Tân chủ nhân Nhà Xanh: Nhà hoạt động tích cực và ủng hộ người nghèo

10/05/2017 09:52

(Baonghean.vn) - Moon Jae-in, ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ vừa đắc cử Tổng thống Hàn Quốc sau cuộc bỏ phiếu 9/5, thường được biết đến như một nhà hoạt động hơn là một chính khách.

Moon Jae-in, tân Tổng thống Hàn Quốc cùng vợ là bà Kim Jung-sook. Ảnh: Reuters
Moon Jae-in, tân Tổng thống Hàn Quốc cùng vợ là bà Kim Jung-sook. Ảnh: Reuters

Dù đã có gần 10 năm làm việc tại những cơ quan quyền lực nhất của chính phủ Hàn Quốc và các hoạt động chính trị, hình ảnh của ông Moon chưa từng gắn với những thỏa thuận ngầm, thái độ kiêu căng độc đoán và những mối quan hệ không mấy minh bạch với giới doanh nhân - vốn thường là đặc trưng của các nhà lãnh đạo chính trị xứ kim chi.

Tuy nhiên, từng giữ cương vị một nhà hoạt động cấp tiến và phụ tá chính cho một tổng thống theo chủ nghĩa tự do, ông Moon vẫn vấp phải những nghi ngờ từ phe bảo thủ về mức độ tín nhiệm dành cho ông trên vai trò lãnh đạo chèo lái đất nước vượt qua những thách thức gây thoái chí nản lòng như sự trì trệ kinh tế và các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Là ứng viên tổng thống đại diện cho đảng lớn nhất của Hàn Quốc sau khi giành chiến thắng áp đảo 4 vòng bầu cử sơ bộ, người từng là nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và luật sư bảo vệ nhân quyền trong những cuộc thăm dò trước cuộc bỏ phiếu quyết định ngày 9/5 luôn là cái tên được yêu mến nhất.

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo tại Geoje - hòn đảo nhỏ cách Seoul chừng 420 km về phía Nam, thuộc tỉnh Nam Gyeongsang. Trong gần 2 thập niên trước khi tham gia hoạt động chính trị, Moon làm việc cùng cố Tổng thống Roh với vai trò luật sư nhân quyền. Moon tốt nghiệp Đại học Kyunghee ở Seoul và vượt qua kỳ thi công chức năm 1980.

Vị chính khách 64 tuổi và nay là tân chủ nhân Nhà Xanh lần đầu xuất hiện trước công chúng năm 2002 với vai trò thành viên chủ chốt trong chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên tổng thống lúc bấy giờ Roh Moo-hyun.

Sau khi ông Roh đắc cử, ông Moon giữ vị trí thư ký cấp cao từ năm 2005-2006 và chánh văn phòng năm 2007-2008. Sau gần 4 năm ít xuất hiện, ông đã tham gia các hoạt động chính trị năm 2012, khi được bầu làm đại biểu Quốc hội tại Busan, thành phố lớn thứ 2 đất nước, tuy nằm gần quê nhà của ông nhưng thường được xem là thành trì truyền thống của phe bảo thủ.

Sau đó, ông tiếp tục trở thành đại diện phe đối lập chính thời ấy là đảng Đoàn kết dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Ông để thua trước bà Park Geun-hye - khi đó đang lãnh đạo đảng Saenuri. Sau khi bà Park bị luận tội hồi tháng 12, đảng này phân tách thành đảng Hàn Quốc tự do và Đảng Bareun.

Trong lần thứ 2 thử vận may với chiếc ghế tổng thống, Moon đối diện với các đối thủ nặng ký từ 2 đảng bảo thủ trên - Hong Joon-pyo đảng Hàn Quốc tự do và Yoo Seong-min đảng Bareun.

Ông Moon trong một bài phát biểu vận động tranh cử. Ảnh: Yonhap
Ông Moon trong một bài phát biểu vận động tranh cử. Ảnh: Yonhap

Dù dẫn đầu trong nhiều cuộc thăm dò dư luận, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ vẫn phải đối diện với vô vàn chướng ngại trên con đường đến với vị trí cao nhất chính phủ.

Moon dành phần lớn những năm đại học tham gia phong trào sinh viên phản đối nền độc tài của tổng thống Park Chung-hee - người cha của nữ Tổng thống vừa bị hất cẳng. Ông Moon từng bị bắt năm 1975 và 1980 vì tội tổ chức biểu tình ủng hộ dân chủ, và đây là một trong những điều đối thủ bảo thủ “đào xới” để chỉ trích ông là kẻ cấp tiến.

Bên cạnh đó, việc ông nỗ lực thúc đẩy hàn gắn với Triều Tiên và không chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng thường trở thành chủ đề chỉ trích của giới chính khách cánh tả.

Những người thân cận lại kể rằng ông Moon dành phần lớn thời gian để đấu tranh, nhưng là đấu tranh cho những người nghèo và yếu thế trong xã hội, những người mà phúc lợi của họ cần trở thành ưu tiên của chính phủ kế nhiệm trong bối cảnh bất bình đẳng kinh tế và xã hội đang tăng lên phá hoại tăng trưởng tương lai và hòa nhập xã hội của đất nước.

Thu Giang

(Theo Yonhap)

TIN LIÊN QUAN