Các đời tổng thống Hàn Quốc dính bê bối

03/04/2017 09:35

(Baonghean.vn) - Trong lịch sử Hàn Quốc, nhiều tổng thống dính vào bê bối ở gần cuối nhiệm kỳ hay sau khi rời nhiệm sở, dẫn đến các cáo buộc tham nhũng hay tệ hơn là đảo chính, tự tử.

1. Syngman Rhee (1948-1960)

 Ảnh: AP.
Ảnh: AP.

Với sự trợ giúp của Mỹ, ông Rhee là người đưa Hàn Quốc thoát khỏi sự đô hộ của Nhật và trở thành tổng thống lập quốc của nước này vào năm 1948. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ông dần trở thành nhà độc tài và bị cáo buộc tham nhũng, ưu đãi người nhà…

Năm 1960, ông giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ tư nhưng lại bị tố cáo gian lận phiếu bầu quy mô lớn. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc của sinh viên buộc ông Rhee phải trốn tới Hawaii và qua đời ở đây năm 1965.

2. Park Chung-hee (1961-1979)

Ảnh: ABC News.
Ảnh: ABC News.

Là một Thiếu tướng quân đội, ông Park đã lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 1961, chấm dứt một giai đoạn ngắn của quyền lực nhân dân sau khi ông Rhee từ chức.

Ông Park, cha của bà Park Geun-hye, nổi tiếng với các chính sách công nghiệp thành công, tạo ra một thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Nhưng cũng có nhiều người nhớ đến ông vì các vụ bắt bớ, tra tấn và thủ tiêu. Ông đã bị ám sát bởi chính giám đốc tình báo của mình vào năm 1979.

3. Chun Doo-hwan (1980-1988)

 Ảnh: AP.
Ảnh: AP.

Trung tướng Chun và những người bạn nối khố của ông trong quân đội đã đưa xe tăng và binh lính vào Seoul để tiếm quyền trong một cuộc đảo chính tháng 12/1979, chấm dứt chính phủ tự trị của quyền Tổng thống Choi Kyu-hah sau cái chết của ông Park. Nhiều tháng sau đó, tướng Chun đã dàn xếp để mình đắc cử Tổng thống.

Năm 1987, hàng loạt cuộc biểu tình đã buộc ông chấp nhận sửa đổi hiến pháp để tiến hành bầu cử tổng thống trực tiếp. Sau khi hết nhiệm kỳ, ông Chun đã sống 2 năm trong một ngôi chùa hẻo lánh trong bối cảnh nhiều lời kêu gọi trừng phạt ông vì tham nhũng và lạm quyền.

4. Roh Tae-woo (1988-1993)

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Vốn là bạn thân của ông Chun và là người kế nhiệm được chọn lọc kỹ lưỡng, ông Roh đắc cử năm 1987 nhờ những lá phiếu chia rẽ trong phe đối lập.

Cả ông Chun và Roh bị bắt cuối năm 1995 vì các cáo buộc thu hàng trăm triệu USD từ các doanh nhân trong thời gian tại vị. Họ cũng bị kết tội nổi loạn và phản quốc liên quan đến cuộc đảo chính của ông Chun và vụ trấn áp đẫm máu năm 1980 làm hàng trăm người thiệt mạng tại Gwangju.

Tháng 4/1996, tòa đã ra phán quyết án tử hình đối với ông Chun và kết án ông Roh 17 năm tù. Cả hai đã được ân xá năm 1997.

5. Kim Young-sam (1993-1998)

Ảnh: Getty
Ảnh: Getty

Chiến thắng trong bầu cử của ông Kim đã chính thức chấm dứt chính quyền quân sự. Ban đầu, ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng vì những nỗ lực đầy tham vọng chống tham nhũng và việc bắt giữ ông Chun và ông Roh. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông đã sụt giảm mạnh khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990.

Cuộc khủng hoảng đã tác động mạnh tới nền kinh tế Hàn Quốc, khiến một số tập đoàn lớn nợ đọng và buộc chính phủ phải chấp nhận gói cứu trợ trị giá 58 tỷ USD từ IMF. Những người chỉ trích cho rằng Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn vì ông Kim không biết cách chèo lái nền kinh tế. Ông đã rời nhiệm sở trong một vụ bê bối tham nhũng, khiến ông bị bắt giữ và phải ngồi tù.

6. Kim Dae-jung (1998-2003)

 Ảnh: Like Success.
Ảnh: Like Success.

Từng là phần tử đối lập bị một tòa án binh kết án tử hình dưới thời Tổng thống Chun, ông Kim đã leo lên chiếc ghế Tổng thống và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chưa từng thấy với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il năm 2000.

Nhưng 3 năm sau đó, ông đã rời nhiệm sở trong cảnh uy tín bị hoen ố bởi các bê bối tham nhũng liên quan đến các trợ lý và cả ba người con trai của ông cũng như các khoản tiền mặt gây tranh cãi trị giá hàng trăm triệu USD, được cho là gửi sang Triều Tiên trước khi hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra.

7. Roh Moo-hyun (2003-2008)

 Ảnh: Knowhow.
Ảnh: Knowhow.

Ông Roh đã thoát chết vào năm 2009, một năm sau khi rời Nhà Xanh, trong bối cảnh đối mặt với cáo buộc các thành viên gia đình ông nhận hối lộ 6 triệu USD từ một doanh nhân. Anh trai của ông đã bị kết án 2,5 năm tù giam vào năm 2009 vì giao bán quyền lực, dù sau đó đã được ân xá.

Năm 2004, ông bị Quốc hội bỏ phiếu luận tội vì các cáo buộc không đủ năng lực lãnh đạo và vi phạm luật bầu cử, nhưng Tòa án hiến pháp đã phục chức cho ông 2 tháng sau đó, nói rằng các cáo buộc trên chưa đủ để phế truất ông.

Lee Myung-bak (2008-2013)

Ảnh: Getty.
Ảnh: Getty.

Chiến thắng của ông Lee đã chấm dứt một thập kỷ phe tự do lãnh đạo theo hướng xích lại gần hơn với Triều Tiên, và phản ánh hy vọng của cử tri rằng cựu CEO của tập đoàn Hyundai sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang khủng hoảng. Nhưng sự ủng hộ dành cho ông đã sụt giảm chính vì những lời hứa hẹn về kinh tế đã không được thực hiện, kèm theo đó là một loạt bê bối tham nhũng.

Đến cuối nhiệm kỳ, ông Lee chứng kiến cảnh con trai duy nhất của mình và anh trai bị cáo buộc có bất thường trong việc góp quỹ xây nhà riêng cho ông Lee. Một người anh khác của ông đã bị bắt vì nhận hối lộ từ các ngân hàng và phải chịu án tù giam 14 tháng.

Kim Ngọc

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN