Napoléon Bonaparte mới đối diện thách thức nào?

09/05/2017 09:46

(Baonghean) - Ông Emmanuel Macron đã trở thành vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp sau cuộc đua đầy căng thẳng. Chiến thắng này đã khiến cả nước Pháp và châu Âu thở phào; thế nhưng, hàng loạt thách thức cũng đang chờ đợi Tổng thổng đắc cử Macron.

Ứng viên Emmanuel Macron đã trở thành vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp. (Nguồn: Reuters)

Chiến thắng được báo trước

Với số phiếu cách biệt, ông Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trước ứng viên phe cực hữu là bà Marine Le Pen, trở thành vị tổng thống thứ 8 trong lịch sử nền cộng hòa thứ Năm của nước Pháp.

Đây là kết quả không mấy bất ngờ, bởi các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử đều cho thấy, ông Macron có tỷ lệ ủng hộ cao hơn hẳn so với bà Le Pen.

Lý giải cho sự lựa chọn của cử tri, giới phân tích cho rằng, cử tri Pháp đã buộc phải quyết định “so bó đũa chọn cột cờ”. Bởi người dân Pháp đã quá chán ngán với các đảng phái lớn, và mong mỏi một sự thay đổi mang tính căn bản.

Thể hiện là các các ứng viên của hai đảng cánh tả và cánh hữu tại Pháp đã bị loại ngay từ vòng 1 với các bê bối và đấu đá chính trị thời gian qua. Với bản thân ứng viên Emmanuel Macron, ông cũng có những thế mạnh nhất định như tuổi trẻ hay quyết tâm “vì nước Pháp”.

Dù vậy theo dư luận Pháp đánh giá, những chính sách mà ông đưa ra vẫn còn chung chung, chưa đột phá và tất nhiên cũng chưa thể làm hài lòng các cử tri.

Bởi thế, đặt vào thế phải chọn giữa ông Macron và ứng viên cực hữu với nhiều quan điểm cực đoan là bà Le Pen, cử tri Pháp đã buộc phải đưa ra quyết định an toàn hơn.

Những thách thức

Trong bài phát biểu chiến thắng trước người ủng hộ, Tổng thống đắc cử Macron đã tuyên bố sẽ bảo vệ nước Pháp và châu Âu như đã cam kết; đồng thời hứa hẹn mở ra một trang mới cho đất nước. Bài phát biểu của ông Macron được đánh giá là xuất sắc và ấn tượng so với hầu hết những người tiền nhiệm.

Thế nhưng ai cũng hiểu, bài phát biểu này mới chỉ là mở màn cho một chặng đường vô vàn khó khăn và thách thức đang chờ đợi ông Macron.

Theo số liệu mới nhất, nền kinh tế Pháp nhiều năm qua vẫn trì trệ với mức tăng trưởng ảm đạm, thâm hụt ngân sách cao và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10%.

Trong khi đó, nợ chính phủ đã nhảy vọt lên mức gần 90%, gây nguy cơ lớn đối với tài chính công. Với kinh nghiệm gần 2 năm làm Bộ trưởng Kinh tế, ông Macron được cho là có thể đưa ra một đường hướng hiệu quả hơn giúp kinh tế Pháp khởi sắc.

Nhưng đó là chuyện về sau, còn ngay trước mắt, cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 tới sẽ là thách thức đầu tiên của ông Macron.

Là nhà lãnh đạo của phong trào Tiến bước - một đảng mới thành lập vốn không có bất cứ nền tảng ủng hộ nào trên chính trường Pháp, ông Macron chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc giành được đa số ủng hộ trong Nghị viện.

Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, lãnh đạo các đảng như đảng Xã hội, đảng “Những người cộng hòa” đã tuyên bố sẽ không ủng hộ các chính sách của ông Macron. Nếu không thu hút được sự ủng hộ của các đảng này để thành lập liên minh, các quyết sách của ông Macron khi điều hành đất nước sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Tiếp đó, nhiệm vụ quan trọng của ông Macron sẽ là đoàn kết và tạo lòng tin cho người dân Pháp vốn đang hoài nghi với giới lãnh đạo nước này. Một con số đáng chú ý là tỷ lệ cử tri không bầu cho ai đạt tới hơn 24% - tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 1969.

Bên cạnh đó về chính sách đối ngoại, ông Macron cũng sẽ phải đối diện với thách thức khẳng định lại vị thế của nước Pháp trong EU vốn đang “lép vế’ hơn nhiều so với Đức. Chính sách đối với cuộc khủng hoảng nhập cư hay với các hồ sơ nóng quốc tế mà Pháp liên quan như Syria, Yemen… cũng là vấn đề mà ông Macron sẽ phải bận tâm.

Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron cùng núi thách thức đang chờ đợi, để có thể làm hài lòng cử tri Pháp. (Nguồn: Reuters)

Lời cảnh cáo với dân túy

Về phía Liên minh châu Âu, chia sẻ những khó khăn của Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu cũng không giấu được niềm vui khi ứng viên theo trường phái ủng hộ sự thống nhất châu Âu thắng cử.

Một loạt nhà lãnh đạo như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hay Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker đều đã gửi thông điệp chúc mừng đến vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp.

Bởi sau sự kiện “Brexit”, châu Âu rõ ràng sẽ không còn nhiều lý do để tồn tại nếu như ứng viên Marin Le Pen chiến thắng và Pháp ra khỏi Liên minh châu Âu. Vì thế với EU, chiến thắng của ông Macron được cho là lời cảnh báo đối với làn sóng dân túy cực đoan và chống toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước châu Âu hiện nay.

Ngay như Thủ tướng Nhật Bản từ châu Á cũng khẳng định, chiến thắng của ông Macron là một “biểu tượng” để đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ, thể hiện sự tự tin của người dân Pháp nói riêng và người dân châu Âu nói chung.

Như vậy, thuận lợi có và thách thức cũng nhiều, nhiệm vụ của Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron là phải gánh vác trách nhiệm chèo lái nước Pháp một cách hiệu quả để khẳng định lựa chọn của các cử tri Pháp là đúng!

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN