Tổng Giám đốc người Úc góp ý Nghị quyết Đảng

13/03/2017 15:55

Không chỉ dự họp triển khai Nghị quyết Đảng mà ông Scott Hodgett - Tổng Giám đốc khách sạn Sheraton Sài Gòn còn được mời lên đóng góp ý kiến.

Ông Scott Hodgetts là một trong số những doanh nhân nước ngoài được Thành ủy TP.HCM mời dự hội nghị triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn và Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 16/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2020, diễn ra ngày 8/3.

“Nhận được thư mời của Thành ủy TP.HCM tôi rất ngạc nhiên, tôi chưa bao giờ mường tượng được một hội nghị triển khai Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra thế nào.

Nhưng đến khi dự và được mời lên góp ý kiến thì tôi hiểu đây là một sự kiện rất quan trọng với ngành du lịch TP.HCM và với cá nhân tôi. Tôi cảm thấy vinh dự và rất xúc động” - ông Scott Hodgetts bắt đầu câu chuyện.

Như một diễn đàn mở

PV: Trước khi đến hội nghị, ông đã bao giờ hình dung về một hội nghị triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy không?

Ông Scott Hodgetts: Điều mà tôi ấn tượng nhất là cuộc họp diễn ra rất cởi mở, như một diễn đàn mở để trao đổi, phản biện.

tong giam doc khach san sheraton gop y nhung noi dung gi vao nghi quyet dang hinh 1
Ông Scott Hodgetts - Tổng Giám đốc khách sạn Sheraton Sài Gòn.

Đầu tiên là phần giới thiệu nghị quyết của ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM. Ông thường dừng lại rất lâu khi giới thiệu các phần của nghị quyết để giải thích, dẫn ví dụ, chia sẻ những quan điểm và thông tin, phải nói là rất bổ ích với doanh nhân.

Còn ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố HCM và ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy thành phố HCM, những người phát biểu tiếp theo thì cuốn hút tôi theo một cách khác. Hai ông trả lời thẳng vào những ý kiến mà tôi và các doanh nhân khác nêu lên, không có chút gì tránh né.

Tôi nhìn thấy được sự đam mê, nhiệt huyết, cởi mở của các lãnh đạo TP.HCM khi trình bày nội dung nghị quyết, truyền đạt thông tin. Tôi và tất cả doanh nhân, cán bộ thành phố đều ngồi chăm chú nghe đến phút cuối cùng.

PV: Một doanh nhân đến từ Úc, nghe và tham gia ý kiến góp ý việc triển khai nghị quyết của cơ quan Đảng của nước sở tại. Ông cảm nhận về việc này ra sao?

Ông Scott Hodgetts: Người Việt có câu “nhập gia tùy tục”, tôi đến Việt Nam với tư cách là một nhà kinh doanh, tôi quan tâm đến hệ thống pháp luật nơi mình làm việc. Làm sao mình có thể đáp ứng được để kinh doanh suôn sẻ và hợp lệ.

Tôi đã từng làm việc ở 5 quốc gia, việc quan trọng nhất của tôi ở mỗi nơi là cân bằng giữa kinh doanh và luật lệ.

Năm 2016: 13 cuộc thanh tra

PV: Ở hội nghị, ông thông báo với lãnh đạo thành phố là năm 2016 khách sạn Sheraton đón rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra và có “ảnh hưởng nhất định đến việc kinh doanh”?

Ông Scott Hodgetts: Trong năm 2016, khách sạn Sheraton Sài Gòn đón ít nhất 13 cuộc thanh tra lớn nhỏ. Tôi cho rằng việc thanh tra sẽ được cải thiện nhiều hơn nữa nếu có quy định thống nhất và hạn chế yêu cầu về hồ sơ cũng như hạng mục thanh tra bớt trùng lặp nhau.

“Khi các lãnh đạo muốn thay đổi, muốn nghe ý kiến của người dân, muốn cùng nhau thảo luận như cách tôi thấy ở hội nghị vừa qua thì đó là điều đáng mừng và TP sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa".

Ông SCOTT HODGETTS

Ví dụ như 4 năm liên tục, khách sạn Sheraton đăng ký bán bánh trung thu thì cả 4 năm các đoàn kiểm tra đều đưa ra những yêu cầu khác với năm trước mà chúng tôi chưa biết đến, có thể là do điều chỉnh quy định mà chúng tôi chưa nắm được.

