Lê Duẩn: Nhà lãnh đạo trọn đời vì Đảng, vì dân

07/04/2017 10:28

(Baonghean)- Với 79 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình cách mạng của dân tộc ta.

Đồng chí Lê Duẫn là nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Đồng chí Lê Duẩn là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907, tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, từ rất sớm, đồng chí Lê Duẩn đã sớm giác ngộ cách mạng. Đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin. Đồng chí đã tham gia Hội thanh niên cách mạng năm 1928.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 6/1930, Thành ủy Hà Nội chính thức được thành lập. Được đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ - Bí thư Thành ủy đầu tiên trực tiếp giới thiệu, đồng chí Lê Duẩn trở thành đảng viên cộng sản, sinh hoạt tại Đảng bộ thành phố, thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Hà Nội.

Năm 1931, đồng chí Lê Duẩn được cử làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đó, đồng chí bị địch bắt ở Hải Phòng và bị kết án 20 năm tù, lần lượt bị giam tại các nhà tù của chế độ thực dân Pháp như Hoả Lò (Hà Nội), Sơn La, Côn Đảo trong những năm từ 1931 đến 1936. Sự tàn bạo của kẻ thù đã không làm đồng chí khuất phục; trái lại, càng tôi luyện thêm ý chí, rèn đúc thêm trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng.

Tháng 10/1936, trước phong trào đấu tranh của nhân dân ta và thắng lợi của Mặt trận nhân dân ở Pháp, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Vừa ra khỏi nhà tù, đồng chí lại hăng say hoạt động cách mạng ở các tỉnh miền Trung, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương nhằm động viên, tập hợp quần chúng đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống nguy cơ phát xít và chiến tranh. Năm 1937, đồng chí Lê Duẩn được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Từ đó đến năm 1939, đồng chí hoạt động tích cực ở nhiều địa phương của miền Trung, từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến Nam Trung bộ.

Năm 1939, đồng chí được điều cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và cuối năm đó đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939, quyết định thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương thay Mặt trận Dân chủ, chuyển hướng cuộc đấu tranh cách mạng sang một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam: từ đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh chuyển sang đấu tranh nhằm mục tiêu trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân, phong kiến tay sai. Đây là bước mở đầu của một cao trào cách mạng mới, tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Đồng chí Lê Duẫn trong lần đón tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm và cổ vũ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam. Ảnh tư liệu
Đồng chí Lê Duẫn trong lần đón tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm và cổ vũ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ảnh tư liệu

Bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai (1940 - 1945), cùng với các chiến sĩ cộng sản khác, đồng chí Lê Duẩn một lần nữa, lại tỏ rõ bản lĩnh và phẩm chất cách mạng của mình, vượt qua thử thách, một lòng kiên trung với Đảng, với dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đồng chí Lê Duẩn và nhiều cán bộ ưu tú khác của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và nhân dân đón về đất liền. Vừa ra khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí lại hăm hở bước vào cuộc chiến đấu mới.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn luôn gắn bó với Nam bộ thành đồng. Trên cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ. Từ thành công của kháng chiến ở Nam bộ, Đảng ta rút ra những kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, từ năm 1954 đến năm 1957, theo sự phân công của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn ở lại Nam bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi đối phương thực hiện Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam và Đông Dương. Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh và cách mạng, năm 1956, đồng chí Lê Duẩn đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng: Đề cương cách mạng miền Nam.

Bản Đề cương chỉ rõ: chính quyền miền Nam Việt Nam là chính quyền thực dân kiểu mới, tay sai của đế quốc Mỹ. Chính quyền đó đã chà đạp thô bạo thành quả mà nhân dân ta đã giành được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà Đề cương cách mạng miền Nam nêu lên đã góp phần quan trọng cho sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 15 (khoá II) và nhiều Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng góp phần vào việc hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam- Bắc trong suốt thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Giữa năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được điều ra Hà Nội công tác. Cùng với các đồng chí Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp..., đồng chí là một trong những cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từ năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương hoạch định những vấn đề chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, được đồng chí viết năm 1970, là một văn kiện lý luận quan trọng tổng kết những kinh nghiệm của giai đoạn cách mạng đã qua, chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ của giai đoạn mới, vừa tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, xây dựng hậu phương vững mạnh của cả nước; vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta là một cuộc chiến tranh nhân dân cực kỳ hào hùng và sáng tạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc triệu người như một đã anh dũng chiến đấu và đánh bại nhiều chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, từ “chiến tranh đơn phương” đến “chiến tranh đặc biệt” rồi “chiến tranh cục bộ”, "chiến tranh Việt Nam hoá” và đã giành được toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Suốt 15 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong hoàn cảnh đất nước trải qua thử thách cực kỳ nghiêm trọng và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng cả nước ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từ năm 1976, tiếp tục cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã tập trung nhiều công sức vào việc hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, phong phú, sôi nổi, trong đó có gần 30 năm giữ các cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã có những cống hiến vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.

Nguyễn Thị Hồng Vui

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

TIN LIÊN QUAN