RCEP có thể thay thế TPP?

28/02/2017 07:22

(Baonghean) - Hôm qua (27/2), các quan chức cấp cao của 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu vòng đàm phán mới tại Kobe, Nhật Bản. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), liệu RCEP có thể trở thành lựa chọn hàng đầu để thay thế TPP?

Các nhà lãnh đạo 16 nước thành viên RCEP tham gia lễ công bố Tuyên bố chung tại Kuala Lampur, Malaysia tháng 11/2015. (Nguồn: Xinhua)
Các nhà lãnh đạo 16 nước thành viên RCEP tham gia lễ công bố Tuyên bố chung tại Kuala Lampur, Malaysia tháng 11/2015. (Nguồn: Xinhua)

Ứng viên số 1

Vòng đàm phán mới của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, có thể coi là điều kiện thuận lợi không thể tốt hơn từ khi bắt đầu khởi động cho đến nay. Tổng thống mới của Mỹ Donald Trump đã giữ lời hứa với cử tri trong nước và chính thức tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Với tuyên bố này, Hiệp định TPP trên lý thuyết đã không còn giá trị. Bởi Mỹ chiếm hơn 50% trên tổng số GDP của tất cả các quốc gia thành viên, trong khi theo quy định, Hiệp định TPP chỉ có hiệu lực khi quốc hội của ít nhất 6 nước thành viên với ít nhất 85% GDP phê duyệt.

Trong bối cảnh như vậy, Hiệp định RCEP bỗng nhiên trở thành sự lựa chọn thay thế hàng đầu của các quốc gia trong khu vực. Bởi có tới 7 trong số 16 quốc gia tham gia RCEP hiện cũng là thành viên của TPP. Cần nhắc lại, Hiệp định RCEP có 16 nước thành viên bao gồm 10 nước ASEAN và các nước đối tác là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Bắt đầu đàm phán từ năm 2013, mục đích của RCEP là thiết lập mối hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa khối ASEAN và các nước đối tác, trong đó tập trung vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Nếu đạt được, RCEP sẽ tạo ra khu vực kinh tế chiếm gần 30% giá trị thương mại toàn cầu.

Kẻ tám lạng - người nửa cân ?

Thực tế theo các chuyên gia kinh tế, nếu đặt lên bàn cân, RCEP khó có thể đặt ngang bằng với TPP về mọi mặt. Cụ thể, Hiệp định TPP đã vượt qua giới hạn của tự do hóa hàng hóa và dịch vụ, đồng thời nhấn mạnh vào các mảng quan trọng đối với các nước phát triển như điều kiện kinh doanh, các tiêu chuẩn, quy định và bảo vệ sở hữu trí tuệ... Còn Hiệp định RCEP được đánh giá chủ yếu chỉ tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ.

Tuy nhiên, dù mục tiêu của RCEP không “bao trùm” như TPP nhưng hiệp định này lại có những điểm mà TPP không có được. Đó là sự kết nối lần đầu tiên giữa hai quốc gia đông dân hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, hay giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Một yếu tố không thể không kể đến, đó là quyết tâm chính trị của Trung Quốc - nước dẫn dắt Hiệp định RCEP.

Dư luận đều nhận thấy rằng, Hiệp định RCEP không có sự tham gia của Mỹ là bước đi mà Trung Quốc đặt trọng tâm trong lộ trình gia tăng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc vốn đã âm thầm đẩy nhanh lộ trình đàm phán RCEP khi Hiệp định TPP còn đang tràn trề hy vọng. Đến thời điểm hiện nay, khi TPP đang trước nguy cơ phá sản hoàn toàn, Trung Quốc không có cớ gì không hoàn thành sớm RCEP vào năm 2017 này như dự kiến.

Quy định về quyền sáng chế trong ngành công nghiệp dược phẩm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ được thảo luận tại vòng đàm phán mới nhất của RCEP tại Kobe, Nhật Bản. (Nguồn: Bloomberg)
Quy định về quyền sáng chế trong ngành công nghiệp dược phẩm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ được thảo luận tại vòng đàm phán mới nhất của RCEP tại Kobe, Nhật Bản. (Nguồn: Bloomberg)

Liệu RCEP có về đích sớm?

Nhiều yếu tố thuận lợi là vậy, nhưng không phải RCEP có thể “về đích” nhanh chóng như Trung Quốc kỳ vọng. Tất yếu như nhiều Hiệp định liên quốc gia khác, việc tất cả các thành viên có cùng nhất trí để đưa ra các quy định về hàng loạt vấn đề như sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử… hay không; các thách thức về kỹ thuật để đạt được các điều khoản chung sẽ là những rào cản đặt ra.

Xét đến từng quốc gia, Ấn Độ và Indonesia hiện được cho là “không thực sự nhiệt tình” trong tự do hóa thương mại. Hay sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng sẽ là những trở ngại không nhỏ. Ngay trong vòng đàm phán mới nhất vừa bắt đầu, dự kiến sẽ có nhiều bất đồng trong phạm vi thuế quan trong khuôn khổ hiệp định giữa Nhật Bản và Trung Quốc và Ấn Độ.

Bởi vậy, cũng có ý kiến cho rằng, các quốc gia tham gia RCEP không nên quá tập trung vào hiệp định này mà nên tiến hành song song các đối thoại kinh tế song phương. Bên cạnh đó, việc Mỹ rút khỏi TPP không có nghĩa là chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ gạt bỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương ra khỏi chính sách đối ngoại của nước này.

Vì vậy theo các nhà phân tích, các quốc gia tham gia RCEP trong đó có Việt Nam có lẽ cần cân đối và điều chỉnh để đưa ra những chiến lược dài hơi cho phù hợp. Bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bên cạnh TPP, RCEP sẽ còn nhiều khuôn khổ hợp tác thương mại tốt và thích hợp để các nước có thể lựa chọn tham gia.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN