Viết tiếp câu chuyện cổ tích của chàng trai da cam

22/04/2017 10:08

(Baonghean) - Gia đình có 5 người thì 2 người trong số đó bị dị tật bẩm sinh do di chứng của chất dộc màu da cam nhưng nghị lực của họ đã trở thành câu chuyện lan tỏa khắp vùng.

Vừa mới lọt lòng mẹ, anh Trần Văn Đức ở thôn 1/5, xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) đã không có một cơ thể lành lặn và sự minh mẫn như người khác do di chứng của chất độc màu da cam, để rồi cả cuộc đời anh phải nương nhờ vào người khác. Thế nhưng câu chuyện tình yêu có hậu đã diễn ra với anh như một phép màu

Chuyện tình “lệch”...

Chúng tôi tìm về gia đình chị Nguyễn Thị Hồng - một gia đình có 5 người thì 2 người trong số đó bị dị tật bẩm sinh do di chứng của chất dộc màu da cam nhưng nghị lực của họ đã trở thành câu chuyện lan tỏa khắp vùng.

Anh Trần Văn Đức (xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) và 2 người con. Ảnh: Như Sương
Anh Trần Văn Đức (xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) và 2 người con. Ảnh: Như Sương

Dưới chân ngọn đồi nhỏ trồng đầy dứa và quýt, căn nhà nhỏ được xây từ Chương trình xoá nhà tranh tre, dột nát 135, nằm lặng lẽ ngoảnh về phía lòng hồ. Một người đàn ông, sau này chúng tôi biết đó là anh Trần Văn Đức phân trần: “Vợ đi làm thuê ở xa mãi tận tối mới về nên chỉ có ba bố con ở nhà tự lo cơm nước”.

Trong căn nhà nhỏ ấy, người đàn ông nom đầy vẻ yếu ớt run run kể về câu chuyện đời mình. Bố anh Đức vốn là bộ đội tham gia chiến trường Miền Nam rồi không may nhiễm phải chất độc da cam. Sau ngày hoà bình trở về, anh được sinh ra trong tình trạng yếu ớt, còi cọc. Và cứ thế cho đến hiện tại, anh luôn phải nương nhờ người thân chứ không thể làm được bất cứ công việc nặng gì.

Cuộc sống của một con người tật nguyền như anh ngỡ tưởng sẽ chỉ là chuỗi ngày dài bám víu cha mẹ già chứ không thể có chuyện sẽ có gia đình riêng. Bởi trong thâm tâm anh luôn anh nghĩ, sẽ chẳng có cô gái nào chấp nhận một người tật nguyền, sống bám lại có gia cảnh nghèo khó như anh.

Nhưng đâu ai ngờ, một lần gặp tình cờ với người con gái làng bên tên Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1973) khiến anh thay đổi suy nghĩ hoàn toàn. “Đó là lần gặp gỡ rất đỗi tình cờ trong một lần đi lạc đường. Hồng lúc ấy có mái tóc đen dài trông mượt lắm. Đôi mắt nhung huyền ẩn dưới hàng lông mày mỏng, nước da hơi bánh mật vì sương nắng chốn thôn quê nhưng lại rất dễ thương”, anh Đức tả.

Lần gặp gỡ đó khiến anh cảm thấy xao xuyến để chuỗi ngày dài, anh sống trong sự nhớ nhung, lưu luyến hình bóng về một người con gái thôn quê dịu hiền, chịu thương chịu khó. Kể từ ngày đó, một lần, hai lần, rồi không biết bao nhiêu lần, anh tìm đến nhà chỉ để được gặp Hồng cho vơi đi nỗi nhớ nhung. Và tự bao giờ, hai con người càng thương mến nhau hơn.

Nhưng rồi những cấm đoán, can ngăn từ gia đình Hồng đã khiến cho cả hai biết bao lần có suy nghĩ buông xuông. “Cũng chẳng có gì phải khó hiểu cả. Bởi một người tật nguyền như tôi sẽ không thể đem lại cho Hồng một cuộc sống đủ đầy, sẽ không thể che chở, gánh vác được những công việc trong gia đình và nghĩa là cô ấy sẽ phải chịu những vất vả”, anh Đức giải thích.

Hạnh phúc giản dị

Vượt bao ngăn cản, cấm đoán từ phía gia đình bạn gái, chuyện tình của hai người cuối cùng cũng đã đến được bến bờ hạnh phúc. Một lễ cưới giản đơn nhưng đầy ắp niềm hạnh phúc cùng lời chúc phúc của bạn bè và người thân được diễn ra.

