Nghệ An có 4 xã, 25 thôn bản ra khỏi chương trình 135

20/04/2017 14:25

(Baonghean.vn) - Mặc dù nguồn đầu tư, hỗ trợ để giảm nghèo lớn, nhưng chỉ có 4 xã, 25 thôn bản ra khỏi chương trình 135 giai đoạn 2011- 2016 , song ngược lại danh sách số xã thuộc chương trình 135 lại được tiếp tục bổ sung thêm 1. Điều này đặt ra trăn trở về các giải pháp để giảm nghèo bền vững?

Đó là vấn đề được đặt ra tại cuộc làm việc của Thường trực HĐND tỉnh với Ban Dân tộc sáng 20/4 theo kế hoạch giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu, Chương trình hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ cầm bám sát các được Đại hội
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện một số sở, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Theo báo cáo của đồng chí Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Vùng miền núi, dân tộc chiếm trên 83% diện tích với 41% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 15,3%. Toàn vùng có 101 xã khu vực III, 59 xã khu vực II, 92 xã khu vực I với 1.163 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đến thời điểm này, chương trình 135 đã được thực hiện qua 4 giai đoạn, tạo chuyển biến tích cực về diện mạo và đời sống của người dân vùng miền núi, dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tính riêng, giai đoạn III (2011 - 2015), ở các địa bàn thụ hưởng chương trình đã được hỗ trợ trên 666 tỷ đồng để xây dựng các công trình. Cụ thể có 75 công trình thủy lợi được xây dựng mới và nhiều công trình thủ lợi xuống cấp được cải tạo, nâng cấp; 806 km đường giao thông mới và 496 công trình giao thông liên thôn, bản; 151 công trình trường học; 11 công trình điện; 249 nhà sinh hoạt cộng đồng...

Đồng chí Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Đồng chí Lương Thanh Hải - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Năm 2016, Nghệ An có 1 xã ra và 1 xã được bổ sung vào danh sách được hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Ảnh: Mai Hoa

Việc hỗ trợ đảm bảo sinh kế, giảm nghèo cho người dân được triển khai như: tập huấn khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình; mua trang thiết bị phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí gần 115 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo ở 172 xã được hưởng chương trình 135 giảm từ 50,22% (theo chuẩn cũ năm 2010) xuống còn 36,93% (theo chuẩn mới năm 2015).

Tuy nhiên, tại cuộc làm việc, hai bên đã trao đổi về những tồn tại, hạn chế, bất cập đang đặt ra trong thực tiễn. Đưa ra một số ví dụ, bà Nguyễn Thị Lan, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, cho rằng, việc hỗ trợ của các ngành và địa phương đối với một số mô hình giảm nghèo chưa được tập trung; có mô hình tồn tại chỉ do tự phát của gia đình. Việc hỗ trợ mua máy cày sản xuất đối với điều kiện đất đai manh mún ở vùng miền núi, dân tộc chưa phát huy hiệu quả. Đó còn là hạn chế trong việc xây dựng, nhân rộng mô hình và hỗ trợ một số cây, con chưa phù hợp khí hậu, đất đai thổ nhưỡng để phát huy hiệu quả.

Còn bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh và ông Nguyễn Đức Thành - Trưởng ban Dân chủ - Phát luật, UBMTTQ tỉnh, nêu vấn đề liên quan đến chất lượng, hiệu quả các công trình được hỗ trợ đầu tư ở vùng miền núi, dân tộc chưa cao, đặt ra vấn đề vai trò tham gia của người dân vào các công trình xây dựng cũng như vai trò giám sát đầu tư cộng đồng...

Đoàn giám sat của Thường trực HĐND tỉnh tìm hiểu mô hình kinh tế tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tìm hiểu mô hình kinh tế tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận tại cuộc làm việc, bên cạnh khẳng định hiệu quả việc triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo cũng như ghi nhận sự tham gia của Ban Dân tộc tỉnh trong công tác này, đồng chí Lê Hồng Vinh nhấn mạnh: Để giảm nghèo bền vững, điều quan tâm nhất đó là vai trò của các cơ quan chức năng từ việc ban hành các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp, thiết thực và phối hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đặc biệt, đối với chính quyền các địa phương cũng cần phải thay đổi tư duy, nhận thức để quyết tâm đưa địa phương thoát nghèo, tránh tình trạng trông chờ ỷ lại không chỉ trong nhân dân mà kể cả trong cán bộ để hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư. Chú trọng đánh giá, phân loại hộ nghèo chính xác; làm rõ nghèo do thiếu lao động, nghèo do thiếu vốn và kiến thức sản xuất, nghèo do lười lao động, nghèo do mắc tệ nạn xã hội...; từ đó có tác động cụ thể, phù hợp, tránh cào bằng, chung chung, không hiệu quả.

Cũng theo đồng chí Lê Hồng Vinh: Muốn giảm nghèo bền vững thì cần đầu tư các công trình, tuy nhiên cần thay đổi cung cách triển khai, trong đó việc lựa chọn hạng mục đầu tư, thẩm định thiết kế phải đặc biệt quan tâm để các công trình đầu tư phát huy hiệu quả; quan tâm công tác tập huấn, chuyển giao KHKT sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững./.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN