Vì sao tân Tổng thống Pháp vội vã thăm Đức?
(Baonghean) - Chưa đầy 24 giờ sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Pháp Manuel Macron có chuyến công du chính thức đầu tiên với đích đến truyền thống là Đức. Khác với những người tiền nhiệm chuyến công du đến Đức của ông Macron mang nhiều ý nghĩa và biểu tượng quan trọng.
Tổng thống Pháp M. Macron nhấn mạnh thúc đẩy quan hệ Pháp - Đức là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông. Ảnh AFP |
“Bộ đôi” mới lãnh đạo EU
Đức dường như đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong đời sống chính trị Pháp. Kể từ năm 1963 khi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đặt bút ký Hiệp ước Elysée, hợp tác Đức - Pháp đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia và phát triển thành động lực của sự hợp nhất châu Âu.
Mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo Pháp - Đức những năm gần đây đã cho thấy mức độ của sự hợp tác giữa hai quốc gia này đến đâu. Nếu như dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, sự thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức khiến dư luận gọi họ bằng cái tên “Merkozy” thì đến thời Tổng thống Francois Hollande, sự thân thiết đó vẫn không đổi với cặp đôi lãnh đạo mới “Merkhollande”.
Những bộ đôi lãnh đạo này không chỉ là biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước mà của cả châu Âu. Họ đã ghi dấu ấn cho sự hợp tác bằng việc “chung sức” giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro cũng như trong cuộc chiến chống khủng bố mà cả châu Âu đang phải đối mặt.
Giới quan sát nhìn nhận, việc ông Emmanuel Macron đắc cử cũng không làm thay đổi nhiều mối quan hệ Pháp - Đức. Chỉ có điều, vấn đề nổi cộm nhất của châu Âu hiện nay không chỉ có tăng trưởng kinh tế hay thắt chặt an ninh mà chính là sự thống nhất và đoàn kết trong khối.
Thủ tướng Merkel chia sẻ với cựu Tổng thống Pháp F. Hollande về vụ khủng bố ở Paris năm 2015. Ảnh: Getty |
Sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (hay còn gọi là Brexit) cùng sự nổi lên của phong trào dân túy lan rộng khắp châu Âu, giờ đây nhiệm vụ nặng nề nhất cho các quốc gia “đầu tàu” trong EU như Đức và Pháp là tái tạo nền tảng mới cho khối liên minh này, cải cách để EU không rơi vào tình cảnh tan rã như những gì người ta lo ngại thời gian qua.
Mặc dù chính sách đối ngoại của ông Macron vẫn là một ẩn số nhưng chắc chắn thúc đẩy quan hệ với Đức là ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo này. Còn nhớ, trong bài phát tại Đại học Humboldt ở thủ đô Berlin, Đức hôm 10/1 trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đã khẳng định ưu tiên của mình là khôi phục niềm tin trong quan hệ Pháp - Đức để từ đó có thể đưa thâm hụt công lần đầu tiên trong 10 năm xuống dưới ngưỡng 3% GDP, phục hồi việc làm thông qua cải cách thị trường lao động.
Về phía Đức, Thủ tướng Merkel cũng thực sự “thở phào” khi ông Macron giành chiến thắng và ca ngợi ông “sẽ là một Tổng thống giỏi”. Nữ Thủ tướng cũng khẳng định Berlin “sẽ làm mọi việc không chỉ để ủng hộ Pháp mà còn cùng với Pháp định hình đường hướng châu Âu”.
Có thể thấy, nhiệm vụ lớn nhất phía trước của “cặp đôi” Merkel - Macron sẽ là tái khởi động dự án châu Âu. Vì thế, chuyến công du đầu tiên của tân Tổng thống Pháp không chỉ chính thức kích hoạt bộ đôi lãnh đạo EU trong thời gian tới mà còn đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án quan trọng mà cả Pháp và Đức là những thành viên chủ chốt.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Sarkozy từng là bộ đôi ăn ý. Ảnh CNN |
Những khác biệt…
Dù những màn chào hỏi xã giao ban đầu với một số tín hiệu đồng thuận được phát đi từ bộ đôi lãnh đạo Đức-Pháp, song trong mối quan hệ lãnh đạo mới này, đang xuất hiện rõ những “gót chân Asin” cần được tính đến và giải quyết khéo léo. Thậm chí giới quan sát nhận định, lãnh đạo Pháp và Đức có những tham vọng về hội nhập châu Âu rất khác nhau.
Ông Macron ủng hộ hội nhập châu Âu theo đúng quan điểm truyền thống của người Pháp. Ông muốn một EU gắn kết sâu sắc hơn, cụ thể là có những chính sách tài chính thống nhất và chặt chẽ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đã nêu lên ý tưởng về việc EU thành lập một bộ chuyên trách vấn đề ngân sách chung.
Về phía Đức, nước này cũng ủng hộ hội nhập châu Âu, song lại muốn mở rộng liên minh này thay vì làm cho các mối quan hệ sẵn có trở nên sâu sắc hơn. Mục tiêu của Đức là đưa hòa bình và thịnh vượng của khối tới khắp khu vực nhất là về phía Đông Âu, hơn là cùng Pháp xây dựng một châu Âu “liên bang” như kiểu Mỹ.
Những khác biệt cơ bản này được nhận định có thể khiến những cải cách cơ cấu tại Pháp mà ông Macron hứa hẹn cùng những gì bà Merkel kêu gọi khó có thể diễn ra như đã định. Điều này càng khiến cho mục tiêu cải cách chính sách của EU đối mặt với nhiều rủi ro chính trị hơn.
Nếu bà Merkel phản đối các đề xuất của ông Macron, bà sẽ đẩy nhà lãnh đạo Pháp vào tình thế khó xử và tăng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tại Pháp. Song nếu bà nhượng bộ thì chính bà sẽ là người đẩy những quan điểm và tư tưởng hội nhập châu Âu đi theo hướng khác. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schäuble đã không ngần ngại cho rằng về mặt chính trị những ý tưởng của ông Macron về cải cách khu vực đồng euro là “phi thực tế”.
Ngoài ra, theo những gì được thể hiện trong chiến dịch tranh cử, ông Macron luôn muốn “cặp bài trùng” Pháp - Đức “phải cân đối”. Nghĩa là vai trò của Pháp phải tương đương với nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức trong mọi vấn đề của châu Âu. Điều này nhiều khả năng sẽ gây ra sự xung đột và cạnh tranh giữa hai quốc gia này.
Tuy vậy, phải khẳng định rằng, tình hữu nghị Pháp - Đức chắc chắn sẽ tiếp tục được gìn giữ dưới thời Tổng thống Macron, bởi thực tế cả hai nước có thể gặp nhau ở nhiều điểm chung, từ hợp tác an ninh, kinh tế cho đến những thách thức không nhỏ như khủng bố hay vấn đề người nhập cư hiện nay. Tất cả những gì lãnh đạo hai nước phải thực hiện là tránh để những khác biệt khiến cho bộ đôi Pháp - Đức “đường ai nấy đi” trong một liên minh đang rất cần sự gắn kết và thống nhất./.
Thanh Huyền
TIN LIÊN QUAN |
---|