Ngày truyền thống nghề cá 1/4 ở Việt Nam có từ bao giờ?
Vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4.1959, khi về thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà,… Bác Hồ đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, trong đó có ngư dân, đối với phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 1.4 là ngày cá Việt Nam.
Ngư dân Bình Định thu hoạch được mẻ cá lớn. Ảnh: Dũ Tuấn |
Từ sau những năm 1950, xác định được vị trí ngày càng quan trọng và sự đóng góp mà nghề cá có thể mang lại lợi ích nhiều mặt cho nền kinh tế quốc dân, cùng với quá trình khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã bắt đầu quan tâm phát triển nghề cá và hình thành các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Việc thành lập Tổng cục Thủy sản năm 1960 và sau ngày đất nước thống nhất, Bộ Hải sản được thành lập năm 1976 và tổ chức lại thành Bộ Thủy sản năm 1981 đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam trong nền kinh tế quốc dân.
Ngành Thủy sản bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu thủy sản, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, mở rộng hợp tác quốc tế để giữ vững nhịp độ tăng trưởng liên tục trong suốt chặng đường qua.
Sau khi Bộ Thủy sản hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và PTNT vào cuối năm 2007, ngày 15.3.2010, Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định số 05/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngành thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm qua.
Một mẻ lưới đầy cá của ngư dân Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn |
Ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, từ đầu những năm 1990, đã tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận để đáp ứng những đòi hỏi cao nhất về lĩnh vực này của các thị trường lớn, nhờ đó nhanh chóng thiết lập và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất thế giới.
Trong cơ chế ấy, vai trò nòng cốt, xung kích của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các mối liên kết cộng đồng và sự hình thành các Hội, Hiệp hội như là sự tất yếu của quá trình hội nhập và là động lực trực tiếp thúc đẩy quá trình tổ chức lại sản xuất của ngành. Các giải pháp đúng đắn đó đã giúp cho ngành, trong những năm cuối thế kỳ 20, những thập kỷ đầu thế kỷ 21, thu được những kết quả quan trọng trong sự phát triển của mình.
Từ một nghề cá thủ công, quy mô nhỏ, hoạt động ở vùng gần bờ, khai thác hải sản đã chuyển dịch theo hướng trở thành một nghề cá cơ giới, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ, khai thác các đối tượng có giá trị cao phục vụ xuất khẩu, gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường sinh thái. Nuôi trồng thủy sản đã trở thành một ngành sản xuất hàng hoá tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển các đối tượng nuôi đa dạng ở tất cả các thuỷ vực nước ngọt, lợ và biển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và hài hoà với các ngành kinh tế khác.
Chế biến xuất khẩu thủy sản đã có bước phát triển rất nhanh, tiếp cận với trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến của khu vực và thế giới. Nhờ đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận và từng bước đáp ứng những đòi hỏi cao nhất của các thị trường quan trọng, tạo được uy tín và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất trên thế giới như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nga… Hệ thống hậu cần dịch vụ tuyến khơi xa, tuyến đảo, tuyến ven bờ gắn với các trung tâm dịch vụ nghề cá đã bước đầu được hình thành.
Kể từ khi hình thành đến nay, trải qua 58 năm phát triển, ngành thủy sản đã có những bước phát triển nhanh và ổn định, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, thực hiện xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân không chỉ vùng nông thôn ven biển, mà cả ở các vùng núi, trung du và Tây nguyên. Sự hiện diện dân sự của hàng chục ngàn tàu thuyền trực tiếp khai thác hải sản trên biển đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Kỷ niệm 58 năm Ngày Truyền thống ngành thủy sản (01.4.1959 – 01.4.2017), ngành Thủy sản đang và tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trong tổng thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đạt các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2020, góp phần xứng đáng cùng cả nước đưa nước ta trở thành một nước mạnh về biển và giàu lên từ biển như Đảng ta đã định hướng và cũng là nguyện vọng khao khát của bà con ngư dân và của nhân dân ta. |
Theo L.Trì/danviet