Và hạnh phúc đó lại được nối dài trong ngôi nhà nhỏ khi những thiên thần lần lượt được sinh ra trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Song, đây cũng là lúc cả hai bắt đầu cảm nhận được khó khăn của cuộc sống khi tất cả mọi chi phí của gia đình đều dựa vào đôi tay của chị Hồng, nguồn kinh tế chính lại chỉ dựa vào mấy sào ruộng khô trồng sắn, mía, ngô.

Em Nguyễn Nhật Huỳnh tranh thủ giờ nghỉ phụ giúp mẹ công việc nhà. Ảnh: Như Sương
Em Nguyễn Nhật Huỳnh tranh thủ giờ nghỉ phụ giúp mẹ công việc nhà. Ảnh: Như Sương

Những đứa trẻ ra đời càng khiến chị Hồng thêm vất vả hơn, bởi với hoàn cảnh gia đình chị lúc này, thêm một miệng ăn là thêm một gánh nặng. Vì vậy, chị phải tranh thủ đi làm thuê khắp nơi để kiếm thêm đồng gạo thóc. Khó khăn càng thêm chồng chất khi đứa con trai thứ 2 (Nguyễn Nhật Huỳnh – sinh năm 2004) của anh chị sinh ra bị dị tật chỉ bé bằng nửa người thường.

“Ngày bé Huỳnh sinh ra, cơ thể nó nhỏ và yếu lắm, chỉ bằng một nửa những đứa trẻ khác. Bác sĩ bảo rằng có thể nó bị nhiễm di chứng chất độc da cam từ ông nội nên mới thành ra vậy. Về sau, càng lớn dần lên, tay chân nó teo lại, ngắn cũn nên ai cũng gọi là “cu lùn”.

Bây giờ, dù đã học lớp 7 nhưng trông nó chỉ ngang đứa trẻ học lớp 2 khi cân nặng chỉ được 24 kg và cao 80 cm. Những hôm đưa con đi học, thấy nó mang cái ba lô mà xót con. Bởi cái ba lô có lẽ quá khổ nó khi chiều dài đôi chân chỉ đủ để không bị chạm đất”, anh Đức kể.

Chỉ một người chồng tật nguyền đã đủ khiến đôi vai chị Hồng cảm thấy nhọc nhằn chứ chưa nói đến sự có mặt của bé Huỳnh. Song, với tình yêu dành cho chồng và các con mà chị vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, xoay xở đủ mọi cách để Huỳnh được đến trường như các bạn trong xóm.

Đến năm 2015, vì lỡ kế hoạch mà bé Nguyễn Nhật Đông được sinh ra trong sự chật vật về kinh tế. Để rồi, người chị gái đầu Nguyễn Thị Duyên (SN 2001), mặc dù học giỏi nhưng vì thương mẹ, thương em nên phải bỏ dở con đường tương lai ngay khi vừa hoàn thành xong chương trình lớp 9.

Tuy nhiên, do chưa đủ tuổi để có thể xin làm công nhân trong nhà máy nên Duyên chỉ có thể đi làm bưng bê cho một quán cơm ở Hà Nội với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.

Với sự hỗ trợ của chính quyền, nay lại có thêm nguồn thu nhập của bé Duyên, cuộc sống gia đình chị Hồng cũng vơi đi phần nào sự khó khăn, chật vật. Mặc dù, ngần đó chỉ có thể giúp cho bữa cơm của gia đình thi thoảng có thêm miếng thịt hay bìa đậu phụ kho mặn để bé Huỳnh có thể cất lên một tiếng reo cười.

Cuộc sống tương lai còn đầy những chật vật, khó khăn chẳng thể lường trước, những con người trong gia đình tật nguyền vẫn dựa vào nhau để hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn. Đó là niềm tin về cặp bò sinh sản mà chị Hồng mua được sau bao năm dành dụm, là sự cố gắng học hành của bé Huỳnh hay hy vọng về những đồng lương mà bé Duyên gửi về.

Chúng tôi gọi chị là người đàn bà can đảm bởi một lẽ đơn giản rằng: Nếu chỉ có tình yêu đối với anh Đức cùng tình mẫu tử dành cho những đứa con mà không có nghị lực phi thường để gánh gồng một nỗi bất hạnh quá lớn như vậy thì có lẽ người phụ nữ đó đã không thể trụ vững đến ngày hôm nay.

Như Sương

TIN LIÊN QUAN