Nghệ An vào vụ nuôi ngao thương phẩm

20/03/2017 07:04

(Baonghean) - Tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhiều hộ dân ở huyện Quỳnh Lưu đã bắt đầu xuống vùng nuôi để thả ngao giống, đồng thời tiến hành thu hoạch những diện tích ngao thương phẩm để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Những ngày này, dọc các bãi triều nuôi ngao ở xã Sơn Hải, người dân đang nhộn nhịp xuống bãi để xử lý ao đầm, chuẩn bị cho công tác thả nuôi ngao biển. Theo kinh nghiệm nuôi ngao nhiều năm của người dân thì vào khoảng tháng 3 dương lịch là thời điểm thả nuôi ngao thích hợp nhất vì thời tiết khô ráo, mát mẻ cho ngao phát triển khỏe mạnh.

Nông dân xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) tiến hành thả ngao giống tại bãi triều.
Nông dân xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) tiến hành thả ngao giống tại bãi triều. Ảnh: V.H

Ông Thái Bá Khang, một hộ nuôi ngao có diện tích lớn nhất ở xã Quỳnh Thọ đang cùng với công nhân xuống bãi triều vệ sinh khu vực nuôi.

Với 30 ha diện tích nuôi ngao ở bãi triều Sơn Hải và Quỳnh Thọ, ông thuê 20 công nhân xuống bãi nhặt đá sỏi, vỏ hộp, bao ni lông ra khỏi mặt bãi; đồng thời sửa sang lại các cọc tre đã mục nát để giăng lưới bảo vệ ngao giống thất thoát ra bên ngoài. Dự kiến ngày 20/3, ông tiến hành thả 50 - 60 tấn ngao giống với mật độ thả 350 con/m2.

“Nuôi ngao phải nắm vững kỹ thuật, trước khi thả ngao giống cần phải vệ sinh bãi. Bãi thả ngao phải bằng phẳng, có nền đất cát hoặc cát pha bùn, thủy triều lên xuống thường xuyên và chọn bãi triều cao, sóng gió êm; tránh thả ngao vào những tháng mưa như tháng 9- 10” - ông Khang chia sẻ.

Để vụ nuôi ngao thắng lợi về năng suất cũng như giá trị kinh tế, nhiều hộ dân nuôi ngao ở các xã Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Thuận.. đang tranh thủ thời tiết khô ráo, không mưa để thả ngao giống. Theo kinh nghiệm của bà con, trước khi thả nuôi ngao cần tính toán lịch con nước thủy triều để tiến hành vệ sinh mặt bãi, đồng thời sử dụng máy, cày lật bãi nuôi, kết hợp bón vôi với lượng 10 kg/100m2, rồi san bằng mặt bãi trước khi thủy triều lên.

Người nuôi nên chọn mua ngao giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, đảm bảo chất lượng; tốt nhất nên chọn ngao giống đã được ương dưỡng tại các vùng nuôi có điều kiện môi trường tương ứng. Hiện nay, bà con ở Quỳnh Lưu đang áp dụng nuôi ngao cỡ từ 600 - 2.000 con/kg mật độ 250 - 350 con/m2 và cỡ từ 400 - 600 con/kg mật độ 180 - 250 con/m2.

l Những diện tích ngao thương phẩm đến thời kỳ thu hoạch, bà con bán cho các thương lái với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg.Ảnh: V.H
Những diện tích ngao thương phẩm đến thời kỳ thu hoạch, bà con bán cho các thương lái với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg. Ảnh: V.H

Anh Hồ Minh Huỳnh quê ở tỉnh Thái Bình vào Quỳnh Lưu nuôi ngao cho biết, khi nhận thấy Quỳnh Lưu có điều kiện tốt để phát triển nuôi ngao thương phẩm tại bãi biển, anh cùng với bạn bè chung vốn vào thuê lại hơn 20 ha diện tích bãi triều ở xã Quỳnh Thọ để nuôi. Năm 2015, anh thả 30 tấn ngao giống, hơn 1 năm sau bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại, anh đang thu hoạch những diện tích ngao đã lớn để bán cho thương lái từ 2 - 3 tấn/ngày. Những diện tích nuôi ngao đã thu hoạch xong, anh tiếp tục cải tạo, vệ sinh ao nuôi để thả giống.

“Ngao thương phẩm được nuôi hình thức xoay vòng, 1 ha diện tích sẽ chia ra các vùng riêng biệt để thả nuôi, do đó, trong bất cứ thời gian nào người nuôi đều có sản phẩm thu hoạch. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành thả khoảng 10 tấn ngao giống mua ở tỉnh Nam Định để đầu năm sau thu hoạch” - anh Huỳnh cho biết.

Ngoài sử dụng con ngao giống ở tỉnh Nam Định, các hộ dân ở Quỳnh Lưu đã bắt đầu sử dụng ngao giống sản xuất được tại địa phương, như hộ sản xuất ngao giống của ông Thái Bá Khang ở xã Sơn Hải. Vào vụ nuôi ngao, gia đình ông Khang xuất bán hàng tỷ con ngao giống Bến Tre ra thị trường, cung ứng giống cho toàn bộ khu vực Bắc miền Trung. Giống ngao này có ưu điểm khỏe, chất lượng, thích nghi với môi trường của vùng biển địa phương.

Vận chuyển ngao thương phẩm lên bờ. Ảnh: V.H
Vận chuyển ngao thương phẩm lên bờ. Ảnh: V.H

Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 140 ha diện tích nuôi ngao thương phẩm, tập trung nuôi ở dọc bãi triều các xã Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Thuận, An Hòa... Nghề nuôi ngao ở bãi triều được người dân nuôi theo hình thức thâm canh. Sản lượng ngao hàng năm đạt từ 2.800 - 3.000 tấn/năm. Bình quân 1 kg ngao thương phẩm trên thị trường có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Ngao biển là loại hải sản sạch nên được khách hàng ưa chuộng, hiện nay ngao biển được tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước; đặc biệt nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản ở Thanh Hóa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ... thu mua để chế biến, đóng gói bằng công nghệ hút chân không rồi xuất khẩu sang nước ngoài như Lào, Hàn Quốc…

Ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Để thực hiện tốt công tác quản lý, giảm thiểu dịch bệnh cũng như để ngao sinh trưởng tốt, trước khi thả nuôi, huyện chỉ đạo các địa phương có diện tích nuôi ngao cần thực hiện tốt công tác quản lý, liên quan đến việc khoanh vùng, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh xảy ra. Ước tính trong tháng 3, toàn huyện sẽ thả hơn 50 ha diện tích ngao giống để nuôi xoay vòng, cho thu hoạch cả năm, cung ứng cho thị trường”.

Việt Hùng

TIN LIÊN QUAN