Bộ Công an rút quy định về ghi âm, ghi hình ngụy trang
Sau một thời gian công bố, Bộ Công an đã rút quy định về ghi âm, ghi hình ngụy trang trong dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình.
Ngày 28/4, Lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (V19, Bộ Công an) cho biết sau một thời gian công bố, dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình đã nhận được nhiều ý kiến.
Bộ Công an rút quy định về ghi âm, ghi hình ngụy trang |
Đáng chú ý, một trong những nội dung của dự thảo gây nhiều tranh cãi là khoản 3 Điều 4. Theo đó, “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định đối tượng được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật như dự thảo là chưa phù hợp. Bởi việc này mâu thuẫn với phạm vi quy định của dự thảo cũng như hạn chế quyền tự do tác nghiệp của báo chí, nhất là trong việc phát hiện tiêu cực xã hội.
Về vấn đề này, Bộ Công an đã thống nhất bỏ nội dung trên ra khỏi dự thảo Nghị định.
“Việc rút bỏ được căn cứ vào phạm vi quy định của dự thảo. Cụ thể, Nghị định chỉ điều chỉnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh,… chứ không quy định đối tượng nào mới được sử dụng” - vị lãnh đạo cho biết.
Ngoài nội dung trên, một số quy định trong dự thảo liên quan “nghiêm cấm cá nhân” sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang để xâm phạm tới an ninh quốc gia, an toàn xã hội cũng được rút bỏ.
Chia sẻ thêm về việc báo chí được phép sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật trong khi tác nghiệp, vị lãnh đạo V19 cho hay cũng đang rất băn khoăn về vấn đề này.
Theo đó, hiện nay luật chưa quy định cho phép phóng viên, nhà báo được ghi âm, chụp ảnh bí mật. Bên cạnh yếu tố chống tiêu cực, việc ghi âm, chụp ảnh bí mật nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ rất dễ dẫn tới lạm dụng, xâm phạm tới bí mật đời tư, hình ảnh cá nhân của công dân đã được Hiến pháp quy định.
“Tôi cho rằng luật cần chỉnh sửa điều này, cần có quy định rõ trường hợp nào thì được ghi âm, ghi hình bí mật” - đại diện V19 nhận định.
Theo PLO
TIN LIÊN QUAN |
---|