Ưu tiên nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo

13/05/2017 12:08

(Baonghean) - Đến đầu tháng 4/2017, dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Nghệ An đối với 14 chương trình là 7.000 tỷ đồng với hàng chục nghìn hộ được tiếp cận vốn. Nhờ giải ngân vốn kịp thời, đúng đối tượng đã giúp nhiều hộ có điều kiện đầu tư sản xuất, chăn nuôi, từng bước cải thiện thu nhập nâng cao đời sống.

Phát huy hiệu quả đồng vốn

Được sự dẫn đường của anh Ngô Xuân An – Tổ trưởng tổ vay vốn xóm 1, xã Hưng Mỹ, Hưng Nguyên, chúng tôi tìm đến gia đình ông Ngô Xuân Sửu – hộ nghèo trong xóm. Năm 2015, ông Sửu được vay 30 triệu đồng để chăn nuôi và làm chuồng trại. Từ nguồn vốn này gia đình ông mua trâu, chăn nuôi gà, lợn phát triển kinh tế gia đình. Ông Sửu cho biết: Được vay vốn chính sách và các ngành, địa phương tư vấn, hỗ trợ kiến thức chăn nuôi, trồng trọt đã tiếp thêm động lực để gia đình tôi sản xuất hiệu quả, trả được nợ 13 triệu đồng. Với đà này gia đình hy vọng sẽ tích cóp để trả nợ và nhân rộng đàn gà, trâu, nhanh chóng thoát nghèo.

Còn hộ chị Nguyễn Thị Hạnh ở cùng xóm thì được vay 12 triệu đồng (năm 2016 ) để đầu tư hệ thống nước sạch và nhà vệ sinh. Chị Hạnh cho biết, trước đây chưa xây bể nước sạch gia đình phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Năm 2016 từ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội huyện, gia đình đầu tư đường ống, xây bể, lắp đặt máy lọc, làm nhà vệ sinh. Nhờ nguồn nước đảm bảo vệ sinh nên chúng tôi yên tâm sử dụng, sức khoẻ tốt hơn, nhà cửa sạch sẽ...

Người nghèo vay vốn chăn nuôi bò. Ảnh: Thu Huyền
Hộ nghèo huyện Nam Đàn vay vốn ngân hàng chính sách để chăn nuôi bò. Ảnh: Thu Huyền

Anh Lê Quang Hiếu – Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Hưng Nguyên cho biết: Năm 2016, Ngân hàng CSXH Hưng Nguyên đã có 2.792 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển nông nghiệp nông thôn và giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình có sinh viên theo học tại các trường chuyên nghiệp. Số hộ đã cải thiện được cuộc sống và thoát nghèo trên địa bàn là 502 hộ. Có 78 gia đình có điều kiện phát triển kinh tế trang trại thu hút lao động từ nguồn vốn giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho 78 lao động. Có 1.363 lượt hộ gia đình sinh sống tại vùng nông thôn được vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt tiêu chuẩn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho 61 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở, xây dựng được 13 căn nhà mới, sửa chữa nâng cấp 48 căn nhà.

Với thủ tục cho vay đơn giản, mạng lưới rộng khắp kết hợp với hướng dẫn sử dụng vốn vay phù hợp khả năng và điều kiện của hộ vay, nguồn vốn ngân hàng chính sách đã thay đổi cuộc sống của nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ở huyện Diễn Châu, năm 2016 có 175 tỷ đồng cho 6.170 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Riêng 4 tháng đầu năm cho 2.621 lượt khách hàng thuộc đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền hơn 82 tỷ đồng. Một số chương trình có dư nợ lớn như cho vay ưu đãi hộ nghèo theo Nghị định 78/2002 hơn 139 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo hơn 159 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo gần 55 tỷ đồng; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn gần 62 tỷ đồng...

Anh Lâm Quân – Giám đốc phòng Giao dịch huyện Diễn Châu cho biết: Các đối tượng chính sách trên địa bàn chủ yếu vay vốn để chăn nuôi bò, sản xuất nông nghiệp; một số vùng biển như Diễn Hùng, Diễn Vạn, Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Trung mua sắm ngư cụ để đánh bắt hải sản. Theo số liệu của huyện Diễn Châu thì hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 5,3% năm 2016 còn 3,6% trong quý I/2017. Như vậy, hộ nghèo ngày càng được thu hẹp, nhưng nhờ nguồn vốn linh hoạt, được điều chuyển trong các chương trình nên tạo thuận lợi cho các đối tượng chính sách khác được đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế hộ, ổn định cuộc sống.

Tích cực giải ngân nguồn vốn

Nhờ tranh thủ nguồn vốn cấp từ Trung ương, đồng thời đẩy mạnh huy động vốn tại địa phương vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao nên thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và phục vụ nhu cầu thiết yếu về đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Một số chương trình có doanh số cho vay lớn trong quý I/217.Biểu đồ tỷ lệ phân bổ nguồn vốn đến đầu tháng 4/2017.   Đồ họa: Trần Hải
Một số chương trình có doanh số cho vay lớn trong quý I/217 và tỷ lệ phân bổ nguồn vốn đến đầu tháng 4/2017. Đồ họa: Trần Hải

Anh Trần Khắc Hùng – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Thời gian qua, ngân hàng đã tham mưu cho ban đại diện HĐQT tỉnh kịp thời phân bổ nguồn vốn được Trung ương chuyển đến tận cơ sở. Nhờ đó, công tác tổ chức giải ngân các chương trình tín dụng được đẩy mạnh, không để tồn đọng gây lãng phí vốn. Riêng quý I/2017, nguồn vốn tăng trưởng mới được chuyển về là 310 tỷ đồng và chúng tôi đã hoàn thành giải ngân cho vay đối với chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ Trung ương giao trước ngày 31/3, đưa doanh số cho vay quý I đạt 699 tỷ đồng, bằng 136% so với cùng kỳ năm trước.

Trong các chương trình tín dụng, chúng tôi ưu tiên nguồn vốn cho hộ nghèo. Hiện nay, một số chương trình có doanh số cho vay lớn là: cho vay hộ cận nghèo 261 tỷ đồng, hộ nghèo 152 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 131 tỷ đồng, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 78 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 39 tỷ đồng, học sinh sinh viên 27 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 214 tỷ đồng so với đầu năm, tăng 3,2%, hoàn thành 100% kế hoạch giao đến thời điểm hiện tại.

Song song với công tác giải ngân cho vay, tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm tra kiểm toán nội bộ cũng như hoạt động giao dịch tại xã. Đến nay, 100% điểm giao dịch xã trên toàn tỉnh đã hoàn thiện chỉnh trang; máy móc, thiết bị được bố trí đầy đủ đáp ứng tốt yêu cầu công việc; việc chấp hành quy trình nghiệp vụ của cán bộ tổ giao dịch tiếp tục được theo dõi, giám sát một cách chặt chẽ.

Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể nhận ủy thác tích cực chỉ đạo, thực hiện tốt công tác bình xét cho vay đảm bảo kịp thời, công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Đồng thời, hướng dẫn các hồ sơ, thủ tục cho người vay để được nhận tiền vay một cách chu đáo, thuận lợi, kịp thời. Trong quý I doanh số giải ngân vốn ủy thác là 697,3 tỷ đồng, bằng 137% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, doanh số cho vay của các tổ chức: Hội Liên hiệp phụ nữ là 250,9 tỷ đồng, của Hội Nông dân là 218 tỷ đồng, của Hội Cựu chiến binh là 131,5 tỷ đồng và của Đoàn thanh niên là 96,8 tỷ đồng. Qua kiểm tra, các cấp hội nhận định, đánh giá nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được quản lý chặt chẽ; công tác bình xét, giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng, người vay sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả đồng vốn.

Tuy nhiên, để vốn vay chính sách tiếp tục đóng vai trò là nguồn lực quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác đối với các đơn vị cơ sở; quan tâm kiểm tra việc sử dụng vốn vay để yêu cầu các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ tổ chức hội, cán bộ Ban quản lý Tổ TK&VV xâm tiêu, vay ké, thu phí. Thường xuyên quan tâm công tác kiện toàn, chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; chỉ đạo hội cấp xã thực hiện nghiêm túc việc tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV để chỉ đạo, giám sát việc bình xét vay vốn.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN