Marine Le Pen: 'Cơn địa chấn' sắp chín muồi

27/04/2017 15:35

(Baonghean.vn) - Từng có một tuổi thơ trắc trở và cuộc sống cá nhân không trọn vẹn, nhưng ứng viên phe cực hữu Marine Le Pen đã khiến dư luận Pháp phải ngỡ ngàng, khi bà vừa bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Với cá tính mạnh mẽ và quyết tâm “Nước Pháp trên hết”, liệu bà Le Pen có vượt qua được hàng núi thách thức hiện nay để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của nước Pháp vào ngày 7/5 tới đây?

Tuổi thơ sóng gió

Bà Marine Le Pen sinh năm 1968 ở Neuilly-sur-Seine, ngoại ô thủ đô Paris. Bà có một tuổi thơ nhiều biến cố khi mới 8 tuổi đã phải chứng kiến sự đổ vỡ của gia đình. Mẹ bà đã ly dị chồng và để lại 3 đứa con. Dù là con út, nhưng môi trường gia đình đã sớm hình thành nét tính cách mạnh mẽ của bà Le Pen. Về cá nhân, dù khá kín tiếng về đời tư song một vài thông tin của bà cũng đã được công chúng biết đến. Bà từng kết hôn 2 lần vào năm 1997 và năm 2002, nhưng cả hai cuộc hôn nhân đều thất bại. Bà Le Pen hiện có tổng cộng 3 người con.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị, bà Marin Le Pen đã sớm được tiếp cận với môi trường khắc nghiệt này. Từ nhỏ, bà đã được đi theo cha là ông Jean-Marie Le Pen - cựu lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc (FN) đến các cuộc họp của phe cực hữu.

Bà Marine Le Pen nổi tiếng với chính sách dân tộc cứng rắn cùng phương châm “Nước Pháp trước tiên”. Ảnh: Getty
Bà Marine Le Pen nổi tiếng với chính sách dân tộc cứng rắn cùng phương châm “Nước Pháp trước tiên”. Ảnh: Getty

Ông Jean-Marie Le Pen đã thành lập Đảng Mặt trận Dân tộc cực đoan vào năm 1972. Trưởng thành, bà Le Pen theo học ngành luật tại Đại học Paris 2 Pantheon-Assas, cùng thời điểm, bà bắt đầu tham gia đảng Mặt trận Dân tộc từ khi 18 tuổi.

Tốt nghiệp năm 1991, bà Le Pen sau đó làm nghề luật sư cho đến năm 1998. Lúc này, bà mới thực sự bắt đầu tham gia chính trường với một vị trí khiêm tốn trong ban cố vấn luật pháp của đảng Mặt trận Dân tộc (FN).

Đến năm 2011, bà Le Pen được bầu làm chủ tịch đảng, kế nhiệm vị trí của cha mình. Với bề dày kinh nghiệm hơn 2 thập kỷ hoạt động trên chính trường, bà Le Pen đã đưa Đảng Mặt trận Dân tộc (FN) từ một đảng yếu thế trở thành một trong những đảng chính trị có tiếng vang và vị trí nhất định trên chính trường Pháp mấy năm gần đây.

Năm 2012, bà Le Pen ra ứng cử Tổng thống lần đầu tiên nhưng chỉ về vị trí thứ 3 với tỷ lệ thấp là 17,9%. Nhưng theo thời gian, với làn sóng chủ nghĩa dân túy và bảo hộ đang ngày càng phát triển, đảng của bà bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri. Nhận thấy thời điểm đã chín muồi, đến ngày 5/2 vừa qua, bà Le Pen chính thức công bố chiến dịch tranh cử vị trí Tổng thống Pháp lần thứ 2.

Chính sách khác biệt

Trong vòng 6 năm qua, bà Marin Le Pen đã gây dựng đảng Mặt trận Dân tộc (FN) trở nên nổi tiếng với chủ nghĩa dân túy và phong trào chống toàn cầu hóa. Dư luận đã thấy bà Le Pen ủng hộ mạnh mẽ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Bà còn cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc rút Pháp ra khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu - Eurozone, đưa đồng franc quay trở lại. Bà thậm chí cũng ủng hộ việc Pháp rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hai ứng viên vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp: Bà Marine Le Pen (phải) và ông Emmanuel Macron (trái). Ảnh: Getty
Hai ứng viên vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp: Bà Marine Le Pen (phải) và ông Emmanuel Macron (trái). Ảnh: Getty

Trong vấn đề nhập cư, cũng giống như cha mình, bà Le Pen trong cam kết tranh cử đã đặt mục tiêu giảm số người nhập cư mỗi năm từ 200.000 xuống còn 10.000 người, đồng thời giới hạn nhóm này sử dụng các dịch vụ công cộng. Bà Le Pen tin rằng, chỉ có như vậy mới có thể chống lại những ảnh hưởng xấu của văn hóa ngoại lai và bảo vệ nước Pháp.

Trong vấn đề an ninh, bà Le Pen đã thể hiện là nhà chính trị cứng rắn, mạnh mẽ trong vấn đề chống khủng bố, thắt chặt làn sóng người nhập cư vào Pháp và châu Âu. Chính yếu tố này đã trở thành thế mạnh của bà, trong bối cảnh các vụ tấn công khủng bố đang ngày càng nhiều tại Pháp và cả châu Âu.

