Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An - điểm sáng thu hút đầu tư

17/02/2017 16:13

(Baonghean) - Với tổng mức đầu tư 300 triệu USD, Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An tại Khu công nghiệp Nghĩa Đàn đang là dự án chế biến lâm nghiệp lớn nhất, hiện đại nhất tỉnh Nghệ An. Việc Nhà máy chính thức đi vào hoạt động và ban hành cơ chế thu mua, phát triển vùng nguyên liệu đã tạo những cơ hội mới cho người trồng rừng miền Tây của tỉnh.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Toàn cảnh Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An. Ảnh Sỹ Minh
Toàn cảnh Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An. Ảnh: Sỹ Minh

Quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại

Về Nghĩa Đàn hôm nay, chứng kiến vùng quy hoạch khu công nghiệp (KCN) mấy năm trước còn hoang sơ, đất cằn đá sỏi đã mọc lên một nhà máy chế biến gỗ bề thế, là một điểm nhấn công nghiệp trên miền Tây Nghệ An. Trên 40 ha quy hoạch nhà máy đã được nhà đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục phân khu chức năng: nhà máy, kho bãi, khu vực văn phòng, nhà ăn, hệ thống vườn hoa, cây xanh, cây cảnh.... Vào thăm nhà máy cảm giác như đang vào công viên, đó là nhận xét chung của nhiều người có dịp đến đây.

Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An thuộc Công ty CP lâm nghiệp Tháng Năm có tổng mức đầu tư 300 triệu USD (chưa bao gồm vốn đầu tư cho vùng phát triển nguyên liệu bền vững). Đây là dự án chế biến gỗ ván thanh và gỗ MDF lớn nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD, gồm dây chuyền chế biến gỗ thanh với công suất 12.000m3/năm và dây chuyền chế biến ván sợi MDF với công suất 130.000m3/năm. Giai đoạn 2 tổng mức đầu tư 200 triệu USD sẽ nâng tổng công suất của nhà máy gỗ thanh lên 40.000m3/năm và Nhà máy gỗ MDF đạt 400.000m3/năm.

Về công nghệ, thiết bị của nhà máy được nhà đầu tư lựa chọn các nhà cung cấp đẳng cấp hàng đầu châu Âu với các thiết bị tạo hình, nén liên hồi của hãng Dieffenbacher (CHLB Đức); thiết bị công nghệ sản xuất ván sợi gỗ của Công ty Metso (Thụy Điển); công nghệ băm dăm, làm sạch và kho chứa băm dăm của Công ty Hombak/CMC (CHLB Đức); công nghệ chà nhám sản phẩm của Công ty Steinemann (CHLB Đức); công nghệ cắt sản phẩm theo kích thước cuối cùng của Công ty Anthon (CHLB Đức).

Với ưu thế sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu châu Âu, nên các công đoạn chế biến gỗ hoàn toàn được tự động hóa từ khâu đầu vào nguyên liệu đến khâu hoàn thiện sản phẩm, hơn thế nữa bằng việc áp dụng công nghệ cao nên có thể tận dụng toàn bộ các phần thân, cành và rễ để chế biến gỗ, các phần thừa như mùn cưa, vỏ gỗ sẽ được tận dụng làm chất đốt để tạo năng lượng, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp và không gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm của nhà máy sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có đủ sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU nhờ nhà đầu tư đã lựa chọn được các nhà cung cấp công nghệ và thiết bị tốt nhất trên thế giới.

Các kỹ sư vận hành dây chuyền chế biến gỗ MDF. Ảnh Sỹ Minh
Các kỹ sư vận hành dây chuyền chế biến gỗ MDF. Ảnh Sỹ Minh

Đầu tư phát triển bền vững vùng nguyên liệu

Có thể khẳng định, dự án đầu tư Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An thuộc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm không những lớn nhất về quy mô, hiện đại về công nghệ, mà còn là một dự án triển khai bài bản trong đầu tư phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Do vậy, tỉnh Nghệ An xác định đây là một trong những dự án trọng điểm, chiến lược của tỉnh nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của miền Tây về đất rừng và kinh tế rừng. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững cho nhà máy khi đi vào hoạt động, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu diện tích hơn 50.000 ha trên 6 huyện miền Tây Nghệ An. Theo đó, Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã chủ động tiếp nhận trên 11.000 ha để tổ chức sản xuất bài bản, số diện tích còn lại tiến hành ký hợp đồng liên doanh - liên kết với các đơn vị lâm nghiệp, các hộ dân để đầu tư giống, phân bón, các chế phẩm bảo vệ thực vật để tổ chức sản xuất.

