Tiến Thủy (Quỳnh Lưu): Chính quyền xã 'quên' chỉ đạo của tỉnh?

20/04/2017 09:51

(Baonghean) - Năm 2016, UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các huyện, thị xã ven biển ưu tiên cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu thuê đất, mở rộng địa điểm kinh doanh phù hợp với quy định nhằm đảm bảo an toàn cháy nổ. Tuy nhiên ở xã Tiến Thủy, nội dung này không được quan tâm…

Doanh nghiệp lo lắng

Cuối tháng 3/2016, 8 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu ở xã Tiến Thủy (Doanh nghiệp Ngọc Lý, Doanh nghiệp Bá Lư, Doanh nghiệp Thành Thường, Doanh nghiệp Lý Ngọc, Doanh nghiệp Định Toàn, Doanh nghiệp Trung Việt, Doanh nghiệp Nhung Trí) có đơn gửi đến Báo Nghệ An trình bày: Họ hành nghề kinh doanh xăng dầu từ năm 1988 đến nay; trong đó chủ yếu cung ứng dầu diezen cho ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trước đây, tất cả các doanh nghiệp đều được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, địa điểm kinh doanh của họ không còn phù hợp do không đáp ứng được quy định diện tích đất.

Cửa hàng xăng dầu của 8 doanh nghiệp gần cảng Lạch  Quèn có diện tích nhỏ, không đủ điều kiện kinh doanh. Ảnh: Nhật Lân
Cửa hàng xăng dầu của 8 doanh nghiệp gần cảng Lạch Quèn có diện tích nhỏ, không đủ điều kiện kinh doanh. Ảnh: Nhật Lân

Năm 2016, họ được biết UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, đối với các doanh nghiệp vùng ven biển có địa điểm kinh doanh không đảm bảo về diện tích thì giao các huyện, thị xã ưu tiên cho thuê đất mở rộng cửa hàng.

Cũng trong năm 2016, ở xã Tiến Thủy có quy hoạch khu vực đất dành cho sản xuất, kinh doanh tại khu bờ kè sông Hàu. Các doanh nghiệp đã sớm nộp đơn với hy vọng được xem xét giải quyết để di dời địa điểm kinh doanh, tiếp tục phục vụ ngư dân.

Vậy nhưng, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy đã trả lời quỹ đất tại khu quy hoạch mới đã hết. Trong khi theo tìm hiểu, những cá nhân được UBND xã Tiến Thủy xét giao đất không nhằm mục đích kinh doanh xăng dầu; việc xét giao đất không đồng đều, có người được 2.000m2, có người ở ngoại tỉnh vẫn được xét giao đất!

Cũng tại đơn, 8 doanh nghiệp bày tỏ sự băn khoăn vì không hiểu tại sao chủ trương của tỉnh đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là rất rõ ràng, vậy mà khi có quỹ đất, chính quyền xã lại không thực hiện chủ trương của tỉnh?.

Về xã Tiến Thủy, 8 doanh nghiệp có tên tại đơn đều có cửa hàng xăng dầu ngay tại cảng Lạch Quèn với diện tích chật hẹp, trong vùng dân cư đông đúc nên có nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Căn cứ theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì hoàn toàn không đủ điều kiện. Vì vậy, đại diện cho 8 doanh nghiệp là bà Đỗ Thị Lý và ông Bùi Mạnh Trang đã tâm tư, công việc kinh doanh của họ có sự gắn kết mật thiết với bà con ngư dân, từ tình cảm đến hỗ trợ kinh doanh sản xuất.

Hiện nay, số tiền xăng dầu mà hàng trăm tàu còn nợ khá lớn, nếu không được bố trí địa điểm mới, họ sẽ phải đình chỉ việc kinh doanh và lâm vào tình trạng phá sản. Hệ lụy là một lượng tàu thuyền lớn của ngư dân Quỳnh Lưu sẽ gặp khó khăn về mặt nhiên liệu để vươn khơi đánh bắt hải sản.

Đại diện các doanh nghiệp xăng dầu, bà Đỗ Thị Lý và ông Bùi Mạnh Trang. Ảnh: Nhật Lân

Đại diện các doanh nghiệp xăng dầu, bà Đỗ Thị Lý và ông Bùi Mạnh Trang. Ảnh: Nhật Lân

Cần xem xét giải quyết

Trao đổi với PV, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thủy, ông Ngô Quang Nuôi cho biết, ở một địa phương mà người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản (chiếm khoảng 65 - 70%), các hộ kinh doanh xăng dầu làm nghề đã từ rất lâu và có sự gắn bó, mật thiết với bà con ngư dân; trong đó, cung ứng đầy đủ, kịp thời nhiên liệu, và cho ngư dân nợ tiền…

Nói về khó khăn trong địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu, theo ông Nuôi, Tiến Thủy cũng như nhiều xã ven biển, quỹ đất rất eo hẹp. Toàn xã có hơn 390 ha thì chỉ có 1/3 là đất phi nông nghiệp; bởi dân số đông, các ngành nghề dịch vụ, thương mại, xây dựng phát triển mạnh nên càng khó khăn về đất. Các doanh nghiệp xăng dầu hầu hết kinh doanh trong phần đất của gia đình; cho đến thời điểm hiện tại thì hầu hết không đáp ứng được các quy định.