Việc có nhiều đoàn thanh tra như vậy, xét về hoạt động kinh doanh là có sự ảnh hưởng về thời gian và công sức để chuẩn bị tài liệu, báo cáo...

PV: Vậy là ông đã tìm được sự “cân bằng” giữa kinh doanh và luật lệ như ông nói chưa?

Ông Scott Hodgetts: Những điều tôi nêu ra tại hội nghị nên được đặt trong ngữ cảnh thì tốt hơn. Tôi thấy rất vui khi những ý kiến thẳng thắn của tôi sau đó được các lãnh đạo thành phố đề cập trong phần phát biểu của họ.

Vấn đề không phải là nhiều cuộc thanh tra hay nhiều thay đổi trong luật lệ mà điều tôi quan tâm làm sao những quy định này phải được công khai minh bạch.

Tôi nghĩ cần có cơ chế tốt hơn nữa để người kinh doanh có thể nắm bắt tốt nhất những quy định, điều luật mới nhất để tránh sai sót. Là một người kinh doanh thành công thì phải đáp ứng những quy định mà luật pháp đưa ra, cái đó hẳn nhiên thôi.

Tôi đã công tác ở nhiều quốc gia, ở nơi nào cũng có ưu điểm và nhược điểm và để kinh doanh tốt thì phải biết cách cân bằng giữa thuận lợi và khó khăn.

“Sẽ ở lại rất lâu với Thành phố này”

PV: TP.HCM đang có rất nhiều vấn đề phải giải quyết: ùn tắc giao thông, ngập nước... Đây là điều mà các doanh nhân người Việt tại hội nghị cũng than phiền ảnh hưởng rất lớn đến công việc của họ. Với ông thì sao?

Ông Scott Hodgetts: Chuyện này tôi gặp từ những ngày đầu đến TP.HCM, nhưng tôi thấy đang có sự thay đổi.

Một chuyện nhỏ thôi, trước đây tôi thường vẫn ăn tối ở các quán trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng, nhưng một thời gian ra Nha Trang làm việc khi trở về thì thấy vỉa hè trên đoạn đường đó đã được trả lại cho người đi bộ và các quán ăn đó không còn nữa.

Những việc tồn đọng thì đâu cũng có nhưng quan trọng những ý kiến đóng góp gián tiếp hay trực tiếp đều được lắng nghe, hội nghị vừa rồi là ví dụ.

Tôi nghĩ bản thân tôi và những người dân ở đây cần nhìn mọi thứ rộng lượng hơn để hiểu và chia sẻ với những khó khăn của chính quyền, bởi để thay đổi được các chính sách phải cần có thời gian.

Cả các nước phát triển mà tôi đến cũng có những tồn đọng song song rất khó giải quyết. Nhưng khi các lãnh đạo muốn thay đổi, muốn nghe ý kiến của người dân, muốn cùng nhau thảo luận như cách tôi thấy ở hội nghị vừa qua thì đó là điều đáng mừng và thành phố sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa.

PV: Được biết ông đã ở Việt Nam hơn 13 năm, lấy vợ và có con ở Việt Nam. Ông có dự định gì tiếp theo không?

Ông Scott Hodgetts: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là năm 2002, tôi đã làm việc ở Sài Gòn, Nha Trang, ở nhiều mảng khác nhau và có gia đình ở Việt Nam. Bây giờ không chỉ còn công việc mà còn tình yêu lớn với mảnh đất này.

Tôi nói với lãnh đạo tập đoàn của tôi là dù phân công tôi công tác ở đâu thì chỉ nên cách Sài Gòn một đường bay mà thôi, để tôi được gần gia đình.

Dự định gì tiếp theo? Nhiều người hỏi tôi câu hỏi như vậy nhưng tôi không có ý định đi đâu cả. Tôi đã ở đây nhiều năm và nhận ra nhiều thay đổi của TP.HCM.

Còn công việc, từ năm 2016 khách sạn Sheraton Sài Gòn được làm mới nhiều hạng mục, kế hoạch trùng tu và tái xây dựng còn tiếp tục đến năm 2018. Và như vậy tôi đã có thêm một lý do rất hào hứng để gắn bó, bên cạnh tình yêu với mảnh đất này.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN