Mỹ khen Hàn Quốc quả cảm, cảnh báo Triều Tiên chớ tìm cách thử thách

20/04/2017 08:05

(Baonghean) - Trong chuyến thăm Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã “úp mở” ngầm cảnh cáo Triều Tiên chớ tìm cách thử thách lòng quyết tâm của vị Tổng thống tỷ phú Donald Trump.

Chuyến đi nhiều ẩn ý

Không phải ngẫu nhiên mà tại điểm dừng chân Hàn Quốc trong chuyến công du châu Á, cấp phó của ông Donald Trump lại “buột miệng” đề cập đến vụ không kích bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ tại Syria cách đây không lâu.

Nói cách khác, đó là cách mà giới chức Washington muốn nhắn nhủ đến Bình Nhưỡng, rằng tốt hơn hết, đừng tìm cách thử ông Trump.

Bên cạnh tái khẳng định cam kết bền vững của Washington với đồng minh Seoul, ông Pence còn bồi thêm rằng, để chặn đứng việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chế tạo vũ khí hạt nhân đủ khả năng tấn công vươn tới lục địa Mỹ, mọi phương án khả thi - kể cả động thái quân sự - đều được cường quốc số 1 thế giới hiện nay đưa vào tầm tính toán.

Như vậy, chỉ 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa thất bại, Washington đã quả quyết bất cứ hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân nào nữa của quốc gia Đông Bắc Á sẽ phải nhận lấy phản ứng đích đáng.

Binh lính Triều Tiên nhìn về phía Hàn Quốc trong chuyến thăm của ông Mike Pence tới vùng phi quân sự tại biên giới liên Triều.Ảnh: AFP
Binh lính Triều Tiên nhìn về phía Hàn Quốc trong chuyến thăm của ông Mike Pence tới vùng phi quân sự tại biên giới liên Triều. Ảnh: AFP

Cũng trong thời gian lưu lại Hàn Quốc, ông Pence đã có chuyến thăm không báo trước tới khu vực biên giới liên Triều, đồng thời đưa ra nhận định “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên đã lui vào dĩ vãng.

Phó Tổng thống Mỹ cũng lên tiếng hối thúc láng giềng và đồng minh thân thiết của Triều Tiên là Trung Quốc tận dụng “đòn bẩy vượt trội” của họ để gây sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Có vẻ như, ông Trump đã không còn đủ nhẫn nại với điểm nóng khu vực này nữa, và đang chờ đợi một sự biến chuyển đáng kể, đó là viễn cảnh Triều Tiên sẽ từ bỏ theo đuổi con đường phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như việc liên tục sử dụng và thử nghiệm tên lửa đạn đạo - hành vi mà theo Mỹ là “không thể chấp nhận”.

Và dù Trump hy vọng có được sự hợp tác từ Trung Quốc, song nhà lãnh đạo này cũng tỏ rõ lập trường Bắc Kinh có chung sức giải quyết vấn đề này hay không cũng không ảnh hưởng đến hành động của Mỹ và đồng minh.

Trong lúc căng thẳng trên bán đảo liên Triều đang “đẩy lên đỉnh điểm”, ông Pence tới ghé thăm lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại khu vực phi quân sự (DMZ) giữa biên giới Hàn - Triều, như cách củng cố tinh thần và ý chí cho họ.

Không những thế, tại điểm đến là Nhật Bản vào ngày 18/4, điểm dừng chân kế tiếp trong hành trình 10 ngày quanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Phó Tổng thống Mỹ cũng có những lời bảo đảm tương tự được chuyển tải tới đồng minh chủ chốt của Washington trong khu vực.

Phép thử đối với Trump

Trở lại vụ phóng tên lửa hôm 16/4 của Triều Tiên, dẫu không thành, nhưng đó vẫn được nhận xét là một phép thử đối với ý chí quyết tâm của Trump, nhất là trong bối cảnh sau khi vị chủ nhân Nhà Trắng đã cảnh báo rằng, bản thân ông không loại trừ động thái quân sự chống lại Triều Tiên, đồng thời đã điều động một đội tàu chiến hướng về khu vực bán đảo nóng rẫy này.

Và mới đây, McMaster - Cố vấn An ninh quốc gia của Trump dường như cũng khẳng định quan điểm rằng, sự phô diễn lực lượng hải quân “vô tiền khoáng hậu” của Mỹ khi đưa tàu tới vùng biển chỉ cách địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên vài trăm km, là nhằm ý đồ gây sức ép buộc Trung Quốc có thêm hành động để kiềm chế láng giềng của mình.

Theo vị cố vấn cấp cao này, dù Trump hiện vẫn chưa tính đến phương án quân sự, nhưng sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc để giải quyết vấn đề liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên một cách hòa bình.

“Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả ban lãnh đạo Trung Quốc, hiện đã đi đến đồng thuận rằng tình thế hiện nay không thể kéo dài thêm nữa”, ông cho biết, đồng thời nói thêm Tổng thống Mỹ khẳng định không chấp nhận việc Mỹ cùng các đồng minh và đối tác khu vực bị đe dọa bởi các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tên lửa phóng từ tàu ngầm trong cuộc diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành của Triều Tiên hôm 15/4. Ảnh: AP
Tên lửa phóng từ tàu ngầm trong cuộc diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành của Triều Tiên hôm 15/4. Ảnh: AP

Đáng lo ngại là, dù Mỹ chẳng mảy may giấu diếm lập trường cứng rắn của họ, giới quan sát về Triều Tiên vẫn nhận định rằng, nước này sẽ tiếp tục chương trình tên lửa đạn đạo, có thể thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM, dẫn đến căng thẳng trong khu vực càng đẩy lên cao, và buộc Mỹ phải hành động.

Daniel Pinkston, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Đại học Troy ở Seoul cho rằng, vụ thử tên lửa hôm Chủ nhật vừa qua là “tín hiệu thách thức mạnh mẽ”. Theo ông này, Triều Tiên có kế hoạch và chiến lược phát triển dài hạn để chế tạo các vũ khí hạt nhân và hệ thống vận chuyển đủ độ tin cậy.

Để làm được điều này đòi hỏi phải tiến hành thử nghiệm, và chẳng có cơ sở nào để đặt lòng tin rằng Triều Tiên sẽ chấm dứt thử nghiệm trước khi họ tin tưởng cao độ vào độ chuẩn xác của các đầu đạn hạt nhân.

Lập luận tương tự cũng có thể áp dụng đối với các vụ thử tên lửa, bởi không phóng thử thì cũng không hoàn tất quá trình phát triển tên lửa được!

Về phần mình, Mỹ quả quyết sở hữu tin tức tình báo tốt trước và sau vụ phóng tên lửa hồi cuối tuần qua, song vẫn úp mở không đề cập rõ liệu họ sẽ có những động thái gì trong trường hợp Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân.

Điều rõ ràng nhất mà nước này thể hiện, cũng chính là thông điệp Pence phát đi tại Seoul: “Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, quyết tâm của Mỹ chưa bao giờ mạnh như lúc này, cam kết của chúng tôi với quan hệ đồng minh lịch sử với người dân Hàn Quốc quả cảm chưa bao giờ mạnh mẽ đến vậy”.

Và dư luận quốc tế đang sát sao theo dõi diễn biến trên Bán đảo liên Triều những ngày tới, để xem Mỹ hiện thực hóa những tuyên bố của họ bằng cách nào và tới mức độ nào.

Phú Bình

(Theo Guardian)

TIN LIÊN QUAN