'Xác sống' đang 'ăn thịt' châu Á

05/04/2017 14:57

(Baonghean) - Chính phủ và ngân hàng ở châu Á đang tiếp tục giải ngân các gói tài chính ưu đãi và các dạng hỗ trợ khác để giúp duy trì sự sống lay lắt của các công ty bên bờ phá sản - hay còn được gọi là các công ty “xác sống”. Họ hy vọng rằng, các công ty này sẽ lại trở thành các doanh nghiệp phát triển bền vững một khi phục hồi được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, những công ty kiểu này đang hủy hoại nền kinh tế toàn cầu…

Đơn cử như thực trạng đang xảy ra tại Hàn Quốc đối với Công ty TNHH đóng tàu và kỹ thuật hàng hải Daewoo. Ngày 23/3 vừa qua, 2 ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc nhất trí cho hãng đóng tàu đang “thoi thóp” này vay khoản tiền 2,6 tỷ USD và hoán đổi nợ thành vốn góp cổ phần nhằm ngăn ngừa khả năng vỡ nợ.

Trong một tuyên bố, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc còn cảnh báo rằng nếu Daewoo phá sản, “tổn thất đối với nền kinh tế của đất nước có thể rất lớn khi toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu có thể sụp đổ và các định chế tài chính có thể phải đối diện với những tổn thất nhiều hơn thế”.

Hãng đóng tàu Daewoo gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.Ảnh: Bloomberg
Hãng đóng tàu Daewoo gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Ảnh: Bloomberg

Quả thực, Daewoo đang phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải, chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự chững lại trong tăng trưởng và thương mại toàn cầu. Một ông lớn khác của Hàn Quốc là Công ty TNHH vận tải Hanjin đã phá sản hồi năm ngoái. Các chủ nợ của Daewoo có lẽ đang hy vọng một gói cứu trợ tài chính để duy trì công ty cho đến khi các điều kiện trong ngành nghề này được cải thiện.

Tuy nhiên, đây lại là một bộ phim với kịch bản rất đỗi quen thuộc. Chưa đầy 2 năm kể từ khi hãng đóng tàu Daewoo nhận một khoản vay cứu trợ đầu tiên và một lần hoán đổi nợ thành vốn góp cổ phần. Thực tế, công ty này khởi sự là một xưởng đóng tàu ngổn ngang, kẹt tiền mà Chính phủ gán lên một Tập đoàn kinh doanh Daewoo đầy miễn cưỡng vào năm 1978.

Sau đó, khi Tập đoàn Daewoo sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, Công ty đóng tàu Daewoo được kéo ra khỏi đống đổ nát và trở thành một công ty độc lập hồi năm 2000 với một khoản nợ khác được hoán đổi thành vốn góp cổ phần.

Chắc chắn là việc buộc một công ty như Daewoo lâm vào cảnh phá sản kéo theo một cái giá không hề nhỏ. Công nhân có thể sẽ mất việc, ngân hàng ôm mớ nợ xấu,… Nhưng nếu vẫn duy trì những “xác sống” này, cái giá phải trả lớn hơn rất nhiều.

Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 1 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, những doanh nghiệp “xác sống” - được định nghĩa là những công ty lâu năm gặp khó khăn trong việc trả lãi suất vay nợ - là nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng chậm tăng năng suất, kéo theo đó là tăng trưởng ì ạch tại các quốc gia phát triển.

Các công ty “xác sống” tước đoạt từ các doanh nghiệp khỏe mạnh nhiều cơ hội mở rộng quy mô và gây nên rào cản gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp mới, dẫn đến ảnh hưởng nguồn vốn đầu tư. Đối với các nước thuộc OECD, tác giả của nghiên cứu nói trên liên hệ sự gia tăng các doanh nghiệp “xác sống” so với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính năm 2008 với tổn thất lũy tích 2% đầu tư và 0,7% việc làm.

