Vương Cường- người 'bị thơ ám'

14/04/2017 19:42

(Baonghean) – 'Nếu có thể bỏ được thơ, tôi đã bỏ thơ từ rất lâu rồi. Nhưng đó là việc không thể. Có thể nói, tôi bị thơ ám'

Nhà thơ Vương Cường mới được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017. Nhiều người nói vui, ông bị Hội Nhà văn bỏ quên (bởi thơ ông viết từ rất sớm, có nhiều bài rất hay thậm chí được đánh giá ít có người viết hơn ông ở mảng thơ hậu chiến) cũng như kiểu ông đã bị chìm lấp dưới cái bóng quá lớn của anh trai mình: nhà thơ Thạch Quỳ.

Vương Cường cười xòa… Ông nói, với thơ, chẳng có cái bóng nào trùm được lên bóng nào, nhà thơ phải tự làm một hành trình đơn độc, sáng tạo riêng biệt, khác biệt. Nó là thiên bẩm, là nhu cầu, hối thúc tự thân. Và nếu có thể bỏ được thơ, ông đã bỏ thơ từ rất lâu rồi. Nhưng đó là việc không thể. “Có thể nói, tôi bị thơ ám”

“Xưa, người quê tôi, gặp nhau chỉ nói chuyện thơ văn”

Sinh năm 1949, quê làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, nhà thơ Vương Cường là em ruột của nhà thơ Thạch Quỳ (Vương Đình Huấn), cháu của nhà thơ Vương Trọng.

Ông tự hào với dòng họ Vương nổi tiếng của mình, dòng họ có đến 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, và ngoài ra, người làm thơ, làm văn thì “nhiều vô kể”, ra được hẳn một tập thơ dầy dặn và chất lượng của những cây bút trong dòng họ.

Vương Cường cũng tự hào về làng quê của mình, ngôi làng có ngọn núi Quỳ với vô vàn đá và hoa dại, mà tên ngọn núi ấy trở thành bút danh của nhà thơ nổi tiếng xứ Nghệ.

Vương Cường kể rằng, những ngày xưa ấy, ở làng ông, và trong họ Vương của ông, người ta hay nói chuyện văn thơ. “Mở mắt ra là nói chuyện văn chương rồi. Mà cái dòng họ tôi lạ lắm, gặp nhau nói toàn chuyện thơ phú, chứ tôi nhớ tuyệt không thấy nói chuyện làm ăn. Cũng có thể vì họ đã quanh năm suốt tháng lo làm ăn trên đồng ruộng, hay đi làm nơi phương xa rồi, nên gặp nhau thì muốn nói những chuyện cao quý hơn chăng?”

Rồi ông tiếp: “Tôi còn nhớ mãi những đêm văn nghệ ở làng xưa ấy, người ta đọc thơ, diễn kịch chúng tôi nghe không muốn rời dù tôi còn nhỏ lắm. Ngày ấy có cả các nhà thơ lớn trung ương về đọc thơ trên sân khấu làng.

Đọc xong là tôi đã gần như nhớ hết. Tất cả những bài thơ mới tôi thuộc được, không phải qua sách vở, vì ngày ấy sách vở đâu có dạy thơ mới, tôi thuộc nhờ nghe lỏm các chú, các anh tôi nói chuyện, đọc thơ cho nhau nghe.

Cả bài thơ “Quê mẹ” của Tố Hữu, tôi cũng thuộc từ giọng đọc chú Vương Trâm nhà tôi. Cho tới giờ, trong tâm trí tôi vẫn nhớ cái âm hưởng ấy, cái màu nắng, khoảng vườn mướt xanh hôm ấy, nỗi bàng hoàng của cậu bé mười mấy tuổi khi chạm đến những rung cảm của thơ ca”.

Nhà thơ Vương Cường.
Nhà thơ Vương Cường. Ảnh: P.V

Vương Cường còn một điều để tự hào nữa, là ông được sinh ra, được nuôi lớn bởi những người phụ nữ “tuyệt vời nhất thế gian”. Đó là bà và mẹ. Những người đã truyền cho ông tình yêu, cho ông học được bao nhiêu ứng xử với cuộc đời, cho ông sự trân trọng với cuộc đời và con người.

Nếu như bà ông đã luôn kể cho ông nghe không hề mệt mỏi qua tháng ngày những câu chuyện xưa thì mẹ ông lại cho ông biết những câu chuyện của ngày nay. Mẹ ông là người không biết chữ, nhưng sống sâu sắc, tinh tế thì “ít người phụ nữ nào bì kịp”.

Bà chưa bao giờ nói với con một câu nặng lời. “Khôn thì nói xa, dại thì nói gần”, ấy là phương châm sống, cũng là phương châm dạy con của người phụ nữ làng Đông Bích ấy. Có thể, sự chín chắn, sâu sắc của bà mẹ này đã ít nhiều ảnh hưởng tới tính cách cũng như dấu ấn văn chương những người con của bà chăng?

Người “mót hồn quê”

Chính vẻ đẹp quê hương và người quê đã trở thành nỗi nhớ, niềm thương đóng đinh trong tâm hồn những nhà thơ làng Đông Bích. Với nhà thơ Thạch Quỳ, có người đã từng nói ông “yêu quê đến câu nệ, đến cố chấp”, và ông đã chọn đất quê để gắn bó cả đời dù cơ hội để xê dịch với ông là vô cùng rộng mở.

Với Vương Cường, dù là mấy chục năm xa quê, thì tình yêu của ông với quê còn có phần “cực đoan” hơn nữa.

Vương Cường kể rằng, không hiểu sao, như thể là máu thịt của mình vậy, ông yêu từng gốc cây, bờ đê của làng. Khi học lớp 8, ông phải chuyển học tại Thanh Chương, phải xa quê vài ngày mỗi tuần, nỗi nhớ làng quê khiến ông ngơ ngẩn.

“Tôi như kẻ bị cuồng chân. Làm gì, đi đâu thì tâm hồn mình cũng muốn bay về nơi ấy. Mỗi lần về, từ xa, thấy khóm tre làng Đông Bích là ông như muốn run lên, nấc nghẹn”.

Trên facebook của ông, tôi đọc được khá nhiều câu chuyện làng quê trong nối nhớ của Vương Cường. Trong đó, có một mẩu chuyện tôi đặc biệt thích thú, ông kể với “người bạn thuở thiếu thời” là ông Lạn, người chăn trâu ở quê năm nay đã 99 tuổi :

“Thực ra, người ấy là bạn chăn trâu của hầu hết người làng mình. Những ai trong độ tuổi từ 10 đến gần 100 hôm nay đều là bạn của ông. Mình là bạn ông từ những năm cuối thập niên 50 đến giữa 60. Khi ấy, mình đang ở làng. Sau do học xa và chiến tranh nên tạm thời không được chăn trâu cùng ông. Còn ông thì vẫn chăn trâu hoặc chăn bò cùng với các bạn khác với nhiều lứa tuổi khác nhau.

Tuy xa nhau đến ngót nửa thế kỷ, nhưng khi gặp lại thì chuyện chăn trâu, chăn bò giữa “bọn mình” vẫn là chủ đề chính, lúc nào cũng sôi nổi. Ông kể những lần cùng nhau dắt trâu ăn kẹ, có người canh chừng hẳn hoi. Bọn mình cho trâu ăn ở vùng cấm Cơn Pheo, công an phục, bò trong bùn bàu Bưởi, phủ cỏ trên đầu chỉ còn con mắt, như đặc công…”.

Chính vì yêu đến hết lòng mà Vương Cường không nguôi nuối tiếc khi hồn quê đến giờ ngày càng…bay xa. Ông xót xa vì sự “mất quê”. Mà “quê tạo ra cái đẹp, bớt đi những vô cảm, bớt ác độc”.

Rồi ông liên tưởng: “Người độc ác không làm văn chương được. Văn chương không chấp nhận những người ác. Việc giữ gìn tâm hồn, vì thế quan trọng lắm”. Và ông tự nhận mình là người đi mót, đi nhặt nhạnh những gì còn lại để vun đắp lại cho mình cái “hồn quê” còn vương lại đâu đấy.

“Canh chừng lãng quên”

“Canh chừng lãng quên” là tên tập thơ được xuất bản năm 2016 của Vương Cường. Nó cũng nói lên phần nào “phẩm chất” của người thơ này. Vương Cường có một mảng thơ rất quan trọng, đặc biệt, là thơ thời chiến và hậu chiến

Bìa tập thơ Canh chừng lãng quên của nhà thơ Vương Cường.
Bìa tập thơ Canh chừng lãng quên của nhà thơ Vương Cường.Ảnh: P.V

Năm 19 tuổi, Vương Cường vào Đại học Xây dựng và năm 23 tuổi ông vào bộ đội, chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị, sau đó tiến đến giải phóng Miền Nam, cho đến hết chiến tranh, ông trở về học lại Đại học Xây dựng năm 1976.

Đến năm 1979, ông theo học Trường Tuyên huấn Trung ương, đến 1987 ông làm nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị rồi làm cán bộ giảng dạy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia HCM.

Có cả một quãng dài trên những chiến trường ác liệt, nên Vương Cường viết rất hay, rất thấm về người lính. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong lời tựa của tập thơ “Canh chừng lãng quên” của Vương Cường đã viết rằng:

Không ai giao cho anh cái gánh nặng vết thương lòng, nhưng Vương Cường đã tự nguyện mang vác nó cho tới ngày chung cuộc. Thơ anh đầy ắp những vết thương chiến tranh, dù cỏ đã phủ xanh, anh vẫn không thể quên “những tiếng cười rỏ máu”, những “câu thơ bị thương/lấp lánh”... Đó không chỉ là cuộc chiến tranh đã qua nhưng chưa bao giờ ra khỏi chính anh, mà nó còn là một cuộc chiến khác về lòng tự hào và sự ăn năn của những người còn sống.

Quả đúng vậy, thơ Vường Cường nhiều lần nhắc đi nhắc lại về sự hi sinh, những linh hồn sống, những nghĩa trang và những bóng ma luôn đào xới xoáy sâu vào cõi tâm linh thi sĩ. “Tôi mơ”, “Cõng bạn đi chơi”, “Đêm ngủ ở nghĩa trang Trường Sơn”, “Viết ở nghĩa trang Văn Điển”, “Những cặp mắt ấy vẫn nhìn tôi”, “Những con ma làng”… và đặc biệt là bài thơ “Người chết hai lần chưa trọn cuộc đi” đều là những tứ thơ độc đáo giàu sức lay động, neo giữ hồn người”.

Với một người sinh ra giữa làng Đông Bích yên bình, lớn lên bằng lời ru và những răn dạy chan chứa ân cần, yêu thương của bà của mẹ, được cầm súng chiến đấu bảo vệ sự yên bình ấy cho quê hương, xứ sở, đâu dễ nguôi quên máu và nước mắt của nhân dân, của đồng đội mình.

Cho đến giờ, người thơ ấy vẫn “Tôi mơ”:Hồn khói đã bay/ cõi vô vi tôi thức./Thành cổ ơi, mỗi ngày tôi mất một trăm năm mươi người bạn/ tám mốt tầng tháp lửa và hoa./ Giờ bạn cỏ non hát về tương lai/ giờ bạn thông ru bảo tàng lòng đất./ Tôi mơ làm chó đá/ đứng canh chừng lãng quên…”

Thơ là hành trình sáng tạo đơn độc, phải là sự khác biệt.

Là giảng viên có tiếng ở Học viện Chính trị Quốc gia, có bằng tiến sỹ lý luận, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, vậy mà Vương Cường “chưa bao giờ rời xa thơ”.

Làm thơ từ khi học tiểu học, có thơ đăng báo Trung ương từ rất sớm, từng đoạt giải Nhì thi thơ trên báo Tuổi trẻ năm 1981 cho 4 bài thơ :Phía sau và phái trước, Anh mang về cho em, Những điều khó nói, Khi tôi cầm tay em… nhưng có cảm giác rằng ông chỉ ghé sân thi ca cho vui một chút thôi, chứ không nặng lòng với nó.

Nhưng thật bất ngờ, Vương Cường lại là người yêu và trăn trở rất nhiều cho thi ca. Ngay cả quãng dài mười lăm năm gần như không viết thơ (chỉ được 3,4 bài chi đó như ông nói) thì ông vẫn không nguôi nghĩ về nó. Vương Cường nói, ông “không dễ viết”.

Nhà thơ Vương Cường cùng nhà thơ Trần Quang Quý trong một cuộc hội thảo về thơ.
Nhà thơ Vương Cường cùng nhà thơ Trần Quang Quý. Ảnh: P.V

“Có thể tôi kỹ tính chăng, nhưng tôi quan niệm thơ phải là sự khác biệt. Nếu mà anh viết cũng giống tôi, thì chẳng sinh ra thêm một nhà thơ nữa làm gì. Mỗi người thơ phải đi một con đường sáng tạo riêng để đến với thi ca. Vì thế tôi không thích dạng thơ vần điệu, thơ “công thức”.

Tôi chủ trương thơ không vần điệu mà lấy nhạc điệu làm nền. Tôi biết mình nói ra sẽ có ít nhiều đụng chạm, nhưng đó là quan điểm của tôi. Và tôi luôn trăn trở để tìm “lối đi” của mình”.

Vương Cường cũng nói rằng, ông chưa và không bao giờ đặt mục tiêu lấy thơ để “nuôi” mình. “Hy sinh vì nó thì được nhưng không trông cậy để nó nuôi mình” đó chính là ứng xử của ông với thơ.

Nói về thực trạng thơ hiện nay, Vương Cường cho rằng thơ Việt Nam còn đang trong một “mớ bòng bong”. Để thay đổi, có sự phân hóa, thì cần tới 4 yếu tố quan trọng: đó là yếu tố thời đại, đội ngũ nhà thơ mới tiên phong, đội ngũ nhà phê bình có tầm, và đội ngũ người đọc tốt.

Ông cũng tự nhận, làm thơ được cũng vật vã lắm. Vì thế, “nếu bỏ được thơ, tôi bỏ lâu rồi, nhưng tôi là người bị nó ám, không tài nào dứt được”. Vì thế chăng mà “đoạn cuối đời lại gắn vào với Hội Nhà văn?”

Nhà thơ Vương Cường, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Đã xuất bản: Bài hát đi tìm một người (NXB Văn hóa, 1997); Đám mây hình thiếu phụ (NXB Văn học, 2010); Canh chừng lãng quên (NXB Hội Nhà văn 2016)

Chuẩn bị in: Đưa tay ra vẫy ngoài vô tận (tập nghiên cứu lý luận)

Đô thị hóa và một số vấn đề kinh tế xã hội( nghiên cứu)

Thùy Vinh

TIN LIÊN QUAN