Không đeo rọ mõm cho chó nơi công cộng bị phạt 800 nghìn đồng
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đang được Bộ Tư pháp thẩm định, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Người dân ám ảnh với những chú chó không được rọ mõm khi ra đường như thế này (Ảnh: Trọng Trinh) |
Theo báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 119/2013 của Chính phủ về lĩnh vực thú y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn ngành thú y đã phát hiện và xử lý được tổng số trên 17.600 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y với số tiền phạt thu được là 43,5 tỷ đồng; trong đó vi phạm về lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh động vật có 1.642 vụ, vi phạm lĩnh vực kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật 9.641 vụ, vi phạm về lĩnh vực kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y 5.000 vụ, vi phạm về quản lý thuốc thú y 1.042 vụ,…
Những chế tài xử phạt của Nghị định 119/2013 đã giúp nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh cho động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc thú y được bảo đảm nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số hành vi vi phạm mới phát sinh chưa được quy định trong nghị định này.
Nhiều hành vi có mức phạt thấp không bảo đảm tính răn đe, không phát huy hiệu lực, hiệu quả của xử phạt vi phạm hành chính đã gây nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Chính vì thế, việc xây dựng và ban hành một nghị định riêng về lĩnh vực thú y là phù hợp và đồng bộ nhằm triển khai có hiệu quả Luật thú y mới được Quốc hội ban hành, bảo đảm hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về thú y trên mọi mặt của đời sống xã hội cũng như đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Không tiêm phòng dại cho chó phạt 600 - 800 nghìn đồng
Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo, cơ quan chức năng sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500 nghìn đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.
Phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Trước đó, vào tháng 10/2016, UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu lực lượng chức năng đề nghị người dân phải thực hiện nghiêm quy định của thành phố, đó là mang chó đến nơi công cộng, quanh khu phố đi bộ là phải rọ mõm. Nếu người dân vẫn mang chó không rọ mõm đến phố đi bộ quanh Hồ Gươm và khu vực phụ cận thì lực lượng công an, tự quản và lực lượng thú y sẽ kiên quyết không cho vào.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định trên đề xuất phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Khai báo không đúng số lượng, khối lượng động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật nhiễm bệnh phải tiêu hủy với mục đích trục lợi; Khai báo không đúng số lượng, khối lượng vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh động vật với mục đích trục lợi; Cung cấp thông tin không chính xác về dịch bệnh động vật cho UBND cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc nhân viên thú y cấp xã.
Bên cạnh đó sẽ phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh đã công bố và sản phẩm của chúng qua vùng có dịch bệnh động vật mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch. Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với hành vi mua bán, tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận tiêm phòng cho động vật; 6-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch bệnh động vật; chăn nuôi gia súc, gia cầm, ấp nở trứng gia cầm hoặc buôn bán gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép./.
Theo Dantri
TIN LIÊN QUAN |
---|