Ngày Sức khỏe thế giới: 'Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện'

07/04/2017 10:17

(Baonghean.vn) - Ngày 7/4 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là ngày Sức khỏe thế giới để tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường nhận thức của toàn xã hội về sức khỏe. Năm 2017, WHO đã chọn chủ đề: “Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện”.

Trầm cảm đang là một trong những căn bệnh được thế giới quan tâm, nó gây nên cơn sốt trong thời đại mới bởi những hậu quả khôn lường mà người bị bệnh cũng như những người thân của bệnh nhân phải gánh chịu. Vậy, đâu là nguyên nhân, giải pháp phòng tránh và phương pháp trị liệu căn bệnh này?

Hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng đang không ngừng đưa tin về căn bệnh trầm cảm, nó được mệnh danh dưới nhiều tên gọi như: "sát thủ giấu mặt", "gánh nặng tiềm ẩn", ...Song, số đông trong chúng ta đều hiểu rất "khiêm tốn" về cách phòng tránh và chữa trị căn bệnh này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung bình 850.000 mạng người, đến năm 2020 trầm cảm sẽ là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung bình 850.000 mạng người, đến năm 2020 trầm cảm sẽ là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. (Ảnh minh họa).

Trầm cảm ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng đến cuộc sống con người ở tất cả các nước. Trầm cảm gây ra nỗi đau đớn về tinh thần và tác động vào khả năng thực hiện, ngay cả những công việc đơn giản hàng ngày, đôi khi hậu quả của trầm cảm tàn phá các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và khả năng để kiếm sống của họ. Tồi tệ nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử, và hiện tại trầm cảm là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong ở tuổi 15 - 29.

Hiện nay, có hơn 350 triệu người trên toàn thế giới ở mọi lứa tuổi bị trầm cảm. Trầm cảm là nguyên nhân dẫn đầu của tàn tật trên thế giới, là yếu tố góp phần chủ yếu trong gánh nặng toàn cầu về bệnh tật. Theo nghiên cứu thì phụ nữ bị trầm cảm nhiều hơn nam giới. Tổ chức Y tế thế giới nhận định: Nếu bệnh vừa hoặc nặng, người bị trầm cảm có thể cần thuốc và điều trị qua việc trò chuyện.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người.

Trầm cảm là một rối loạn có thể được chẩn đoán và điều trị bởi những thầy thuốc không chuyên khoa như là một phần của hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bác sĩ chuyên khoa chỉ cần cho một tỉ lệ nhỏ người bị trầm cảm có biến chứng hoặc không đáp ứng với điều trị bước một.

Trầm cảm là căn bệnh đã có từ thời cổ đại, nhưng cái mới với chúng ta chính là sự nhận thức, vì cho đến bây giờ, bệnh đang bùng phát ở mọi nơi, đặc biệt các nước đang phát triển, và con người đang phải đương đầu với những hậu quả của nó. Bệnh trầm cảm là một bệnh rất phổ biến. Cứ 100 người có đến 10 người bị bệnh này và xác suất bị bệnh này trong đời người (lifetime prevalence) có thể đến 15%.

WHO tiên đoán rằng đến năm 2020 thì bệnh trầm cảm sẽ trở thành căn bệnh thứ nhì dẫn đến tàn tật (disability) trên toàn thế giới và căn bệnh thứ nhất dẫn đến tàn tật ở những nước đang phát triển.

Tuy nhiên, trầm cảm có thể ngăn ngừa được và điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Một sự hiểu biết tốt hơn về các biểu hiện trầm cảm, và làm thế nào có thể ngăn ngừa và điều trị trầm cảm, sẽ giúp giảm kỳ thị của cộng đồng liên quan với tình trạng này, và tìm kiếm sự giúp đỡ của nhiều người xung quanh.

Mục tiêu chung của chiến dịch năm nay, bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 năm 2016, Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới, có nhiều người đang bị trầm cảm, ở tất cả các nước, hãy tìm kiếm và giúp đỡ họ. WHO đang hướng tới: công chúng nói chung được thông tin tốt hơn về trầm cảm, hiểu được nguyên nhân và hậu quả có thể xảy ra do trầm cảm, bao gồm cả tự tử, và những trợ giúp có thể có để phòng ngừa và điều trị; Người bị trầm cảm hãy tìm sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Bác sĩ đang thăm khám cho một bệnh nhân bị trầm cảm ở BV Bạch Mai.
Bác sỹ đang thăm khám cho một bệnh nhân bị trầm cảm ở BV Bạch Mai (Hà Nội).

Cốt lõi của chủ đề Ngày Sức khỏe thế giới năm nay là trao đổi về tầm quan trọng của trầm cảm đối với sức khỏe cộng đồng và tầm quan trọng của phục hồi. Sự kỳ thị xung quanh bệnh tâm thần, bao gồm trầm cảm, vẫn là một rào cản đối với những người tìm kiếm sự giúp đỡ họ trên khắp thế giới.

Hãy trao đổi về trầm cảm, cho dù với một thành viên trong gia đình, bạn bè hay chuyên gia y tế; có thể trao đổi chủ đề trầm cảm trong các nhóm lớn hơn, như trường học, nơi làm việc và môi trường xã hội; hoặc trong phạm vi công cộng, trong các tin tức truyền thông, blog hoặc các phương tiện truyền thông xã hội. Sự trao đổi đó sẽ giúp phá vỡ sự kỳ thị lien quan đến trầm cảm, cuối cùng nhiều người đang có biểu hiện trầm cảm sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của chúng ta.

Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Vì vậy, chiến dịch này là dành cho tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội của họ. Tổ chức Y tế Thế giới, lựa chọn đặc biệt chú ý đến ba nhóm bị ảnh hưởng không tương xứng: vị thành niên và thanh niên; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (đặc biệt là sau khi sinh con); và người cao tuổi (trên 60 tuổi).

Kim Ngọc

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN