UBND tỉnh Nghệ An đánh giá hiệu quả sử dụng đất

21/04/2017 11:38

(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An đánh giá hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn. Qua rà soát có 3 nhóm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng cần có những giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng. Đó là một trong những nội dung quan trọng trong cuộc họp đánh giá kinh tế - xã hội tháng 4 của UBND tỉnh.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh Nguyên Sơn
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh Nguyên Sơn

Ngày 21/4, đồng chí Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4; nghe và cho ý kiến về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đánh giá về tình hình sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An và một số vấn đề đáng quan tâm. Dự cuộc họp có đồng chí Hoàng Viết Đường – Phó chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh: Lê Minh Thông - Ủy viên BTV tỉnh ủy; Huỳnh Thanh Điền, Đinh Viết Hồng; Lê Ngọc Hoa cùng lãnh đạo các Sở, ngành.

Báo cáo do Sở KH&ĐT trình bày cho thấy tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên địa bàn Nghệ An trong tháng 4 có những bước tăng trưởng khá:

Tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng vụ Xuân ước đạt 192.518,4 ha, tăng 1,48% cùng kỳ năm ngoái; ngành nông nghiệp tích cực cùng nông dân tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đối phó với hạn hán; chăn nuôi tăng trưởng đều, riêng đàn lợn giảm gần 1%.

Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 4 ước đạt 2.286 ha, tăng 2,1% cùng kỳ; lũy kế 4 tháng ước đạt 18.369 ha, tăng 0,37% cùng kỳ năm ngoái. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác kiểm dịch giống, không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 7,57% so với cùng kỳ. Các sở, ngành cùng các địa phương cũng tích cực triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Nhiều diện tích vụ đông trên đất hai lúa phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều diện tích đất hai lúa được chuyển đổi, phát huy hiệu quả kinh tế cao. Ảnh tư liệu

Sau ý kiến phát biểu của các sở, ngành, đồng chí Nguyễn Xuân Đường giao cho ngành Nông nghiệp đôn đốc công tác phòng chống hạn, đảm bảo ổn định sản xuất; dồn điền đổi thửa; PCCR; ngành Công nghiệp cần đôn đốc các lĩnh vực sản xuất, tăng giá trị; các sở ngành cùng phối hợp thu hồi dự án chậm tiến độ; chăm lo công tác an toàn thực phẩm, an ninh trật tự; các địa phương tập trung giải tỏa hành lang ATGT; khai thác trái phép cát trên sông lam; tăng cường công tác quản lý khai thác, kinh doanh khoáng sản; Tập trung tốt khai thác mũi nhọn kinh tế dịch vụ du lịch; cùng đó các cấp ngành tích cực xây dựng, ứng dụng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.

Cuộc họp dành nhiều thời gian đánh giá sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, qua ra soát có 3 nhóm chính: Nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Diện tích đất được phân bổ theo 9 đối tượng sử dụng và 3 đối tượng được giao quản lý. Nhóm đất nông nghiệp 1.461.634 ha, chiếm 88,68% diện tích tự nhiên; Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 68,99 triệu đồng (bình quân chung của cả nước là 82,6 triệu/ha); Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 2.687.468 triệu đồng, giá trị thu nhập trên 1ha rừng trồng đạt 7-8 triệu đồng/ha/năm. Nhóm đất phi nông nghiệp 132.833 ha, chiếm 8,06 % diện tích tự nhiên và nhóm đất chưa sử dụng 53.689 ha, chiếm 3,26% diện tích tự nhiên.

Việc chuyển đổi đất lâm nghiệp do các công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, hiệu quả sản xuất chưa cao. Ảnh tư liệu
Việc chuyển đổi đất lâm nghiệp do các công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, hiệu quả sản xuất chưa cao. Ảnh tư liệu

Tại cuộc họp nhiều ý kiến đề xuất đánh giá cụ thể về việc sử dụng đất trong các công ty TNHH MTV lâm trường, tổng đội thanh niên xung phong và rà soát thu hồi đất các dự án đầu tư chậm triển khai, đồng thời kiểm tra việc sử dụng đất trong chỉnh trang, phát triển đô thị gắn với khai thác quỹ đất.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tham mưu để cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại nền sản xuất nông nghiệp đảm bảo các yêu cầu về an ninh lương thực, gia tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao; công nghệ sạch. Tập trung hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, từ đó có giải pháp sát đúng cho từng loại đất, tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

UBND tỉnh cũng cho ý kiến dự thảo kế hoạch đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo báo cáo từ năm 2007 đến nay trên địa bàn tỉnh có 29 dự án đã, đang thực hiện và đang lập hồ sơ chủ trương đầu tư, tổng kinh phí 10.007 tỷ đồng; trong đó mới có 7 dự án hoạt động.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc họp. Ảnh Nguyên Sơn
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc họp. Ảnh Nguyên Sơn

Để tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút nguồn vốn từ hình thức đối tác công tư đạt mức 5% - 10% tổng huy động nguồn đầu tư xã hội (Tương đương 20.000 – 40.000 tỷ đồng) giai đoạn 2017 – 2020, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, phát huy tốt hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở KH&ĐT chủ trì để cùng các ngành, địa phương có những giải pháp triển khai hiệu quả nhất. Theo dự tính, đến năm 2020, trên địa bàn Nghệ An có khoảng 98 danh mục dự án với tổng vốn đầu tư 57.523 tỷ đồng.

Trong sáng ngày 21/4, UBND tỉnh cũng thông qua báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện đề án số 06-ĐA/TƯ ngày 11/12/2006 của BTV Tỉnh ủy về "Công tác đấu tranh vào bảo vệ nhân quyền trên địa bàn Nghệ An".

» Nghệ An: Thu hơn 969 tỷ đồng tiền sử dụng đất từ các dự án bất động sản

Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN