'Cán bộ cũng có tư tưởng không muốn đưa đơn vị mình ra khỏi diện nghèo'

24/04/2017 19:19

(Baonghean.vn)- 'Cán bộ xã, bản còn có tư tưởng không muốn đưa đơn vị mình ra khỏi diện nghèo để hưởng các chính sách đầu tư của Nhà nước', Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Nguyễn Bằng Toàn khẳng định.

Tại cuộc làm việc giữa Thường trực HĐND tỉnh với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chiều 24/4, đồng chí Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ, TB, và XH cho rằng không chỉ người dân mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà “nặng” cả trong tư tưởng của cán bộ lãnh đạo xã và các bản muốn địa phương nằm trong diện đơn vị nghèo để hưởng cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Đồng chí Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Đồng chí Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa


Các vấn đề được quan tâm tại cuộc làm việc của Thường trực HĐND tỉnh với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chiều 24/4 là phải xây dựng các mô hình sinh kế; đào tạo nghề, tạo việc làm hiệu quả; nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên cho người nghèo...

Theo Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh: Chỉ tiêu được tỉnh đặt ra theo đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, có 50% lao động thuộc các hộ nghèo qua đào tạo nghề (đích của năm 2015) và bình quân có 24.500 người được đào tạo nghề/năm (giai đoạn 2011 – 2015). Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong 5 năm (2012 – 2016), toàn tỉnh chỉ hỗ trợ dạy nghề được cho 6.574 người nghèo, với kinh phí thực hiện hơn 46 tỷ đồng, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung, người nghèo nói riêng thời gian qua cơ bản có hiệu quả, bằng chứng là có nhiều mô hình cây, con, ngành nghề, dịch vụ được triển khai và phát triển ở các địa phương. Tuy nhiên, đào tạo nghề mới chỉ chủ yếu mang tính chất “nắm tay, chỉ việc”, chuyển giao KHKT, cách thức trồng trọt, chăn nuôi; cho nên chưa đạt được mong muốn theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người nghèo và chưa đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Kinh phí dành cho đào tạo nghề lớn, nhưng chủ yếu chỉ dành vào việc đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề và tổ chức đào tạo các lớp học.

Ông Trần Văn Mão - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, chủ trì cuộc làm việc, nhấn mạnh, tành phố Vinh cần tăng cường đối thoại với công dân

Ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ, TB và XH, cho rằng: Không chỉ người dân mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà cả trong tư tưởng của cán bộ lãnh đạo xã và các bản muốn địa phương nằm trong diện đơn vị nghèo để hưởng cơ chế, chính sách của Nhà nước. Ảnh: Mai Hoa

Cũng tại cuộc làm việc, thành viên đoàn cũng nêu lên nhiều vấn đề quan tâm liên quan đến việc xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế cho người nghèo; nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên cho người nghèo; hiệu quả từ chủ trương phân công các cơ quan giúp đỡ xã nghèo.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cũng thừa nhận, việc xây dựng các mô hình kinh tế đã khó, việc nhân rộng mô hình càng khó hơn, bởi muốn nhân rộng đòi hỏi phải có kinh phí mang tính kích cầu như hỗ trợ cây, con giống, chứ không chỉ là tuyên truyền, vận động. Liên quan đến ý thức, ông Nguyễn Bằng Toàn, cho rằng: Không chỉ người dân mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà cả trong tư tưởng của cán bộ lãnh đạo xã và các bản muốn địa phương nằm trong diện đơn vị nghèo để hưởng cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại cuộc làm việc với Thường trực HĐND tỉnh chiều 24/4, trong 5 năm (2012 – 2016) thông qua triển khai thực hiện các chính sách theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 3.07%/năm. Riêng 3 huyện nghèo thuộc chương trình 30a, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6 – 7%/năm. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn 9,55%, tương đương 80.168 hộ; tỷ lê hộ cận nghèo là 10,04%, tương đương 84.214 hộ.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về giảm nghèo bền vững tặng quà cho hộ nghèo tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về giảm nghèo bền vững tặng quà cho hộ nghèo tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã đánh giá cao vai trò, trách nhiệm tham mưu và trực tiếp chỉ đạo của Sở trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý Sở cần quan tâm phối hợp với các sở, ngành để rà soát lại các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư gắn xóa đói, giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế.

Chú trọng công tác điều tra, rà soát, đánh giá chính xác hộ nghèo, tái nghèo cũng như vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong công tác giảm nghèo; từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo giảm nghèo ở cơ sở sát với thực tế, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Phối hợp với các sở, ngành và các địa phương nâng cao nhận thức cho người nghèo vươn lên thoát nghèo; đồng thời nghiên cứu, lựa chọn nghề đào tạo gắn với xuất khẩu lao động để đảm bảo hiệu quả sau đào tạo. Tham mưu đổi mới phương pháp, cách thức hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị đối với các xã nghèo nhân giúp đỡ để đảm bảo các xã nghèo được giúp đỡ một cách cụ thể, thiết thức, góp phần xóa đói, giảm nghèo....

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN