'Thanh tra, kiểm tra khép kín thì làm sao moi ra được sai phạm'
Với cơ chế khép kín thì các cơ quan giám sát bị chi phối lợi ích, cấu kết với nhau, ăn chia nhau thì làm sao mà moi ra được sai phạm.
Hàng loạt dự án thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được chi hàng ngàn tỷ đồng đầu tư nhưng thua lỗ và phát hiện nhiều sai phạm. Điển hình như thua lỗ 3.000 tỷ đồng của Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thời Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT, việc đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng TMCP Đại Dương và mất trắng 800 tỷ đồng, hay loạt dự án xăng sinh học Ethanol với tổng số vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng nhưng không hiệu quả.
Vấn đề này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa qua: “Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…”.
Ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Đấy là sự lãng phí, gây thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách Nhà nước… là biểu hiện suy thoái được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII nhận diện.
Việc đầu tư thực hiện là trong cả một quá trình, nhưng đến khi số tiền hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước đầu tư không hiệu quả, thất thoát thì mới phát hiện sai phạm. Vậy vì sao trong quá trình đầu tư, triển khai dự án ngay từ ban đầu không phát hiện được sai phạm?
Ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, vấn đề này bắt nguồn từ thể chế, cơ chế của chúng ta có lỗ hổng lớn. Một công trình đầu tư hàng ngàn tỷ đồng thì ai giám sát, giám sát cái gì. “Giám sát là đi lang thang hay giám sát cái gì”, ông Trần Quốc Thuận nêu.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đối với những công trình hàng ngàn tỷ đồng việc giám sát thi công, quyết toán, kế toán… phải độc lập, đối với những công trình hàng ngàn tỷ phải có kiểm toán quốc tế.
Hiện nay, việc kiểm tra, thanh tra khép kín thì làm sao mà sai được. “Ai mà tự kết luận cho mình là sai. Đấy là do cơ chế, thể chế cái gì cũng khép kín”, ông Thuận phân tích.
Với cơ chế khép kín thì các cơ quan giám sát bị chi phối lợi ích, cấu kết với nhau, ăn chia nhau thì làm sao mà moi ra được sai phạm. Chúng ta phải làm sao mà các cơ quan thực hiện chức năng giám sát được thưởng, tức là có lợi ích thì người ta sẽ ‘moi’ ra hết.
Nhắc lại một chuyến đi Australia nghiên cứu, ông Thuận cho hay, cảnh sát Australia không ăn hối lộ. Bởi vì nếu một người hối lộ mà bị cảnh sát phát hiện và lập biên bản thì tháng đó cảnh sát được thưởng nguyên 1 tháng lương.
“Cách đây khá lâu rồi, một tháng lương của họ khoảng 3.000-4.000 đô la Australia. Khi phương tiện vượt đèn xanh, đi lấn làn, đậu sai chỗ… thì họ lập biên bản để phạt. Nếu người vi phạm đưa tiền, họ lập biên bản thì tháng này họ được thêm tháng lương. Họ muốn ai hối lộ để tháng đó họ nhận thêm được tháng lương nữa. Thay vì nhận 100-200 USD tiền hối lộ, họ lại được nhận mấy ngàn đô la, thì sướng quá”, ông Thuận cho hay.
Bởi vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đối với những người thực hiện chức năng giám sát chúng ta phải có một hàng rào bảo vệ để bức tường đó không thể xuyên thủng được. Nếu bức tường đó bị xuyên thủng thì sinh mệnh của Đảng chông chênh lắm.
Một vấn đề cũng được đặt ra là để loại trừ những biểu hiện suy thoái này là chúng ta phải thực hiện củng cố tổ chức Đảng, Ban cán sự Đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc củng cố ở đây là phải chú trọng vào những người có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực này, đồng thời sắp xếp một cách độc lập và giám sát lẫn nhau.
Bên cạnh đó, cần có thưởng phạt kịp thời, làm tới đâu có sự thanh tra kiểm tra tới đó.
Hiện nay, trong các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV… cũng chính là Bí thư Đảng ủy. Khi xảy ra sai phạm gì thì người đứng đầu chịu trách nhiệm. Người chịu trách nhiệm chính là ông Bí thư Đảng ủy. Mà ông Bí thư Đảng ủy, đứng đầu cơ quan lại thanh tra, kiểm tra thì chả khác ‘tự lấy dao tự mổ xẻ mình’.
Ông Trần Quốc Thuận cho hay, việc người đứng đầu chịu trách nhiệm khi có sai phạm có mặt tích cực nhưng cũng phát sinh mặt không tích cực, vì họ sẽ bịt kín sai phạm trong đơn vị vì khi bị phát hiện, họ phải chịu trách nhiệm.
Và khi sai phạm được bịt kín thì đơn vị họ luôn ‘trong sạch vững mạnh, nhận huân chương, huy chương và thậm chí lợi ích bên trong’.
Nhắc lại lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng: Chúng ta phải có hội nghị bàn sâu về cơ chế, thể chế như Đại hội lần thứ 6 của Đảng mổ xẻ về kinh tế để chuyển sang kinh tế thị trường.
Theo ông Thuận, việc mổ xẻ, cơ chế thể chế để chúng ta tìm ra câu trả lời: Tại sao chống tham nhũng, tại sao có tình trạng tham nhũng nhỏ đến tham nhũng lớn, tham nhũng tràn lan đến tham nhũng không ngăn chặn được.
Nghị quyết của Đảng chúng ta có rất nhiều nhưng vẫn không ngăn được thì phải có lý do. Chống tham nhũng không chỉ trừng trị mà cái người ta khao khát nhất là thu hồi tiền của đã thất thoát càng nhiều càng tốt, và đấy là mục đích chống tham nhũng. Và vấn đề lớn hơn nữa chúng ta phải nghiên cứu một cơ chế, thể chế mà không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không tham nhũng được.
Ông Thuận nói rằng, vừa qua có hàng chục ngàn tỷ không thấy thu hồi được bao nhiêu, mà tiền là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Cho nên cần phải làm ba việc, trừng trị, thu hồi tài sản và xem lại cải cách thể chế, cơ chế trong chống tham nhũng./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|