Trong bối cảnh tăng trưởng chậm chạp và thất nghiệp kéo dài do chậm phục hồi hậu khủng hoảng, bỏ lỡ những cơ hội tạo việc làm và khuyến khích nhà đầu tư như vậy rõ ràng là chuyện không hề nhỏ.

Các tác giả của nghiên cứu quả quyết: “Các kết quả cho thấy số lượng các công ty xác sống cũng như nguồn lực đổ vào đây đã tăng lên kể từ giữa những năm 2000 và ngày càng có nhiều công ty năng suất thấp như vậy tồn tại bên bờ phá sản, gây nghẽn thị trường và kiềm chế tăng trưởng của các công ty có năng suất cao hơn”.

Công ty “xác sống” có lợi nhuận thấp hoặc không sinh lợi, có nguy cơ cao mất thanh khoản. Ảnh: Dailymail
Công ty “xác sống” có lợi nhuận thấp hoặc không sinh lợi, có nguy cơ cao mất thanh khoản. Ảnh: Dailymail

Dù vậy, ở chừng mực nào đó các nhà hoạch định chính sách vẫn tin rằng họ có thể thách thức thị trường. Tại Trung Quốc, các quan chức cấp cao trong Chính phủ đã nhiều lần phá vỡ lời hứa triệt hạ các doanh nghiệp “xác sống” trong các ngành nghề thừa thãi nhà máy và ôm những khoản nợ “khủng”.

Theo ước tính, một trong những mảnh đất kinh tế màu mỡ của các “xác sống” tại Trung Quốc là sắt thép, khả năng vận hành thực tế đã tăng trong năm 2016. Dù các vụ phá sản vẫn trên đà tăng lên, song số công ty lay lắt sống qua ngày vẫn còn rất lớn.

He Fan, một nhà kinh tế Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, mới đây ước tính khoảng 10% số công ty có trong danh mục tại Trung Quốc hội đủ tiêu chí của doanh nghiệp “xác sống” - con số mà vị chuyên gia này cho là còn khiêm tốn so với quy mô thực tế của vấn đề.

Theo ông, thông qua việc lãng phí tiền của vào các doanh nghiệp đang chết dần chết mòn và trong quá trình này tăng thêm khoản nợ khổng lồ của khối doanh nghiệp, giới chức Trung Quốc đang vớt vát việc làm này bằng cách hy sinh tăng trưởng, việc làm và cải tiến mà nền kinh tế cần đến trong tương lai.

He Fan viết: “Các doanh nghiệp xác sống đang kìm hãm sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc. Sự tồn tại của họ ngăn cản tái phân bổ các nguồn lực cho các ngành công nghiệp năng suất hơn, dẫn đến một sân chơi bất bình đẳng”.

Và đó có thể là những bài học dành cho nước Mỹ. Trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu phục hồi nền sản xuất của Mỹ, Tổng thống Donald Trump phải cẩn trọng để sự can thiệp của Chính phủ không làm đảo lộn thị trường, chẳng hạn theo kiểu áp thuế cao để phản ứng với lợi ích chi phí nhờ sản xuất hàng hóa ở nước ngoài.

Các nhà máy có thể tồn tại dưới sự bảo hộ như vậy không nhất thiết là doanh nghiệp “xác sống”, nhưng chắc chắn chúng sẽ đem lại tác động tương tự lên nền kinh tế. Ngăn sản xuất ở nước ngoài thì Trump có thể “vớt vát” chút ít việc làm cho người dân Mỹ, nhưng lại đặt gánh nặng lên vai những người tiêu dùng gián tiếp qua mức giá cao, và lên vai các cổ đông qua việc giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nếu điều đó xảy ra, sẽ chẳng khác gì một bộ phim kinh dị nữa, khi “xác sống” này tạo ra thêm nhiều “xác sống” khác.

Thu Giang

(Theo Bloomberg)

TIN LIÊN QUAN