Bà Le Pen còn được ví như “Donald Trump của nước Pháp” với quyết tâm “Nước Pháp trước tiên” và chủ nghĩa dân tộc, trong đó ưu tiên mọi vấn đề để vun đắp nước Pháp chứ không phải một cộng đồng chung nào. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã ca ngợi bà Le Pen là một ứng viên “mạnh nhất về vấn đề nhập cư và khủng bố”.

Thế nhưng, mặc dù là một chính trị gia thuộc phe cực hữu, bà Le Pen lại được biết đến không phải là một người quá bảo thủ về các vấn đề xã hội. Thể hiện là bà không ủng hộ phong trào chống lại hôn nhân đồng tính và bênh vực cho quyền phá thai của phụ nữ.

Sự đa dạng trong chính sách cũng như đánh trúng vào các vấn đề nóng của xã hội Pháp, đã khiến bà Le Pen và đảng của bà nhận được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử vòng 1 vừa qua.

Sẽ có bất ngờ?

Nỗ lực vượt cái bóng của cha là những điều dư luận đang bàn tán về bà Le Pen những ngày này. Còn nhớ hồi năm 2002, cha của bà - ông Jean-Marie Le Pen đã thất bại trong vòng đua cuối cùng để trở thành Tổng thống Pháp. Thất bại của ông được gắn với hình ảnh phân biệt chủng tộc và chống Do thái.

Nhận thức được sự cực đoan này, ngay khi giữ chức Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc (FN) vào năm 2011, bà Le Pen đã thực hiện lộ trình “làm mới hình ảnh” và định hình lại thương hiệu của đảng trong mắt công chúng. Bà đã thành công khi nhấn mạnh vào tinh thần yêu nước chứ không phải chủ nghĩa dân tộc cực đoan như cha mình trước đây.

Kết quả là đảng Mặt trận Dân tộc đã khẳng định được vị thế, có nhiều đại biểu trong 2 viện Quốc hội, 11 thị trưởng và hàng trăm hội đồng địa phương các cấp.

Những gì bà làm mới đây cũng đang chứng minh quyết tâm thay đổi này. Cụ thể là ngày 24/4 vừa qua, bà đã tuyên bố từ chức Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc để tập trung vào chiến dịch tranh cử. Nhưng thực tế, đây là thông điệp bà muốn gửi đến các cử tri còn đang lưỡng lự rằng, dù là phe cực hữu nhưng chính sách của bà vẫn luôn mở, một khi bà trở thành Tổng thống.

Bà Marine Le Pen chụp ảnh với người ủng hộ trước nhà máy Whirlpool ở thành phố Amiens, vùng Tây-Bắc nước Pháp hôm 26/4. Đây cũng là thành phố quê hương của ứng cử viên theo đường lối ôn hòa Emmanuel Macron. Ảnh: AFP
Bà Marine Le Pen chụp ảnh với người ủng hộ trước nhà máy Whirlpool ở thành phố Amiens, vùng Tây-Bắc nước Pháp hôm 26/4. Đây cũng là thành phố quê hương của ứng cử viên theo đường lối ôn hòa Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Việc vượt qua nhiều ứng cử viên của các đảng lớn trên chính trường Pháp vừa qua thực tế cũng đã là thành công quá lớn của bà Le Pen cũng như phe cực hữu của bà. Đặt phép so sánh với thời điểm năm 2002 trong cuộc bầu cử của cha bà, đảng Mặt trận Dân tộc (FN) đã đạt số phiếu 2 lần. Đây là sự chuyển biến đáng kể trong vòng 15 năm qua của cử tri đối với phe cực hữu.

Nhưng đây chắc chắn chưa phải là tất cả! Vào lúc này, hàng loạt khó khăn đang chờ đợi bà Le Pen, đầu tiên phải kể đến khoảng cách 2 điểm phần trăm với ứng viên đang dẫn đầu là ông Emmanuel Macron.

Dù không lớn nhưng đây là khoảng cách có thể bị nới rộng hơn, khi ông Macron là một đối thủ có rất nhiều lợi thế. Đó là tuổi trẻ, năng lực, sự cống hiến, kỳ vọng về một “làn gió mới”. Ông Macron còn đang nhận được sự ủng hộ lớn từ ứng viên các đảng chính trị lớn hiện nay.

Tổng thống Pháp François Hollande vừa qua cũng đã đưa ra lời kêu gọi ủng hộ ông Macron và bài trừ quan điểm cực hữu. Không chỉ vậy, bà Le Pen còn gặp bất lợi khi Đảng Mặt trận Dân tộc (FN) của bà đang đứng trước khả năng bị điều tra. Bản thân bà cũng đang bị Nghị viện châu Âu (EP) xem xét tước bỏ quyền miễn trừ truy tố, do cáo buộc bà sử dụng sai mục đích các khoản quỹ của EU.

Nhưng bất chấp những điều này, giới quan sát cho rằng, sau sự kiện Brexit tại Anh và chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump tại Mỹ, cộng thêm làn sóng chống toàn cầu hóa hiện nay, chưa ai có thể nói trước điều gì. Nếu đủ mạnh, ứng viên Le Pen hoàn toàn có thể trở thành “cơn địa chấn” phá vỡ mọi rào cản và đưa bà vào điện Élysée vào tháng 5 tới đây.

Khang Duy

TIN LIÊN QUAN