Để đảm bảo nguyên liệu cho công suất chế biến nhà máy cả 2 giai đoạn (70.000 m3 gỗ thanh và 400.000 m3 gỗ MDF, bình quân mỗi năm cần khoảng 790.000 m3 gỗ tròn) ngày 7/12/2016 Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã có tờ trình gửi Sở NN&PTNT tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An cho chủ trương mở rộng quy hoạch gỗ nguyên liệu cho Dự án Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An thêm khoảng 25.000 ha (tức tăng từ 44.000 ha lên 69.000 ha) ở các vùng liền kề với vùng quy hoạch đã có.


Trong phạm vi quy hoạch vùng nguyên liệu, hiện nay, để quản lý, tổ chức sản xuất hiệu quả việc trồng rừng, thu mua nguyên liệu trên vùng diện tích quy hoạch đảm bảo nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An, Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã thành lập 2 công ty cổ phần phát triển nguyên liệu trực thuộc gồm Công ty CP Đầu tư phát triển nguyên liệu vùng Đông Bắc quản lý đầu tư, thu mua nguyên liệu từ các huyện Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, thị xã Hoàng Mai; Công ty CP Phát triển nguyên liệu Phủ Quỳ tổ chức đầu tư, thu mua nguyên liệu tại các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn.

Đồng thời, Công ty CP lâm nghiệp Tháng Năm sẽ phối hợp thu mua nguyên liệu tại các huyện Con Cuông, Anh Sơn và Thanh Chương để tạo thành vùng nguyên liệu rộng khắp một cách bài bản, bền vững. Về cơ chế phát triển vùng nguyên liệu, ngày 1/4/2016, công ty đã ban hành Công văn số 90/CV/2016/MF JSC gửi Sở NN&PTNT, UBND các huyện về "Chính sách trong thu mua nguyên liệu gỗ và tổ chức trồng rừng trên vùng đất được quy hoạch nhằm phục vụ cho Nhà máy Chế biến gỗ MDF Nghệ An", đã thể hiện rõ sự đồng bộ, hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người trồng rừng và bà con vùng nguyên liệu. Đó là chính sách đầu tư, cho vay hỗ trợ lãi suất trồng rừng áp dụng theo định mức đầu tư theo quy định của Chính phủ tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg bao gồm chính sách cây giống (trồng và trồng dặm) 1.820 cây/ha, phân bón hữu cơ vi sinh 332 kg/ha, thuốc diệt mối 3 kg/ha... với điều kiện các hộ trồng rừng cam kết bán lại 100% nguyên liệu gỗ cho nhà đầu tư khi thu hoạch theo cơ chế thị trường tại thời điểm bán.

Ngoài chính sách đầu tư trồng mới rừng nguyên liệu, thì sự ưu việt về cơ chế thu mua, bù giá, trợ cước vận chuyển, cơ chế thanh toán linh hoạt của Nhà máy Chế biến gỗ MDF Nghệ An ban hành đã thực sự hài hòa lợi ích, tạo điều kiện hỗ trợ người trồng rừng nhằm gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy và vùng nguyên liệu. Theo đó, nhà máy quy định hỗ trợ bù giá thu mua nguyên liệu từ 80 km trở lên 3%, và 120 km trở lên 5% giá thu mua tại cổng nhà máy. Khoản hỗ trợ này bên B (bên thu mua) phải trả cho người trồng rừng bán gỗ đúng với mục đích nâng cao thu nhập cho người trồng rừng ở vùng sâu, vùng xa.

Công nhân làm việc tại dây chuyền chế biến gỗ ván thanh. Ảnh: P.V
Công nhân làm việc tại dây chuyền chế biến gỗ ván thanh. Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Thọ Cảnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển nguyên liệu TH khẳng định: "Với cơ chế đầu tư ban đầu về giống, phân bón, thuốc diệt mối không tính lãi suất cho đến khi thu hoạch và hỗ trợ đầu tư khuyến nông cho bà con, cơ bản đã giải quyết được bài toán khó khăn về nguồn vốn của bà con vùng miền Tây trong điều kiện có tư liệu sản xuất nhưng thiếu vốn đầu tư ban đầu. Đồng thời, công ty cũng đảm bảo cam kết thu mua tất cả nguyên liệu theo giá thị trường, đảm bảo sự yên tâm cho bà con vùng nguyên liệu".

Rõ ràng, với sự đồng bộ, linh hoạt trong cơ chế đầu tư trồng mới nguyên liệu, cơ chế thu mua, cơ chế thanh toán... của Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An đã tạo được niềm tin, động lực phát triển rừng nguyên liệu của bà con, thiết lập quan hệ đối tác bền vững giữa nhà máy và bà con vùng nguyên liệu miền Tây tỉnh nhà.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, giai đoạn 2 của Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An thuộc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm hoạt động mỗi năm sẽ tạo kim ngạch xuất khẩu hơn 100 triệu USD, nộp thuế 5 triệu USD, tạo việc làm tại chỗ khoảng 500 lao động và hàng ngàn lao động trực tiếp tham gia phát triển vùng nguyên liệu. Sản phẩm của nhà máy chủ yếu xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN