Xuất hiện 'thần hộ mệnh' bảo vệ tên lửa S-300 của Việt Nam

18/03/2017 21:28

Trong khi tên lửa phòng không S-300 chuyên tâm tác chiến chống mục tiêu chiến lược tầm xa thì tổ hợp pháo ZSU, tên lửa A89 sẽ canh chừng cho S-300 ở tầm thấp, gần.

Đầu những năm 2000, sau khi nhận bàn giao các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 từ Nga, Quân chủng Phòng không – Không quân đã thành lập Tiểu đoàn tên lửa 64 (tháng 9/2005) và biên chế vào Sư đoàn phòng không 361. Đến năm 2013, BTL Quân chủng PK-KQ tiếp tục phát triển hơn nữa tiểu đoàn 64 với việc sát nhập cùng Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 172 (cũng thuộc Sư 361) để thành lập Trung đoàn tên lửa 64. Đây là một trong những Trung đoàn hỗn hợp đầu tiên của Quân chủng Phòng không-Không quân.

Theo báo QĐND Onlines, hiện nay Trung đoàn tên lửa 64 được biên chế ba hệ thống vũ khí mạnh mẽ gồm: tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1; pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 và tổ hợp tên lửa tầm thấp A-89. Có thể hiểu, ZSU và A-89 sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ trận địa S-300PMU1 trước các cuộc tấn công nhắm vào trận địa S-300 đang làm nhiệm vụ chống mục tiêu ở tầm trung, tầm xa, độ cao lớn. Trong quá khứ, các trận địa SAM-2 cũng được bảo vệ bởi pháo phòng không tầm thấp – trung trước các loại UAV do thám, máy bay cường kích tầm thấp của Mỹ như F-111.

Mặc dù tính năng của tên lửa S-300PMU1 có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm cực thấp (độ cao đánh chặn tối thiểu 10-15m, tối đa 27km) và tầm cực gần (tối thiểu 1km, tối đa 150km). Thế nhưng, với những quả đạn có giá lên tới hơn 1 triệu USD/quả mà dùng để bắn hạ UAV là quá phí phạm, thay vào đó cần để dành chúng cho những mục tiêu giá trị cao như máy bay ném bom chiến lược tàng hình hay máy bay tiêm kích tàng hình, tên lửa đạn đạo….

Vì thế, ZSU-23-4 và A-89 chính là “thần hộ mệnh” của tên lửa S-300. Tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M do Liên Xô sản xuất, viện trợ cho Việt Nam từ những năm 1980. Nhìn chung, loại vũ khí này cũng đã cũ, nếu có điều kiện, chúng ta nên thay mới bằng các tổ hợp vũ khí hiện đại hơn như Pantsir-S1 hay Tunguska.

Nguồn ảnh: Báo Phòng không – Không quân
Nguồn ảnh: Báo Phòng không – Không quân

ZSU-23-4 được chế tạo trên khung gầm xe bánh xích GM-575 sử dụng nhiều thành phần của xe tăng lội nước PT-76. giáp dày 9,2mm trên tháp pháo và 15mm toàn thân. Nó được vận hành bởi kíp chiến đấu gồm 4 người: chỉ huy; lái xe; pháo thủ và trắc thủ radar.

ZSU-23-4 Shilka ra đời từ những năm 1960 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu máy bay chiến thuật bay thấp bảo vệ các trận địa tên lửa, các cơ sở công nghiệp, bộ chỉ huy, kho hàng, bến bãi. Khi cần, nó có khả năng hạ nòng bắn thẳng diệt mục tiêu thiết giáp, bộ binh tập trung các hỏa điểm... Nó được đánh giá là rất hiệu quả với máy bay chiến đấu tầm thấp, trực thăng trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả sánh sáng yếu.

ZSU-23-4M được trang bị radar bắt mục tiêu RPK-2 Tobol có thể phát hiện mục tiêu máy bay cách 20km, tự động theo dõi mục tiêu ở cự ly hơn 7-8km. Nguồn ảnh: Báo PK-KQ
ZSU-23-4M được trang bị radar bắt mục tiêu RPK-2 Tobol có thể phát hiện mục tiêu máy bay cách 20km, tự động theo dõi mục tiêu ở cự ly hơn 7-8km. Nguồn ảnh: Báo PK-KQ

ZSU-23-4M của Việt Nam được trang bị khẩu pháo 4 nòng 23mm 2A7M làm mát bằng nước, có thể đạt tốc độ bắn tổng hợp 3.400-4.000 phát/phút. Tầm bắn tối đa với mục tiêu trên không từ 5-7km, hiệu quả trong khoảng 1,5-2,5km tùy góc bắn. Tốc độ bắn cao, đồng nghĩa với việc pháo ZSU-23-4M tạo được mật độ hỏa lực dày đặc, làm tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu trên không. Thực sự thì ZSU-23-4M là đối thủ khó chịu với các máy bay chiến đấu hoạt động ở độ cao thấp, tên lửa hành trình, UAV.

Còn tên lửa A-89 là định danh riêng của Việt Nam dành cho tổ hợp tên lửa phòng không tự hành 9K35 Strela-10 được Liên Xô viện trợ trong giai đoạn 1985-1986.

Nguồn ảnh: Bảo tàng PK-KQ
Nguồn ảnh: Bảo tàng PK-KQ

Xe chiến đấu tổ hợp tên lửa Strela-10 được kết cấu đơn giản, được triển khai trên khung gầm xe bọc thép đa dụng bánh xích MT-LB. Trên xe lắp đặt đài radar trinh sát 9S86 được lắp giữa 2 cặp hộp chứa tên lửa trên phương tiện phóng. Bên trong xe là cabin điều khiển với kíp trắc thủ 3 người.

Giá phóng tên lửa với 4 hộp chứa đạn 9M37 - dài 2,2m, nặng 40kg với đầu đạn nặng 3,5 kg. Tên lửa lắp động cơ đẩy nhiên liệu rắn cho phép đạt tốc độ gần Mach 2, tầm bắn 500-5.000m, độ cao 10-3.500m.

Đạn tên lửa 9M37 của hệ thống Strela 10 sử dụng 2 phương pháp dẫn đường gồm: tương phản ảnh (nghĩa là đầu tự dẫn quang – truyền hình trên tên lửa nhận diện mục tiêu và dẫn đường thụ động cho tên lửa) và tự dẫn hồng ngoại (bám theo nguồn nhiệt cao do mục tiêu phát ra). Trong ảnh, ở giữa 2 cặp hộp phóng là anten của đài radar 9S86 có tầm trinh sát từ 450m tới 10.000m.

Sau nhiều cuộc chiến, tên lửa Strela-10 được thừa nhận (kể cả từ đối phương) là một trong những tổ hợp phòng không tầm thấp đặc biệt nguy hiểm. Khả năng cơ động cao khiến Strela-10 có thể tung ra những đòn tấn công bất ngờ cho đối phương, đồng thời cũng thích hợp làm vũ khí phòng không lục quân, hộ tống các đơn vị chiến đấu để bảo vệ không phận chiến trường.

Cùng với đó, phương pháp dẫn đường hiệu quả dựa trên đầu tự dẫn tương phản ảnh và hồng ngoại mang đến cho tổ hợp Strela-10 khả năng tác chiến độc lập rất cao, không cần nhiều khí tài hỗ trợ cồng kềnh như các hệ thống phòng không tầm trung và xa.

Theo Kienthuc

TIN LIÊN QUAN