Người Việt đầu tiên được phong tước Hiệp sỹ Đại Thánh Giá: Ông là ai?

20/02/2017 10:29

(Baonghean.vn) - ‘Tôi làm tất cả để mong muốn Việt Nam nở mặt, nở mày với thế giới”, đó là phát biểu của ông Lê Đức Thịnh - người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng Tòa thánh Vatican phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Đại thánh giá.

Vượt khó, giúp dân thoát nghèo

Sinh ra trong gia đình nông dân có tới 10 người con tại Thống Nhất (Đồng Nai), vì quá nghèo nên Lê Đức Thịnh (tên thánh là Gioan Baotixita) sớm phải từ bỏ giấc mơ làm thầy giáo, lên Sài Gòn làm thuê. Để có tiền nuôi các em ăn học, Thịnh đã trải qua rất nhiều nghề, từ may mặc, buôn bán xăng dầu, khai thác gỗ đến chế biến cà phê... Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, dần dần ông tạo dựng được cơ sở kinh doanh chế biến xuất khẩu cà phê.

Là người có tấm lòng bác ái, kinh doanh dư dả được đồng nào, ông lại đem tiền đi giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo công ăn việc làm cho thanh niên nghèo, lo cho trẻ em nghèo được đến trường. Trung bình mỗi năm, ông tổ chức hơn 20 chuyến đến các vùng quê nghèo trên cả nước. Số tiền ông quyên góp và vận động bà con giáo dân lên tới hàng trăm tỷ đồng để xây nhà tình thương, mổ mắt, mổ tim, chăm sóc người già neo đơn, tàn tật, đặc biệt là công tác khuyến học...

"Niềm hạnh phúc nhất không phải là ngày tôi được phong tước mà ngày tôi được hiện diện ở tòa thánh. Trên thềm tòa thánh, cách giáo hoàng khoảng 3 m, phía đằng sau có nhiều người nước ngoài họ thi nhau chụp ảnh gia đình chúng tôi. Lúc đó tôi nghĩ về đất nước mình, niềm tự hào dân tộc trong tôi trỗi dậy. Tôi làm tất cả để mong muốn Việt Nam nở mặt, nở mày với thế giới'.

“Tôi muốn chăm lo cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn. Giúp họ thoát nghèo không phải chỉ mang “con cá hay cái cần câu” là xong, tôi đầu tư giúp cho các em nhỏ học hành, đầu tư cho tương lai, sau này lớn lên chính các em sẽ là những người xây dựng quê hương, biết làm ăn giỏi, làm giàu”, ông Thịnh bộc bạch và cho biết còn nhận 30 đứa con nuôi, đến nay đều được học hành, trở thành những người đạo đức, thánh thiện.

» Lời kêu gọi của Hiệp sỹ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh

"Yêu dân tộc nên tôi nỗ lực hết mình"

Hơn 20 năm gây dựng sự nghiệp, cũng là từng ấy thời gian anh Lê Đức Thịnh luôn gắn bó với các hoạt động từ thiện xã hội của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc địa phương và hoạt động bác ái của Giáo hội Công giáo. Anh là người đã giúp Giám mục giáo phận Xuân Lộc vận động chức sắc, đồng bào Công giáo đóng góp hàng trăm tỷ đồng làm công việc bác ái như: làm đường giao thông thôn, xã tạo thuận lợi cho bà con đi lại; cùng với chính quyền các cấp xây nhà tình thương để người nghèo đỡ khó khăn hơn.

Bên cạnh đó còn giúp cho người nghèo được mổ mắt, trẻ em bị bệnh tim được mổ tim, chăm sóc người già neo đơn, tàn tật nhằm giúp người có hoàn cảnh khó khăn được khỏi bệnh, trở về với cuộc sống đời thường. Trong giáo dục thì lập quỹ khuyến học, phát học bổng nhằm giúp trẻ em nghèo được đi học, được đến trường. Trong các lĩnh vực này anh vừa là người khởi xướng, vừa là người đề xuất phương án, vừa là người trực tiếp tham gia công tác bác ái xã hội.

Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh trong một lần trao quà cho người nghèo tại TP.HCM
Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh trong một lần trao quà cho người nghèo tại TP.HCM. Ảnh: Internet

Những việc làm của anh không chỉ là giúp đỡ về mặt vật chất mà còn làm chuyển biến trong nhận thức của người Công giáo trong việc coi trọng sự học và học cao cho con em, biết bảo vệ sức khoẻ và biết cách phòng chống bệnh tật. Những việc làm âm thầm đó đã góp phần cùng toàn xã hội lo cho người nghèo.

Không chỉ ở lĩnh vực từ thiện bác ái, mà trong đời sống sinh hoạt đạo anh vừa là tấm gương thực hiện, vừa vận động chức sắc, bà con giáo dân chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tham gia và hưởng ứng tích cực phong trào thi đua toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo.

