Geert Wilders, sóng ngầm ở Hà Lan

17/03/2017 10:21

(Baonghean) - Là nhân vật chính trong cuộc bầu cử quan trọng diễn ra ngày 15/3 tại Hà Lan, ông Geert Wilders hiện cũng là một trong những chính trị gia nổi bật và gây tranh cãi nhất ở Hà Lan và cả châu Âu. Dù không giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, nhưng có thể nói, chính trị gia Geert Wilders vẫn là “cơn sóng ngầm” mà Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phải đối diện, để ngăn chặn chủ nghĩa dân túy đang càng lúc càng trỗi dậy tại nước này.

Nhân vật gây tranh cãi

Sinh ngày 6/9/1963 tại tỉnh Venlo, miền Đông Nam Hà Lan giáp biên giới với Đức, Geert Wilders đã sớm quan tâm đến chính trị từ đầu những năm 1980. Năm 1981, ông bắt đầu đến Israel sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Chỉ trong 2 năm, ông đã đi du lịch khắp Trung Đông và bắt đầu hình thành quan điểm chống Hồi giáo, mà sau đó cũng đã được xác định rõ trong sự nghiệp chính trị của mình. Tuy nhiên khi trở lại Hà Lan năm 1983, ông bắt đầu với một công việc trong ngành bảo hiểm y tế.

Đến năm 1989, ông mới đầu quân làm việc cho đảng Vì Tự do Dân chủ Tự do (VVD) với vai trò trợ lý cho các nghị sỹ. Lúc này, sự kỳ thị của ông với đạo Hồi đã dần chín muồi, nhờ những chuyến trải nghiệm ở Trung Đông, chứng kiến các khu định cư cũng như căng thẳng với người Palestine.

Ông Geert Wilders trong cuộc tranh luận trên truyền hình với Thủ tướng Mark Rutte hôm 14/3. Ảnh: Reuters
Ông Geert Wilders trong cuộc tranh luận trên truyền hình với Thủ tướng Mark Rutte hôm 14/3. Ảnh: Reuters

Geert Wilders lần đầu tiên được bầu vào Văn phòng Chính phủ năm 1997, khi ông được chọn vào hội đồng thành phố Utrecht với tư cách là thành viên của Đảng Vì Tự do Dân chủ (VVD). Chỉ một năm sau đó, ông đã được bầu vào Quốc hội, nơi ông sớm trở nên nổi tiếng với những quan điểm cực đoan về Hồi giáo.

Nhưng đến năm 2004, ông đã rời khỏi Đảng Vì Tự do Dân chủ, sau khi đảng này tuyên bố ủng hộ việc gia nhập Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu (EU). 2 năm sau đó, ông đã thành lập Đảng Vì tự do, giành được 9 ghế trong cuộc tổng tuyển cử năm 2006. Sau đó, đảng của ông đã phát triển thêm và chiếm được 24 ghế, trở thành đảng lớn thứ 3 tại Hà Lan.

Tuy nhiên, chính trị gia gây tranh cãi này đã gặp rắc rối hồi năm 2008, sau khi ông sản xuất một bộ phim ngắn có tên là Fitna, với những đoạn thông tin về cả kinh Koran xen lẫn với các đoạn phim về các cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo.

Kết quả, do hậu quả của bộ phim, ông đã bị cấm vào Anh đồng thời bị một tòa án Hà Lan buộc tội gây hận thù đối với người Hồi giáo. Dù vậy, sau một phiên tòa xét xử dài, lệnh cấm vào Anh đối với ông đã được thu hồi. Nhưng chưa hết, hồi tháng 12/2016 vừa qua, ông Wilders lại bị buộc tội kích động phân biệt đối xử, khi hỏi một đám đông ủng hộ xem họ có muốn thấy “ít người Maroc ở Hà Lan hơn hay không”.

Không chỉ vấp phải nhiều chỉ trích ở trong nước và dư luận châu Âu, ông Wilders còn xuất hiện trong một danh sách đen của Al-Qaeda hồi năm 2010. Ông cũng đã nhận nhiều mối đe dọa từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Bất chấp điều đó, với vai trò là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Vì Tự do (PVV), ông Wilders suốt thời gian qua vẫn tiến hành tập hợp những quan điểm chống lại “chủ nghĩa Hồi giáo” tại Hà Lan.

Nexit sẽ thành hiện thực?

Với cam kết đóng cửa biên giới Hà Lan và các đền thờ Hồi giáo, đồng thời đưa Hà Lan ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Nexit nếu lên nắm quyền, ông Geert Wilders đã giành được sự ủng hộ đáng kể của cử tri trong nhiều cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử.

Đây là những cử tri đang thất vọng về tình hình kinh tế - xã hội của Hà Lan cũng như có tư tưởng hoài nghi sự hội nhập châu Âu. Thể hiện là ngay trước ngày bầu cử quan trọng vừa qua, có tới 60% trong số 12,9 triệu cử tri vẫn còn phân vân chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng nào trong số 28 đảng tham gia tranh cử.

Những người ủng hộ ông Geert Wilders ở vùng Spijkenisse,gần Rotterdam hồi tháng trước.Ảnh: AP
Những người ủng hộ ông Geert Wilders ở vùng Spijkenisse, gần Rotterdam hồi tháng trước. Ảnh: AP

Xét về tình hình thực tế, năm 2016, Hà Lan đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Thế nhưng, các cử tri Hà Lan thuộc tầng lớp trung lưu và bình dân vẫn cho rằng, họ đã phải chịu đựng quá nhiều biện pháp “khắc khổ” thời gian qua. Bên cạnh đó, dù người dân Hà Lan có thể ủng hộ Chính phủ đương nhiệm bởi những thành quả đã đạt được trong điều hành và quản lý đất nước, nhưng họ vẫn chưa hài lòng với chất lượng sống hiện tại.

Nắm bắt được tư tưởng như vậy, cộng với làn sóng ủng hộ dân túy đang lên cao tại châu Âu, ông Geert Wilders và đảng Vì Tự do của ông mong muốn sẽ làm được một điều gì đó mang tính lịch sử. Nhưng dường như, sức mạnh của chính trị gia gây tranh cãi Geert Wilders chưa thể đủ mạnh để đa số cử tri Hà Lan “quay lưng” với đảng cầm quyền của Thủ tướng Mark Rutte.

Kết quả cuộc bầu cử vừa qua cho thấy, đảng Vì Tự do và Dân chủ của Thủ tướng Mark Rutte đã giành chiến thắng, dù số ghế đã giảm so với cuộc bầu cử năm 2012. Theo giới phân tích, người dân Hà Lan thực tế chưa muốn trao quyền cho lực lượng cánh hữu mà chỉ muốn tạo ra một làn gió mới cho đời sống chính trị tại Hà Lan mà thôi.

Về phần mình, trong tuyên bố sau bầu cử, ông Geert Wilders cho hay, đảng của ông sẵn sàng hợp tác với Chính phủ mới của Hà Lan nếu được yêu cầu. Thế nhưng, điều này chắc chắn không đồng nghĩa với việc, tư tưởng dân túy đã hoàn toàn lụi tắt ở Hà Lan. Thực tế cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit cũng đã cho thấy, mọi kịch bản đều có thể xảy ra và mọi nguy cơ đều đang hiện hữu tại Hà Lan. Vì thế, “sóng ngầm dân túy Geert Wilders” vẫn sẽ là thách thức mà Chính phủ Hà Lan không thể “ngó lơ”.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN