5 việc thành và bại của Tổng thống Trump trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ

28/04/2017 08:55

(Baonghean.vn) - Ngày 29/4/2017 đánh dấu tròn 100 ngày kể từ khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Mỹ. Trong quãng thời gian đó, ông đã gặp khá nhiều rào cản. Dưới đây là những thành - bại của ông trong 100 ngày qua.

1. Xây tường ở biên giới với Mexico

Nhiều người cho rằng chủ trương nói trên của Donald Trump là tàn nhẫn và không khả thi. Trong khi đó, những người ủng hộ ông thường hô khẩu hiệu: “Hãy xây bức tường”.
Nhiều người cho rằng chủ trương xây bức tường ở biên giới Mexico của Donald Trump là tàn nhẫn và không khả thi. Trong khi đó, những người ủng hộ ông thường hô khẩu hiệu: “Hãy xây bức tường”.

Xây tường ở biên giới với Mexico là một trong những lời hứa nổi bật nhất trong chiến dịch tranh cử của Trump. Những người ủng hộ đã nhiệt liệt hoan hô khi ông tuyên bố sẽ yêu cầu Mexico trả tiền cho dự án. Tuy nhiên, những lời hùng biện trong chiến dịch dễ dàng hơn việc biến chúng thành hành động ở Washington.

Mặc dù Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói việc xây dựng sẽ bắt đầu vào mùa hè, vẫn không rõ họ sẽ lấy nguồn tiền từ đâu. Quốc hội Mỹ sẽ cần tìm hàng tỷ USD để biến bức tường trở thành hiện thực. Điều này tạo ra sự đối đầu giữa tổng thống và các nhà lập pháp, khi nhiều nghị sĩ Dân chủ và thậm chí cả nghị sĩ Cộng hòa, đặc biệt là những người tại các khu vực ở biên giới Mỹ - Mexico, không quan tâm đến việc mở hầu bao cho dự án của ông Trump.

2. Lựa chọn thẩm phán tối cao

Ông Neil Gorsuch tuyên thệ nhậm chức thẩm phán tối cao Mỹ tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 10.4 Ảnh: Reuters
Ông Neil Gorsuch tuyên thệ nhậm chức thẩm phán tối cao Mỹ tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 10/4/2017. Ảnh: Reuters

Trump đã hứa sẽ chọn thẩm phán tòa án tối cao mới từ danh sách mà ông công bố trong chiến dịch tranh cử và ông đã thực hiện được điều đó. Việc thượng viện phê chuẩn Neil Gorsuch là thành công quan trọng nhất trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Trump.

"Tôi thấy nhiều người nói rằng điều quan trọng nhất mà một tổng thống Mỹ làm là chỉ định nhân sự. Mong là mọi người thích việc bổ nhiệm này", ông Trump nói trong buổi lễ tuyên thệ tại Nhà Trắng của ông Gorsuch.

Với quyết định này, tổng thống Mỹ đã làm hài lòng nghị sĩ Cộng hòa khi một người bảo thủ đáng tin cậy được chọn vào tòa án tối cao. Họ có thể tiếp tục ủng hộ tổng thống Mỹ với hy vọng sau này sẽ có nhiều đề cử như ông Gorsuch.

3. Thay đổi Dự luật Y tế

Các nghị sĩ Đảng Cộng hoà hôm nay rút dự luật y tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay trước khi lấy phiếu để thay thế Obamacare.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hoà hôm 25/3/2017 đã rút dự luật y tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay trước khi lấy phiếu để thay thế Obamacare. Ảnh: Chủ tịch Hạ viện Mỹ Ryan bước ra sau cuộc họp ở Quốc hội. Ảnh:NYT

Bãi bỏ và thay thế Obamacare cũng là một lời hứa nổi bật của ông Trump. Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hoà hồi tháng ba đã rút dự luật y tế thay thế Obamacare ngay trước khi lấy phiếu phê chuẩn ở hạ viện, vì biết chắc nó sẽ không nhận được đủ sự ủng hộ.

Thất bại này cho thấy sự thiếu kinh nghiệm trong việc đàm phán để giành sự ủng hộ của ông Trump. Đồng thời, nó cũng thể hiện đảng Cộng hòa chưa có khả năng thúc đẩy một chương trình chặt chẽ.

4. Chính sách nhập cư

​Biểu tình phản đối chính sách nhập cư của ông Trump
​Biểu tình phản đối chính sách nhập cư của ông Trump ở thành phố New York.. Ảnh: New York Daily

Chính quyền Trump đã nỗ lực thực hiện lời hứa về vấn đề nhập cư. Tổng thống Mỹ hai lần ký sắc lệnh nhằm hạn chế chương trình tị nạn và ngăn công dân của một số nước đạo Hồi lớn đến Mỹ, nhưng những sắc lệnh này đã bị chặn bởi một số thẩm phán liên bang.

Ông Trump còn đe dọa cắt trợ cấp cho "các thành phố trú ẩn" (những nơi giúp đỡ người nhập cư bất hợp pháp) không hợp tác đầy đủ với quan chức nhập cư liên bang. Tổng thống Mỹ cũng ra lệnh xem xét lại các chương trình di trú, bao gồm visa H-1B dành cho người nhập cư có tay nghề cao và tuyển dụng thêm nhân viên tuần tra biên giới cùng thẩm phán tòa án di trú.

Số người nhập cư trái phép bị bắt giữ đã tăng 32,6% trong 1,5 tháng đầu nhiệm kỳ của Trump, theo Washington Post. Điều này cho thấy lập trường cứng rắn của tổng thống Mỹ về vấn đề nhập cư đã có tác động.

5. Chính sách đối ngoại

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) là nhà lãnh đạo đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) là nhà lãnh đạo đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng nói về việc cứng rắn với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Iran, Trung Quốc và hàn gắn quan hệ với Nga. Trên hết, ông hứa sẽ đặt ưu tiên người Mỹ lên hàng đầu, giảm bớt hỗ trợ cho các đồng minh của Mỹ và liên minh quốc tế mà ông coi là gánh nặng.

Khi trở thành tổng thống, ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như đã hứa và đã bắt đầu quá trình xem xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Ông Trump kêu gọi lãnh đạo nước ngoài như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni tăng chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, khác với trong chiến dịch tranh cử, ông đã thừa nhận giá trị của NATO, nói rằng liên minh này không còn lỗi thời nhưng nhấn mạnh nghĩa vụ tài chính các nước thành viên phải thực hiện.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN