Vướng mắc trong GPMB dự án Hồ chứa nước Bản Mồng: Sẽ cưỡng chế nếu người dân không hợp tác!
(Baonghean.vn) - Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tại cuộc họp với các cơ quan liên quan ngày 13/4, sáng 18/4, UBND huyện Quỳ Hợp đã tổ chức đối thoại với các hộ dân còn có vướng mắc trong GPMB dự án Hồ chứa nước Bản Mồng tại xã Yên Hợp.
Cuộc đối thoại có sự tham gia của lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp, đại diện Ban 4 của Bộ NN&PTNT; Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án và các sở, ngành liên quan. Đại diện 6 hộ gia đình gồm các ông bà: Phạm Xuân Nhân, bà Nguyễn Thị Hoa, bà Nguyễn Thị Hương, bà Lê Thị Minh, ông Nguyễn Phi Hải, ông Lương Văn Mật. |
Vướng mắc trong GPMB tại khu vực thuộc khoảnh 7, tiểu khu 262, địa phận xã Yên Hợp. Đây là vùng đất lâm nghiệp Nhà nước giao Lâm trường Đồng Hợp – Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu quản lý, sử dụng với diện tích 291.191,0 m2; vào ngày 12/5/2010, UBND tỉnh có Quyết định số 111/QĐ-UBND.ĐC về việc thu hồi đất lâm nghiệp để thực hiện dự án Hồ chứa nước bản Mồng.
UBND huyện Qùy Hợp tổ chức đối thoại với các hộ dân liên quan. Ảnh: Phương Thảo |
Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo “Trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính khu đất” số 13/BĐ.ĐC do Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường và được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 4/11/2009. Ngày 27/5/2010, UBND tỉnh ra Quyết định số 2233/QĐ-UBND.NN cho phép chuyển đổi số diện tích đất này từ mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang xây dựng các công trình đầu mối thuộc dự án Hồ chứa nước bản Mồng tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp.
Trong 291.191,0 m2, có 5,2 ha đất của 8 hộ dân đã được Hội đồng giải phóng mặt bằng thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ và đã tiến hành thi công công trình lòng hồ. Diện tích còn lại, được bàn giao cho Ban Quản lý dự án Hồ chứa nước bản Mồng tại biên bản bàn giao tháng 3/2010.
5,2 ha đất của 8 hộ dân đã được Hội đồng giải phóng mặt bằng thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ và đã tiến hành thi công công trình lòng hồ. Ảnh: Nhật Lân |
Tuy nhiên, trong quá trình thi công công trình do không có nguồn vốn nên đình trệ mất 3 năm, trong khi Ban quản lý dự án không có người trông coi mặt bằng; bên cạnh đó đã có đường đi lại thuận tiện để sản xuất cũng như canh tác. Chính vì vậy bị 6 hộ dân có tên trên tái trồng keo, với diện tích khoảng 10 ha (bên kia kênh dẫn dòng).
Tại cuộc đối thoại sáng 18/4, UBND huyện, UBND xã và Hội đồng GPMB khẳng định xác định lại nguồn gốc đất ở khu vực người dân tái trồng keo là đất lâm nghiệp; toàn bộ diện tích khu đất này, khi thực hiện thu hồi đất, Nhà nước đã bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức và hộ dân liên quan; việc tái trồng cây keo trên đất Nhà nước đã thu hồi là vi phạm pháp luật; Ban Quản lý dự án, UBND huyện và UBND xã Yên Hợp đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các hộ dân không được thực hiện việc tái trồng cây keo. Bên cạnh đó, cũng nhìn nhận, việc xử lý của các cơ quan liên quan không dứt điểm, vì vậy đề nghị Ban 4 xem xét hỗ trợ để người dân thu hoạch cây, trả lại mặt bằng thực hiện dự án.
Tại buổi đối thoại, Ban 4 (đơn vị thi công) thống nhất hỗ trợ cho các hộ dân để thu hoạch cây với mức15 triệu đồng/ha, qua đó đề nghị các hộ dân trả lại đất cho dự án để thi công công trình.
Việc tái trồng keo trên đất Nhà nước đã thu hồi của các hộ dân khiến dự án Hồ chứa nước Bản Mồng thi công chậm tiến độ. Ảnh: Phương Thảo |
Tuy nhiên, các hộ gia đình khẳng định khu vực đất này thuộc quyền sở hữu của họ và không nhất trí nhận kinh phí hỗ trợ. Các bà Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Hương (xóm Trọng Cánh) cho rằng các gia đình sử dụng đất từ năm 1988; việc chính quyền xác định đất do Lâm trường quản lý là không chính xác; cho rằng có những dấu hiệu không công bằng trong công tác bồi thường, hỗ trợ…
Tại buổi làm việc, đại diện Hội đồng giải phóng mặt bằng, UBND xã Yên Hợp công khai các thông tin về nguồn gốc đất đai cũng như việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện từ những năm trước đây nhưng các hộ dân vẫn kiên quyết không đồng tình.
Với tư cách thành viên tham dự cuộc họp, ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp khẳng định việc các hộ dân tái trồng cây trên đất lâm nghiệp Nhà nước đã thu hồi thực hiện dự án là vi phạm pháp luật, yêu cầu các hộ dân cần trả lại diện tích đất đã trồng cây trái phép để xây dựng dự án. Với ý kiến các hộ dân cho rằng có dấu hiệu thiếu minh bạch trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, hoặc nhận thấy Hội đồng giải phóng mặt bằng và các cơ quan thẩm quyền làm không đúng quy định thì đề nghị làm đơn khiếu nại, tố cáo để được giải quyết theo quy định của pháp luật…
Bà Nguyễn Thị Hoa - đại diện 1 trong 6 hộ dân tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhật Lân |
Chủ trì cuộc họp, ông Trương Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, Chủ tịch Hội đồng GPMB dự án kết luận: Đề nghị Ban vận động GPMB huyện và xã Yên Hợp tiếp tục vận động các hộ dân hợp tác để tháo gỡ những vướng mắc trong GPMB; trường hợp người dân vẫn tiếp tục không hợp tác, không nhận hỗ trợ để thu hoạch cây tái trồng trên đất Nhà nước đã thu hồi, UBND huyện Quỳ Hợp sẽ báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan để thực hiện bảo vệ thi công.
Ngày 13/4/2017, sau khi đi kiểm tra thực địa lòng hồ, khu vực còn vướng mắc khâu GPMB, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chỉ đạo huyện Quỳ Hợp tiếp tục vận động các hộ dân có liên quan chấp thuận việc giải tỏa mặt bằng; nếu các hộ vẫn cố tình không chấp nhận, cho phép địa phương tiến hành cưỡng chế theo Thông báo ngày 5/3 của UBND huyện Quỳ Hợp; thời gian vận động đến hết tháng 4, nếu để cưỡng chế thì hạn chậm nhất là ngày 5/5/2017.
Đối với các hộ tái lấn chiếm đất lâm nghiệp mà địa phương đã tiến hành bồi thường GPMB để trồng keo, UBND huyện Quỳ Hợp thu hồi toàn bộ diện tích đất mà không có sự đền bù, đồng thời bàn giao cho nhà thầu trước ngày 30/4.
Nhật Lân - Phương Thảo
TIN LIÊN QUAN |
---|