Đặc điểm của việc kinh doanh xăng dầu phục vụ tàu đánh bắt hải sản là phải bám bờ sông, gần cảng nên để tìm quỹ đất phù hợp là hết sức khó khăn. Xã đã tính đến việc động viên các doanh nghiệp sáp nhập lại với nhau, nhưng để thực hiện là khó. Vì vậy, đang hướng đến việc hoán đổi đất của các hộ có nhà gần cảng ra vị trí khác, sau đó đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu vào đó.

Khi được hỏi: “Đảng ủy xã Tiến Thủy cụ thể hóa sự quan tâm này bằng văn bản hay chưa?”, ông Nuôi cho biết, đã có ý kiến trong các cuộc họp, PV cần làm việc với lãnh đạo UBND xã để nắm bắt cụ thể.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Ước - Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy về kiến nghị của 8 hộ kinh doanh xăng dầu, ông Ước cho hay, năm 2016, xã đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 8.000m2 để phục vụ hậu cần nghề cá ở khu vực gần cảng Lạch Quèn. Tuy nhiên, khi xây dựng bờ kè số 6, diện tích khu đất chỉ còn gần 3.000m2. Theo ông Ước, đây là điều xã đã không lường trước được nên đã xảy ra việc kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Theo kế hoạch sử dụng đất ban đầu, xã đã tiếp nhận đơn xin thuê đất của các doanh nghiệp trên địa bàn; đã đưa ra hội đồng xét duyệt của xã để duyệt cho 5 doanh nghiệp đủ điều kiện thuê đất (trong đó có 8 doanh nghiệp có đơn do Doanh nghiệp Ngọc Lý đứng đơn) và đã gửi tờ trình cho từng doanh nghiệp lên cấp trên. Tuy nhiên, do quỹ đất bị thu hẹp nên chỉ có 3 doanh nghiệp được xét duyệt, đã được cấp thẩm quyền chấp thuận cho thực hiện các thủ tục thuê đất; hai doanh nghiệp không còn quỹ đất để thuê, trong đó có Doanh nghiệp Ngọc Lý.

Khu vực đất sản xuất, kinh doanh rộng gần 3.000m2 tại kè số 6, Cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Nhật Lân
Khu vực đất sản xuất, kinh doanh rộng gần 3.000m2 tại kè số 6, Cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Nhật Lân

Khi được hỏi: “Có ý kiến phản ánh là chính quyền xã không công bằng. Trong số doanh nghiệp được chấp thuận thuê đất có Công ty TNHH Lực Sỹ là người thân của lãnh đạo xã; bên cạnh đó, Công ty TNHH sản xuất và thương mại tổng hợp Tấn Sang là doanh nghiệp nộp đơn sau chót lại được chấp thuận thuê đất”, ông Ước cho biết: “Xã đã làm tờ trình cho cả 5 doanh nghiệp lên cấp trên. Việc xét duyệt cho doanh nghiệp nào được thuê là do cấp trên quyết định...”.

Ông Ước cũng khẳng định: “Xã đã xét duyệt công khai và trình lên cấp trên doanh nghiệp Ngọc Lý chứ không phải là không trình. Lý do họ không được thuê đất là vì quỹ đất đã hết. Hiện nay, xã cũng đang cùng Phòng TN&MT huyện khảo sát một khu đất cận kề và đề nghị cấp thẩm quyền cho họ được thuê…”.

Từ kiến nghị của 8 hộ kinh doanh xăng dầu ở xã Tiến Thủy, tìm hiểu chúng tôi được biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 4/2016, UBND tỉnh đã xem xét giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tháng 7/2016, Sở Công Thương qua kiểm tra đã báo cáo UBND tỉnh về thực trạng những vướng mắc tồn tại; trong đó ghi nhận vai trò của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh xăng dầu vùng ven biển và có đề ra một số giải pháp tháo gỡ. Ngày 4/8/2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3744/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025.

Tại Quyết định số 3744, 8 hộ kinh doanh xăng dầu có đơn ở xã Tiến Thủy nằm trong danh mục cửa hàng xăng dầu phải cải tạo, nâng cấp. Và giải pháp được đề ra là: “UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cấp cải tạo và yêu cầu các thương nhân thực hiện; ưu tiên cho các thương nhân thuê đất mở rộng cửa hàng và ưu tiên thực hiện các vấn đề liên quan đến các thủ tục nâng cấp, cải tạo cửa hàng”.

Như vậy có thể thấy, UBND tỉnh rất sát sao trong việc tháo gỡ các vướng mắc tồn tại cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh xăng dầu vùng ven biển và đề ra giải pháp tháo gỡ cụ thể. Nội dung này, có thể nói vừa là giải pháp, vừa là chỉ đạo của UBND tỉnh. Vì vậy, kiến nghị của 8 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở xã Tiến Thủy là hoàn toàn có cơ sở. UBND huyện Quỳnh Lưu cần kiểm tra làm rõ và có hướng tháo gỡ để các doanh nghiệp này được ổn định kinh doanh xăng dầu, tiếp tục phục vụ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế và khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc./.

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN