Cách nhận biết bể bơi an toàn cho trẻ
(Baonghean.vn) - Bơi lội là một thú vui không thể thiếu trong ngày hè oi ả. Tuy nhiên, đằng sau rất nhiều lợi ích về sức khỏe bạn sẽ phải đối mặt với hàng loạt mầm bệnh khi tham gia hoạt động này.
Theo các chuyên gia về sức khỏe, bơi lội có nhiều tác dụng rất tốt lên các cơ quan hô hấp, tim mạch, khớp, cơ, béo phì. Mỗi giờ bơi đều đặn tiêu thụ khoảng 800 kcal. Nhiều nghiên cứu cho thấy bơi khoảng 30 đến 60 phút mỗi ngày, từ 3 đến 4 ngày trong một tuần có thể giảm nguy cơ đột quỵ, tim mạch, tiểu đường, tăng cholesterol máu và tăng huyết áp.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo một số bệnh có thể gặp khi bơi lội như:
Viêm kết mạc và đau mắt đỏ: Vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây bệnh viêm kết mạc sống rất thoải mái trong nước hồ bơi. Vì thế, không có gì lạ khi chúng ta dễ mắc bệnh viêm kết mạc khi đi bơi.
Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp tại các bể bơi công cộng. Ảnh minh họa |
Khi bị viêm kết mạc, mắt bị cộm như có vật lạ ở trong, nước mắt chảy nhiều, có rất nhiều gèn, nhức mắt dữ dội khi nhìn thấy ánh sáng... Bệnh này nếu không chữa trị dứt điểm dễ dẫn đến rối loạn thị giác.
Ngoài viêm giác mạc, khi đi bơi bạn còn dễ bị dị ứng mắt, khô mắt, và đau mắt đỏ là bệnh thường gặp tại các bể bơi công cộng do tính chất dễ lây lan của bệnh. Một số người không có thói quen sử dụng kính bơi mà mở mắt trực tiếp dưới nước sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh tai, mũi, họng: Mọi người thường ít quan tâm đến việc nên sử dụng mũ bơi khi đi bơi, phần vì đây không phải là trang bị quá phổ biến, phần vì nó gây ra cảm giác khó chịu. Điều này khiến nước bể bơi chứa các loại vi khuẩn, nấm mốc dễ dàng xâm nhập và đọng lại ở trong tai. Nếu không vệ sinh đúng cách sẽ gây ra các cơn ngứa ngáy, khó chịu. Thậm chí, nặng hơn có thể khiến tai mưng mủ, chảy nước vàng, viêm tai ngoài và giảm thính lực.
Do uống phải nước hoặc sặc nước hồ bơi đưa vi trùng vào mũi, họng, xoang. Đặc biệt, nhiễm vi trùng não mô cầu có thể diễn tiến tử vong rất nhanh do nhiễm trùng huyết.
Bệnh liên quan đến phổi và hen suyễn: Chất Clo có trong nước bể bơi rất dễ phản ứng với các chất, như urine và mồ hôi, để tạo nên sản phẩm phụ, chủ yếu là chất chloramines, có thể gây khó chịu cho hệ hô hấp của con người.
Đến bác sỹ khám nếu có dấu hiệu khó thở sau khi đi bơi ở hồ bơi. Ảnh minh họa |
Những người thường tiếp xúc với chloramines có nguy cơ mắc các chứng bệnh như xoang, hay viêm họng cao gấp 2 đến 4 lần, cảm cúm mãn tính, gấp 3 đến 4 lần những người khác. Những người phải tiếp xúc với nồng độ clo càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng lên. Nếu thấy có hiện tượng ho nhiều và khó thở, nên tạm dừng hoặc hạn chế đi bơi tại các bể bơi công cộng.
Bệnh tiêu chảy: Nước là môi trường lý tưởng để ký sinh trùng gây tiêu chảy có tên khoa học là Cryptosporidium sinh sống. Loại ký sinh trùng này gây tổn thương tế bào biểu mô ở dạ dày, ruột, đường hô hấp. Khi bị nhiễm thường không có triệu chứng, vì vậy chúng ta là những ổ chứa âm thầm truyền bệnh cho những cá thể khác.
Khi bị nhiễm Cryptosporidium, bệnh nhân bị tiêu chảy dữ dội, phân toàn nước, kết hợp với đau quặn bụng, mệt mỏi toàn thân, sốt, chán ăn buồn nôn và đôi khi có nôn. Các triệu chứng thay đổi nhưng thường trong vòng 30 ngày ở những người không có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Ở những người bị suy giảm miễn dịch, có thể tử vong khi bị nhiễm Cryptosporidium. Cryptospo - ridium có khả năng đề kháng cao đối với các hóa chất sát khuẩn cho nước uống và nước bể bơi. Vì thế, một người bị tiêu chảy có thể dễ dàng gây nhiễm bẩn bể bơi.
Nếu số lượng người xuống bể bơi quá đông, máy lọc nước tại bể sẽ không thể lọc kịp để loại bỏ các độc tố. Ảnh minh họa |
Nấm kẽ chân: Bệnh này do nấm Epidermophytin hoặc Trichophytin gây nên. Đối với nấm kẽ chân do Epidermophytin, da kẽ chân bị bợt trắng, có khi xuất hiện mụn nước ở rìa các ngón chân. Do ngứa nhiều, người bệnh phải gãi liên tục khiến các mụn nước bị vỡ, trợt, loét dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát làm sưng tấy các ngón chân, lan trên bàn chân, hạch bẹn.
Trường hợp bị nấm kẽ chân Trichophytin, kẽ ngón chân thường tróc vảy da khô, nền da hơi đỏ, rất ngứa, ở rìa bàn chân, gót chân có các đám róc vẩy da vằn vèo. Các móng chân có thể dày lên, sần sùi, màu vàng đục hoặc mủn ra như lõi sậy.
Bệnh da do hóa chất: Các hóa chất để khử trùng, làm xanh nước bể bơi chính là thủ phạm gây các bệnh ngoài da sau: viêm da tiếp xúc (xuất hiện ở vùng da mỏng như mặt trong cánh tay, nách, bẹn, mặt trong đùi) với các triệu chứng điển hình và các đám đỏ da, ngứa, có thể có các mụn nước nhỏ lấm tấm mọc trên nền da đỏ. Nếu gãi nhiều có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây viêm da nặng.
Đen da, sạm da, thậm chí bỏng da cũng là một dạng bệnh do hóa chất.
Các hóa chất khử trùng cho hồ bơi có thể gây viêm da. Ảnh minh họa |
Bệnh vùng kín: Nấm phụ khoa hay các căn bệnh lây lan qua đường sinh dục khác, đặc biệt là bệnh lậu có thể phát sinh do nguồn nước không đảm bảo hoặc có người mắc bệnh trong hồ bơi. Các căn bệnh vùng kín không chỉ gây ra những khó chịu tức thời mà về lâu dài còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Bệnh về tóc: Các hóa chất dùng để khử trùng, làm sạch nước sẽ làm tóc bạn trở nên thô xơ và cứng, thậm chí là rụng tóc sau một thời gian đi bơi. Khi bơi bạn nên dùng mũ Nilon bảo vệ tóc để tránh cho tóc và da đầu tiếp xúc với những chất độc hại này.
Dùng mũ bơi để bảo vệ tóc và tai. Ảnh minh họa |
16 lưu ý khi đi bơi để đảm bảo an toàn:
1. Tắm rửa sạch sẽ trước khi bơi.
2. Chọn hồ bơi không quá đông người, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Quan sát nước hồ bơi trong nhìn thấy đáy, ít rong rêu hoặc lá cây, không có mùi vị lạ.
3. Nên chọn huấn luyện viên hướng dẫn bơi bài bản ngay từ đầu để tránh những thói quen sai có hại cho sức khỏe.
4. Trẻ dưới 5 tuổi, mỗi lần xuống nước không nên ngâm lâu quá 30 phút, trên 5 tuổi chỉ nên bơi dưới 60 phút.
Nên chọn huấn luyện viên hướng dẫn bơi bài bản cho trẻ. Ảnh minh họa |
5. Cha mẹ hoặc người hướng dẫn cần giám sát trẻ thường xuyên khi trẻ bơi nhằm phát hiện sớm tai nạn xảy ra.
6. Chọn thời điểm đi bơi lúc nhiệt độ ngoài trời không quá cao. Tránh bơi vào các giờ nóng gắt như cuối buổi sáng, buổi trưa và đầu buổi chiều.
7. Nên thoa kem chống nắng.
8. Không nên ăn no hoặc để bụng đói quá khi xuống hồ bơi.
9. Tránh để nước ở bể bơi xâm nhập vào miệng.
11. Nên vận động từ 10 đến 15 phút trước khi xuống hồ bơi.
12. Hạn chế tối đa việc thuê quần áo bơi để sử dụng. Đeo kính và nón bơi để hạn chế lây nhiễm bệnh.
Cần trang bị kính bơi để bảo vệ mắt cho trẻ. Ảnh minh họa |
13. Nên bơi trong thời lượng vừa sức, nhớ uống nước đầy đủ.
14. Không nên đi bơi nếu bạn bị tiêu chảy, vì như thế dễ truyền bệnh cho người khác.
15. Khi lên bờ tắm rửa sạch sẽ ngay với xà bông, rửa mắt, mũi, tai với nước muối sinh lý vô trùng, lau khô tai, xúc miệng với nước muối.
16. Khi phát hiện dấu hiệu lạ sau khi bơi, nên đến khám bác sĩ.
Cách nhận biết bể bơi an toàn - Để đảm bảo vệ sinh nên chọn hồ có lắp hệ thống lọc nước tự động 24/24. Các chất xử lý làm sạch nước hồ cũng được liên tục điều tiết qua hệ thống tự động này. Nếu bể bơi có mùi clo gây sốc đặc trưng, khiến bạn cảm thấy khó chịu khi ngửi thấy thì có nghĩa là nước trong bể đã không được xử lý tốt. - Khi màu nước trong tự nhiên, nhìn thấy rõ đáy bể, có màu xanh vừa phải, không có vẩn đục hay vật thể lạ là bể bơi đạt tiêu chuẩn. Nếu bể có màu xanh bất thường (khác với màu trời) thì cần chú ý. - Con người cũng là 1 trong những tác nhân khiến bể bơi nhiễm “độc”. Vì vậy, nếu số lượng người xuống bể bơi quá đông, máy lọc nước tại bể sẽ không thể lọc kịp để loại bỏ các độc tố. |
Hoa Lê
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN