị công lập ngành giáo dục, ông Nguyễn Trung Nam - Phó Phòng Tài chính, UBND huyện Đô Lương cho rằng: Tỉnh giao tổng biên chế cho huyện nên dẫn đến bất cập, thừa thiếu cục bộ, thiếu giáo viên mầm non, trong khi thừa giáo viên ở bậc THCS, rất khó khăn cho địa phương.

Sáng 5/4, Đoàn Giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh do bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện về việc thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tham dự có đại diện Sở Nội vụ, lãnh đạo HĐND, UBND và các phòng, ban của huyện Đô Lương.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Tất Tây - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đô Lương cho biết: Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tỷ lệ giáo viên/lớp học lại cao hơn tỷ lệ giao vị trí việc làm của tỉnh. Bộ giao số giáo viên quản lý là 99, trong khi tỉnh giao là 85 người. Hiện, huyện Đô Lương đang thiếu 110 giáo viên bậc mầm non theo quy định của Bộ.

Ông cho rằng các trường học trên địa bàn huyện khó thực hiện cơ chế tự chủ bởi cấp tiểu học không thu học phí; số tiền học phí cấp mầm non cân đối đủ trang trải cho 165 giáo viên còn số thu học phí THCS không nhiều, trong khi về biên chế nhà trường không có quyền quyết định.

Cô và trò Trường THCS Lý Nhật Quang trong giờ bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh tư liệu
Cô và trò Trường THCS Lý Nhật Quang trong giờ bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh tư liệu

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nội vụ cũng làm rõ băn khoăn của các đơn vị về đề xuất tăng biên chế của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, chi trả số lao động hợp đồng của Đài TT-TH huyện, mô hình hoạt động của Ban quản lý ĐTXD huyện, định biên và lộ trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Đô Lương giải trình làm rõ việc huyện chưa có đơn vị nào tự chủ đảm bảo chi thường xuyên. Đồng thời các đơn vị được giao cần phân loại, đăng ký đề xuất lộ trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trả lời những nội dung Đoàn Giám sát quan tâm, ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương khẳng định: Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện là rất khó khăn. Hiện, Trung tâm Thông tin văn hóa huyện đang hưởng theo ngân sách cấp, nguồn chi thì lớn nhưng không có nguồn thu. Ban Quản lý dự án ĐTXD, Văn phòng đăng ký quyền sử đất nguồn thu không ổn định. Huyện đang phải gánh phần ngân sách chi trả cho bộ máy của Đài TT-TH huyện sau khi Đài PT-TH tỉnh bàn giao cho địa phương.

Đối với trường học nguồn thu lại càng khó, cơ sở vật chất xuống trầm trọng, trang thiết bị dạy học còn thiếu nhiều. Sắp tới, huyện có chủ trương xã hội hóa một số trường mầm non, tạo bước đột phá, giảm bớt ngân sách. Theo lộ trình, năm 2018, huyện sẽ đề xuất thực hiện cơ chế tự chủ đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị tích cực chủ động tăng nguồn thu cho đơn vị mình.

Đồng chí Thái Thị An Chung- Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh Thanh Lê
Bà Thái Thị An Chung - Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Bà Thái Thị An Chung - Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận, Đô Lương đã quan tâm triển khai cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy vậy, để thực hiện cơ chế tự chủ có hiệu quả hơn, bà Chung đề nghị huyện cần quan tâm chỉ đạo việc triển khai Nghị định 16 của Chính phủ về thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các đơn vị về thực hiện Nghị định 16.

Ngoài ra, theo bà Chung, bên cạnh chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tự chủ, huyện cũng cần xây dựng lộ trình tự chủ các đơn vị giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, huyện cần quan tâm đôn đốc phê duyệt vị trí việc làm; có phương án sắp xếp, giải quyết số lao động hợp đồng không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Riêng với các đơn vị sự nghiệp công lập, cần phát huy tính chủ động trong thực hiện cơ chế tự chủ.

UBND huyện Đô Lương có 12 phòng chuyên môn và 93 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó 90 đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo và 3 đơn vị: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao và Đài TT-TH huyện.

Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN