Xem 'cặp đôi hoàn hảo' người Khơ mú hát tơm

15/03/2017 17:34

(Baonghean.vn) - Người Khơ mú ở bản Na Bè, xã Xá Lượng (Tương Dương) thường gọi vợ chồng anh Moong Văn Cường và chị Moong Thị Tâm là “cặp đôi hoàn hảo”. Bởi lẽ, hai người đến với nhau bằng làn điệu tơm truyền thống và đồng hành suốt chặng đường 30 năm qua.

Mỗi khi có cuộc vui như mừng nhà mới, cưới hỏi hay lễ Tết, người dân Na Bè thường được thưởng thức tiếng pí của anh Moong Văn Cường (SN 1967) và tiếng hát tơm của chị Moong Thị Tâm (SN 1972). Hàng chục năm qua, đôi vợ chồng này đã có mặt ở hầu hết các cuộc vui của dân bản, góp phần lưu giữ một nét đẹp tinh thần của đồng bào Khơ mú.

Clip vợ chồng anh Moong Văn Cường hát mừng nhà mới:

Anh Cường và chị Tâm sinh ra và lớn lên ở bản Xén My, xã Luân Mai (Tương Dương, nay phần lớn đã chuyển về các khu tái định cư ở Thanh Chương). Đam mê pí tơm từ khi còn nhỏ, được người chú tận tình hướng dẫn, nên năm 16 tuổi, anh đã chơi thành thạo. Và cũng từ đó bắt đầu có mặt và biểu diễn trong các cuộc vui của bản.

Tiết mục anh Cường thổi pí, chị Tâm hát tơm đã nhận được nhiều giải thưởng tại các Liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện và tỉnh. Ảnh: Đình Tuân.
Tiết mục anh Cường thổi pí, chị Tâm hát tơm đã nhận được nhiều giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện và tỉnh. Ảnh: Đình Tuân.

Chị Tâm từ lúc biết vác ống bương ra suối lấy nước đã được mẹ dạy hát điệu tơm - làn điệu dân ca đặc trưng của người Khơ mú. Năm 14 tuổi, chị như đóa hoa ban nở đẹp giữa tháng Ba, ngân lên điệu tơm trong trẻo ở mỗi cuộc vui bao chàng trai bản gần, bản xa thêm bâng khuâng, xao xuyến.

Rồi cả anh và chị đều tham gia đội văn nghệ bản, anh thổi pí, chị hát tơm và trở thành “cặp đôi hoàn hảo”. Ngày đó, đội văn bản Xén My đã bao lần ngược xuôi dòng Nậm Nơn giao lưu với các bản làng khác. Đến đâu, ai cũng trần trồ ca ngợi tiết tục đệm pí - hát tơm của cặp đôi Moong Văn Cường và Moong Thị Tâm.

Chiếc pí tơm của người Khơ mú được cấu tạo
Chiếc pí tơm của người Khơ mú được cấu tạo bởi những đốt nứa rời nhau. Ảnh: Công Kiên.

Năm 1987, tiết mục của anh chị được xã chọn đi biểu diễn tại trung tâm huyện nhân dịp khánh thành cầu treo Cửa Rào, nối đôi bờ dòng sông Lam. Chuyến xuôi dòng Nậm Nơn ấy đã để lại bao kỷ niệm, tình yêu được nhen nhóm bao năm qua nay được thổi bùng thành ngọn lửa. Sau chuyến đi ấy, hai người trở về Xén My và mấy tháng sau tổ chức đám cưới.

Đến năm 1990, vợ chồng anh Cường chuyển ra xã Xá Lượng và định cư ở bản Na Bè. Cuộc sống bộn bề khó khăn, việc mưu sinh luôn bận rộn, có lúc cái đói, cái nghèo rình rập nhưng anh chị không rời bỏ tiếng pí, điệu tơm. Có lúc giữa trưa trên lán, sau buổi làm rẫy mệt nhọc, anh cất lên tiếng pí, lập tức chị cất lên điệu tơm. Bao mệt mỏi như được xua tan, nhường chỗ cho niềm vui và sự hăng say với công việc.

Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng anh Cường - chị Tâm cũng luôn tâm đầu ý hợp. Ảnh: Đình Tuân.
Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng anh Cường - chị Tâm cũng luôn tâm đầu ý hợp. Ảnh: Đình Tuân.

Giờ đây, sau 30 năm chung sống, các con đều đã trưởng thành nhưng niềm đam mê tiếng pí, điệu tơm của anh Cường, chị Tâm vẫn không thay đổi. Anh chị vẫn đồng hành trong các cuộc vui, tiết mục của hai người được xã và huyện lựa chọn đi tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn và đạt thành tích đáng tự hào. Đó là giải A Tiếng hát Làng Sen năm 2014 và giải A Hội diễn Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh năm 2015.

Anh Moong Văn Cường chia sẻ: “Vợ chồng tôi rất vui khi được góp phần gìn giữ bản sắc âm nhạc của dân tộc Khơ mú, mang nét đẹp tâm hồn của cộng đồng dân tộc mình đến với bạn bè gần xa. Còn sức khỏe, chúng tôi còn thổi pí và hát tơm!”.

Tường Anh - Đình Tuân

Kỹ thuật: Lâm Mạnh

TIN LIÊN QUAN