Anh cũng là người dám đấu tranh chống mọi biểu hiện, hành vi lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ Giáo hội Công giáo và Nhà nước, chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo của một số phần tử cực đoan. Chính những việc làm này góp phần tạo sự đồng thuận trong quan hệ giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo các cấp. Việc làm của anh đã tạo sự cảm kích trước những vị Giám mục Việt Nam; tạo được sự đồng thuận của Hội đồng Giám mục Việt Nam khi Giám mục giáo phận Xuân Lộc thỉnh nguyện lên Giáo hoàng phong tước hiệu Hiệp sĩ Đại Thánh giá cho anh.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Dù công việc đang làm gặp không ít khó khăn, thậm chí là hiểu lầm, nhưng nhiều năm qua ông Thịnh vẫn nỗ lực đi khắp mọi miền Tổ quốc vận động, thuyết phục, tạo ra những cuộc gặp gỡ góp phần giúp giáo dân ở Việt Nam ngày càng gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Ông Lê Đức Thịnh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX:

Ông Lê Đức Thịnh bày tỏ: “Đất nước của chúng ta đã trải qua hàng thế kỷ bị chiến tranh tàn khốc, bị chia cắt về lãnh thổ. Tôi yêu dân tộc VN, tôi đã chọn mối phúc thứ 7 trong 8 mối phúc thật trong bài giảng trên núi của Chúa Jesus, đó là: Phúc thay cho ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Yêu dân tộc nên tôi nỗ lực hết mình, không nhằm được tôn vinh và để được tôn vinh, mà để cho con cháu đời sau của chúng ta”.

Làm men, làm muối giữa đời

Trong lễ phong tước, Giám mục Nguyễn Chu Trinh đã nói về những đóng góp âm thầm của anh Lê Đức Thịnh là đã có công phụng dưỡng ba người Mẹ: Mẹ thứ nhất là người đã sinh thành ra anh; Mẹ thứ hai là Tổ quốc Việt Nam đã cưu mang anh và người Mẹ thứ ba là Giáo hội đã nuôi dưỡng anh bằng Lời Chúa. Nghĩa là trong anh luôn thấm đẫm tình yêu của một người con hiếu thảo với cha mẹ; người công dân với trách nhiệm và bổn phận đối với đất nước; một con chiên chu toàn bổn phận với Chúa.

Hơn ai hết anh chính là hình ảnh của một người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt, và chính hình ảnh đó đã góp phần làm cho Giáo hội Công giáo ngày càng tỏ rạng hơn trong lòng dân tộc. Là một người giáo dân bình thường nhưng anh đã đứng ở trong lòng xã hội với những việc làm cụ thể, thiết thực đem lại lợi ích cho người dân, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của xã hội. Anh không đứng ở ngoài, đứng trên xã hội với những lời lẽ tế nhị, văn hoa để phán xét, chỉ trích những vấn đề mà cả xã hội và đất nước đang quan tâm.

Với những đóng góp to lớn đó, giáo dân Lê Đức Thịnh thật xứng đáng được vinh dự nhận tước hiệu Đại Hiệp sĩ. Bà Nguyễn Thị Kim Yến - vợ của giáo dân Lê Đức Thịnh cũng được Giáo hoàng sắc phong tước hiệu Phu nhân Hiệp sĩ Đại Thánh giá, được quyền mang huy hiệu loại lớn nhất bằng bạc gắn trên ngực trái và được hưởng mọi đặc ân đi kèm theo tước hiệu này, do thường xuyên hết lòng giúp chồng tham gia các hoạt động bác ái, từ thiện. Ơn của Giáo hoàng là bất khả ngộ, vì vậy, tước hiệu này là một hồng ân mà Chúa đã chọn và ban riêng cho anh và gia đình.

Những hoạt động, những đóng góp trong thời gian qua, hình ảnh của ông Lê Đức Thịnh - người Công giáo tiêu biểu đã làm men, làm muối giữa đời. Những việc làm đó đã góp phần đưa chính sách tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, cũng như tiếp tục thực hiện ý nguyện của Giáo hoàng Francis trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng năm 2014: “Người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt, người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước, người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”.

Tước hiệu Hiệp sĩ Đại Thánh giá có từ năm 1831, thể hiện sự tri ân của Giáo hoàng đối với giáo dân có công lớn trong giáo hội và xã hội, sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Cùng tước hiệu là thanh gươm Hiệp sĩ mà Giáo hoàng ban, thể hiện niềm tin, đức hy sinh đối với những giá trị thiêng liêng, cao quý nhất;

Hiệp sĩ Đại thánh giá là một trong những cấp bậc cao nhất trong các phẩm hàm do Giáo hoàng đích thân phong tặng. Cụ thể, phẩm hàm Thánh Gregorio Cả và phẩm hàm Thánh Sylvester bao gồm các cấp từ thấp đến cao là Hiệp sĩ, Tư lệnh, Tư lệnh gắn sao và Hiệp sĩ Đại thánh giá. Riêng phẩm hàm Giáo hoàng Pius IX có thêm cấp cao nhất là Hiệp sĩ Đeo chuỗi vàng.

Anh Lê Đức Thịnh là người Công giáo Việt Nam đầu tiên và cũng là người Công giáo châu Á đầu tiên được nhận tước hiệu này từ Giáo hoàng Bênêđictô XVI ban tặng vào năm 2007.


PV (Tổng hợp)
Đồ hoạ: Nam Phong
Clip: Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN