'Lỗ hổng' trong quản lý hàng hoá ký gửi trên xe khách

26/03/2017 19:44

(Baonghean) - Không cần giấy tờ, thủ tục giao nhận, giá thành rẻ, thời gian vận chuyển nhanh, hình thức ký gửi hàng hoá trên xe khách ngày càng được nhiều người dân lựa chọn. Tuy nhiên, cũng chính từ sự tiện lợi này đã nảy sinh nhiều hậu quả nghiêm trọng, đòi hỏi siết chặt quản lý hoạt động ký gửi hàng hoá.

Gửi và nhận hàng quá dễ dàng

Trong vai một người cần gửi thùng hàng lên huyện miền núi Quế Phong, chúng tôi tiếp cận với nhà xe B.N. 5h sáng, trước cổng Bến xe Vinh (đường Lê Lợi, TP. Vinh), lái xe nhanh chóng đón hàng, để vào cốp. Không hỏi mặt hàng gửi là gì, không cần giấy biên nhận, chỉ hỏi số điện thoại người nhận để liên lạc khi đến bến cuối và phí giao dịch là 50.000 đồng, thùng hàng đã nhanh chóng được yên vị trên xe.

Không chỉ riêng nhà xe B.N, việc gửi và nhận hàng trên các chuyến xe khách đều rất đơn giản, chủ yếu dựa vào uy tín của nhà xe và thoả thuận miệng giữa đôi bên chứ không chịu bất kỳ ràng buộc về mặt thủ tục, hoá đơn, chứng từ nào. Không chỉ nhận hàng ở các bến xe chính, đa số nhà xe còn tạo thuận lợi cho khách bằng việc nhận hàng ở dọc đường, thậm chí tại nhà.

Số lượng hành khách và hàng hóa ra vào Bến xe Vinh hàng ngày rất lớn nhưng công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ. Ảnh: P.C
Số lượng hành khách và hàng hóa ra vào Bến xe Vinh hàng ngày rất lớn nhưng công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ. Ảnh: P.C

Quá dễ dàng trong việc gửi và nhận hàng đã giúp cho dịch vụ này dần trở thành lựa chọn quen thuộc mỗi khi người dân có nhu cầu vận chuyển hàng hoá nội, ngoại tỉnh. Tuy nhiên, cũng từ đây phát sinh nhiều hệ luỵ. Đã có không ít vụ xe khách vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, giao dịch tiền mặt, hàng dễ gây cháy nổ khiến cho hình thức vận chuyển hàng hóa qua loại hình phương tiện này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mới đây nhất, vụ vận chuyển số ngoại tệ trị giá tương đương 6,1 tỷ VNĐ trên xe khách giường nằm Tuấn Thuỷ chạy tuyến Vinh - Hà Nội bị mất trộm làm dư luận rung động. Ngày 17/2, theo trình báo của chủ xe tại cơ quan chức năng, tối 15/2, nhà xe nhận của chị Phạm Thị Miên, trú tại khối 2, phường Hồng Sơn, TP. Vinh 1 gói hàng nhờ chuyển cho một người ở Hà Nội. Gói hàng được để trong tủ trên ô tô, đến sáng 16/2 - khi xe về Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) thì phát hiện mất hàng.

Công an thành phố Vinh đã khẩn trương vào cuộc làm rõ, bắt giữ 2 đối tượng về tội trộm cắp tài sản. Vụ án được giải mã trong thời gian ngắn, giúp ổn định tình hình ANTT trên địa bàn nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều băn khoăn về sự lỏng lẻo trong công tác quản lý hàng ký gửi trên các tuyến xe khách.

Lật ngược hồ sơ các vụ vi phạm về vận chuyển hàng hoá trên xe khách, không khỏi giật mình về sự tuỳ tiện, sơ hở của các chủ xe khi nhận chở các mặt hàng dễ cháy nổ. Điển hình như vụ nổ bình ô xy trên xe khách Thuận Sáng vào tháng 2/2014, khi đang lưu thông qua địa phận xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu khiến 2 người tử vong tại chỗ và 14 người bị thương. Hoặc, vụ nổ xuất phát từ “gói quà” được ký gửi theo xe khách, mà thực chất là mìn tự chế được ẩn giấu dưới hình dạng chiếc loa nghe nhạc, xảy ra vào cuối tháng 9/2014, khiến 3 người bị thương nặng... Đặc biệt, thời điểm giáp Tết hàng năm, lực lượng chức năng bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển pháo nổ trên xe khách với số lượng lớn.

“Lỗ hổng” trong quản lý

Dù đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc trong vận chuyển hàng hoá ký gửi nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn không có nhiều chuyển biến tích cực trong việc kiểm tra, kiểm soát. Được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ngoài một số ít doanh nghiệp có văn phòng giao dịch và thực hiện đầy đủ các khâu tiếp nhận, xác nhận, kiểm tra, vận chuyển... như Công ty TNHH Văn Minh, Công ty CP lữ hành du lịch quốc tế Phúc Lợi... thì đa số đều cho rằng “chỉ cần dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau là được”!

Thực tế, nhiều lái xe, phụ xe còn xem việc vận chuyển hàng hoá là cơ hội có được thu nhập tăng thêm ngoài tiền công cố định được chủ xe chi trả. Các chủ xe cũng khó kiểm soát được việc vận chuyển phát sinh này.

Xe khách đón khách và nhận hàng dọc Quốc lộ 1A tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Giang
Xe khách đón khách và nhận hàng dọc Quốc lộ 1A tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Giang

Tại các bến xe, công tác kiểm soát cũng khá lỏng lẻo. Theo ông Vũ Hoàng Huynh - Trưởng Bến xe Vinh, khi các phương tiện ra, vào cổng luôn được tổ ANTT của bến theo dõi, tuy nhiên chỉ dựa vào trực quan chứ không có công cụ kỹ thuật hỗ trợ. Bằng mắt thường, nếu phát hiện hành khách hoặc nhà xe vận chuyển hàng cấm, hàng dễ cháy nổ như bình ga, bình ô xy, xăng, dầu... thì kiên quyết không cho vào bến. Chủ xe nào không tuân thủ thì nhắc nhở, biện pháp nghiêm nhất là đình tài, dừng xuất bến.

Tuy nhiên, ông Huynh cũng thừa nhận rằng, một khi hàng hoá đã đóng gói thì rất khó để phát hiện có vi phạm hay không, “trách nhiệm đó thuộc về lái xe, phụ xe, chủ doanh nghiệp HTX, vì cán bộ, nhân viên bến xe không có quyền mở hàng để kiểm tra”. Thực trạng quản lý bằng... mắt thường này diễn ra ở 14 bến xe lớn, nhỏ trong toàn tỉnh.

Qua tìm hiểu được biết, hiện chưa có quy định nào cấm các hãng xe khách nhận chở hàng, chỉ có nghiêm cấm vận chuyển một số mặt hàng quốc cấm như vũ khí, đạn dược, chất gây cháy nổ, ma túy, thuốc phiện, các chất kích thích thần kinh, các loại văn hóa phẩm đồi trụy...

Ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 33 doanh nghiệp, HTX vận tải khách tuyến cố định và hợp đồng. Thời gian qua, sở đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển hàng hoá trên xe khách, ngăn chặn tình trạng vận chuyển chất dễ cháy, nổ, chất độc hại nhưng sở cũng chỉ xử lý theo thẩm quyền.

Cụ thể là xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, trong đó, quy định phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm, độc hại, dễ cháy nổ hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khoẻ của hành khách trên xe chở hành khách. Tuỳ theo mức độ vi phạm, có thể tước phù hiệu xe, tịch thu bằng lái xe, thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp vận tải... Tuy nhiên, ngành Giao thông Vận tải không có thẩm quyền mở đóng gói để kiểm tra hàng hóa nếu không phát hiện ra sai phạm.

Tương tự như vậy, với Chi cục Quản lý thị trường, chỉ khi nào các xe chở hàng vi phạm bị phát hiện thì chi cục mới có thẩm quyền phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra, xử lý. Lực lượng công an cũng khó có thể kiểm tra, kiểm soát hết các chuyến xe khách lưu thông trên địa bàn toàn tỉnh, với rất nhiều điểm dừng, đỗ bắt khách và nhận vận chuyển hàng hoá khác nhau.

“Lỗ hổng” trong quản lý hàng hoá ký gửi trên xe khách đã và đang là thực tế đáng báo động. Khó có thể giải quyết vấn đề này trong thời gian ngắn, tuy nhiên, để từng bước hạn chế vi phạm, nên chăng cần có chế tài quy định các nhà xe phải cùng với khách hàng kiểm tra hàng hoá, ký xác nhận, ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, số CMND... Bên cạnh đó, thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp liên ngành; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, cung cấp những địa chỉ vận chuyển hàng, bưu chính uy tín.

Phương Chi

TIN LIÊN QUAN