5 loại nhạc cụ đặc trưng của người Thái Nghệ An

23/03/2017 15:05

(Baonghean.vn) - Xuất phát từ đời sống, lao động sản xuất, người Thái miền Tây Nghệ An đã sáng tạo nên những nhạc cụ cho riêng mình, góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Báo Nghệ An xin giới thiệu 5 loại nhạc cụ đặc trưng của người Thái (Nghệ An):

1. Khèn bè:

Là nhạc cụ đa năng nên khèn bè phát huy hiệu quả cao nhất khi đệm cho những làn điệu dân ca Thái (khắp, lăm, nhuôn, xuối).

Khèn bè góp cùng các loại nhạc cụ khác làm nên bản hòa tấu rộn ràng, náo nức, thể hiện niềm lạc quan, yêu đời và tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân tộc Thái.

Chính vì vậy, với hầu hết các bản làng dân tộc Thái, ngày hội và ngày vui không thể thiếu âm thanh dìu dặt của khèn bè, vì đó chính là "điệu hồn" dân tộc.

Nguyên liệu chế tác khèn bè là 14 khúc nứa loại nhỏ với kích thước dài ngắn khác nhau và ghép thành 7 đôi nằm song song để tạo thành một khối. Khối nứa này được liên kết với nhau bằng một chiếc bầu bằng gỗ, trên các khúc nứa này được các nghệ nhân tạo các lỗ thoát hơi và gắn các lam đồng.

Khèn bè đòi hỏi người sử dụng phải thật sự khéo léo, tinh tế và giàu cảm xúc. Những người giỏi chế tác và sử dụng nhạc cụ khèn bè thường được dân bản phong là nghệ nhân.

1
Nghệ nhân Vi Thanh Hải thổi khèn bè. Ảnh: Đình Tuân

Clip nghệ nhân Vi Thanh Hải, ở bản Chắn, xã Thạch Giám (Tương Dương) thổi khèn bè:

2. Xi xờ lo:

Nhạc cụ này ngoài dùng để độc tấu còn có thể sử dụng hòa tấu hoặc đệm cho hát dân ca trong sinh hoạt thường ngày.

Là nhạc cụ dây kéo, được làm từ ống nứa có chiều dài 45-50cm. Trước đây, nhạc cụ có hai dây làm bằng tơ tằm, nhưng ngày nay ngoài việc sử dụng dây bằng kim loại sắt, cung kéo làm từ một thanh tre mỏng có chiều dài khoảng 45cm, rộng khoảng 1cm; dây cung thường được làm từ những sợi cước nhỏ, nhưng phổ biến nhất là làm bằng dây nứa.

1
Anh Lương Văn An kéo xi xờ lo. Ảnh: Đình Tuân

Clip anh Lương Văn An, ở bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng (Tương Dương) kéo xi xờ lo:

3. Kèn lá:

Đây là loại nhạc cụ đơn giản nhất, bởi chỉ cần lấy 1 chiếc lá cây không bị rách, không bị sâu, còn tươi, cắt phần cuống rồi gấp đôi theo sống lá là có 1 chiếc kèn.

Kèn lá có âm thanh cao, diễn tả tốt tiếng suối chảy và tiếng chim hót, hoặc những âm thanh mang nét đặc thù của thiên nhiên rừng núi.

Kèn lá là loại kèn đơn giản nên được sử dụng mọi lúc mọi nơi.

1
Nghệ nhân Lô Thanh Đàn thổi kèn lá. Ảnh: Đình Tuân

Clip nghệ nhân Lô Thanh Đàn, bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng (Tương Dương) thổi kèn lá:

4. Khắc luống:

Khắc luống vốn là máng giã gạo, được cấu tạo từ một thân cây gỗ già thớ xoắn, ít bị nứt ở giữa, có chiều rộng khoảng 45cm, chiều dài từ 2,5-3cm. Người ta khoét thân cây gỗ này dưới dạng thuyền, trông cũng gần như chiếc máng nước ngắn, một đầu đục lỗ để giã gạo. Những chiếc chày có chiều dài khoảng 2m, đường kính khoảng 14 cm.

Khắc luống được xếp thuộc vào loại nhạc cụ thô sơ và có sớm nhất. Chỉ cần có vài ba người là đã có thể khắc luống. Khi khắc luống, người ta cầm chày gõ vào thành máng hoặc đâm xuống lòng máng tạo nên những âm thanh vang, mạnh, dứt khoát hoặc dồn dập, tùy theo cách mà người ta quy định.

Vào các dịp vui như đám cưới, các lễ hội,... tiếng khắc luống lại vang lên khắp bản làng.

Clip bà con bản Lau, xã Thạch Giám (Tương Dương) vui hội khắc luống:

5. Pí (sáo):

Được làm từ một ống nứa có chiều dài khoảng 50cm, được khoan 4 lỗ. Pí có thể độc tấu và đệm òn (một làn điệu của dân tộc Thái), được người Thái sử dụng vào các dịp như đám cưới, mừng nhà mới, đón bạn.

1
Nghệ nhân Lương Văn Pắn thổi pí. Ảnh: Đình Tuân

Clip nghệ nhân Lương Văn Pắn, bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng (Tương Dương) thổi pí:

Đình Tuân

TIN LIÊN QUAN