Tầm giám sát không ngờ của radar SNR-125-2TM Việt Nam
Thuộc hệ thống phòng không S-125 do Liên Xô sản xuất nhưng sau khi được nâng cấp, tầm giám sát mục tiêu của radar SNR-125-2TM thực sự gây bất ngờ.
Do thiết kế theo công nghệ từ những năm 1960, hệ thống S-125 đã có phần lạc hậu so với chiến tranh hiện đại. Nhằm tăng cường sức mạnh của hệ thống bảo đảm cho công tác bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã hợp tác với Công ty Tetraedr (Belarus) thực hiện chương trình nâng cấp hệ thống S-125 lên chuẩn S-125-2TM.
S-125-2TM được thiết kế để chống lại các cuộc tập kích đường không bằng vũ khí công nghệ cao trong môi trường gây nhiễu điện tử mạnh. Hệ thống cho phép tiêu diệt các mục tiêu ở độ cao thấp, các mục tiêu có diện tích phản xạ sóng radar (RCS) nhỏ.
Đài radar SNR-125-2TM. |
Chương trình nâng cấp tập trung chủ yếu vào cải tiến hệ thống radar điều khiển hỏa lực SNR-125. Theo đó, đài điều khiển SNR-125-2TM có phạm vi bắt mục tiêu diện tích phản xạ sóng radar (RCS) 0,02m2 ở cự ly 100km (trước nâng cấp chỉ là 80km). Thời gian để khóa một mục tiêu nguy hiểm trong nhóm mục tiêu phát hiện được chỉ mất 3 giây.
Đặc biệt, radar có khả năng theo dõi đồng thời 2 mục tiêu cùng lúc, dẫn đường tiêu diệt cả 2 mục tiêu bằng 2 tên lửa hoặc một mục tiêu bằng 2 tên lửa. Ngoài ra, đài SNR-125-2TM được bổ sung thêm tổ hợp ngắm quang – điện tử cho phép phát hiện mục tiêu cỡ máy bay tiêm kích ở cự ly 40km.
Về hỏa lực hệ thống, S-125-2TM trang bị 4 bệ phóng cố định 5P73-2TM lắp 4 đạn tên lửa 5V27. Đạn 5V27 nâng cấp cho phép diệt mục tiêu ở tầm bắn xa đến 35km, tầm cao đạt 25km (chưa nâng cấp là 18km), đánh chặn mục tiêu di chuyển tốc độ 900m/s.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-125 Pechora (NATO định danh là SA-3) được đánh giá là rất hiệu quả trong chống mục tiêu tầm ngắn, bay thấp, đối phó tốt mục tiêu có tính cơ động cao. Đặc biệt, nó có khả năng kháng nhiễu điện tử mạnh hơn so với hệ thống S-75 Dvina tiền nhiệm. S-125 Pechora có thể bắn hạ mục tiêu ở cự ly tối đa 35km, độ cao 18km.
Những hệ thống S-125 đầu tiên chuyển giao cho Việt Nam những tháng cuối năm 1972 trong bối cảnh Không quân Mỹ dùng B-52 đánh phá dữ dội các thành phố lớn ở miền Bắc.
Rất tiếc, S-125 đã không thể triển khai kịp để cùng “sát cánh” với S-75 đánh B-52 trong chiến dịch Điện Biên phủ trên không 12 ngày đêm cuối 1972. Ngày nay, phiên bản nâng cấp của S-125 vẫn tiếp tục sát cánh cùng S-75 và hệ thống phòng không tầm xa tối tân S-300 tạo nên lưới lửa phòng không hiệu quả tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào xâm nhập bầu trời Tổ quốc.
Theo Baodatviet
TIN LIÊN QUAN |
---|