Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Cơ chế 'xin – cho' làm phát sinh tham nhũng từng giờ
(Baonghean.vn)- Theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, tình trạng 'xin - cho', là biểu hiện ra bên ngoài của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Về bản chất, đây là cơ chế tập trung quyền lực to lớn vào Nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh tư liệu. |
Phóng viên: Theo ông, vì đâu ở nước ta có tình trạng “xin - cho”, cơ chế “xin - cho”, và đến nay vì sao nó đang là vấn nạn khó ngăn chặn, đẩy lùi?
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Tình trạng “xin-cho” là biểu hiện ra bên ngoài của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Về bản chất, đây là cơ chế tập trung quyền lực to lớn vào Nhà nước và vào cấp trung ương. Khi quyền lực đã tập trung vào một nơi, thì nơi đó có quyền cho, và những nơi khác bắt buộc phải đi xin. Quyền lực của người cho là vô hạn độ, của người xin là rất nhỏ bé - “bắt ở trần, phải ở trần. Cho may ô, mới được phần may ô”.
Kể từ khi đổi mới, nước ta đã từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Tuy nhiên, đây là một công việc khó khăn. Một mặt, do những ràng buộc về tư tưởng, mặt khác do sự thiếu hụt về kiến thức xây dựng thể chế và kinh nghiệm thực tế, chúng ta chưa khắc phục được hoàn toàn cơ chế nói trên. Đây cũng là lý do giải thích tại sao tình trạng “xin-cho” vẫn còn. Ngoài ra, cũng phải thấy rằng cơ chế “xin- cho” mang lại lợi ích to lớn cho các cơ quan quản lý, chính vì thế khi dự thảo các văn bản pháp luật, các cơ quan này thường tìm mọi cách để cài cắm quyền lực của mình vào.
Về mặt lý thuyết, nếu chúng ta phân quyền cho địa phương nhiều hơn thì địa phương sẽ ít phải xin hơn; nếu chúng ta dành quyền cho người dân nhiều hơn thì người dân sẽ ít phải xin hơn. Như vậy hoạt động lập pháp là rất quan trọng ở đây. Nếu văn bản pháp luật nào cũng đòi hỏi người dân phải xin phép, thì cơ chế “xin-cho” chỉ càng ngày càng được củng cố mà thôi. Ngoài ra, khi đã dành cho cơ quan nhà nước nào đó quyền cấp phép, thì các nhà lập pháp đồng thời phải thiết kế được một cơ chế giám sát chặt chẽ và hiệu quả việc thực thi quyền này.
Cuối cùng, cũng phải thấy rằng nếu quyền ban hành chính sách, pháp luật vẫn thuộc về Nhà nước, quyền phân bổ ngân sách và các nguồn lực khác vẫn thuộc về Nhà nước, thì cơ chế “xin - cho” vẫn sẽ không bao giờ bị xóa bỏ hoàn toàn. Trong điều kiện như vậy, quan trọng là trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước phải được xác lập và vận hành trên thực tế; quy trình ban hành quyết định phải minh bạch tối đa và người dân, các chủ thể có liên quan phải được tham gia đóng ý kiến trong quá trình ban hành quyết định.
Cảnh chen chúc mua bán hàng hóa ở quầy mậu dịch thời bao cấp. Ảnh tư liệu. |
Phóng viên: Ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về những tác hại, ảnh hưởng của vấn nạn “xin – cho”?
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Tác hại của cơ chế “xin-cho” rất lớn.
Trước hết, nó rất dễ làm tha hóa hệ thống. Càng lắm “xin - cho” càng dễ xảy ra tham nhũng và tiêu cực. Hệ thống khuyến khích kể cả “xin” và “cho” đều từng ngày, từng giờ làm phát sinh tham nhũng.
Hai là, nó làm cho các chi phí của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí tài chính, chí phí thời gian và chi phí cơ hội tăng cao. Mà như vậy thì công ăn, việc làm trở nên khó khăn, tốn kém. Năng lực cạnh tranh của đất nước bị ảnh hưởng nặng nề.
Ba là, nó vô hiệu hóa khả năng xác lập ưu tiên của các địa phương. Cái cần chưa chắc đã xin được, cái xin được chưa chắc đã cần. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự lãng phí rất lớn các nguồn lực của đất nước.
Trao đổi với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chống tham nhũng phải kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày. Ảnh Internet. |
Phóng viên: Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để triệt tận gốc vấn nạn "xin cho"?
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Như đã phân tích ở trên, phân quyền cho địa phương sẽ giảm “xin-cho” giữa Trung ương và địa phương. Thực ra, Hiến pháp đã khẳng định là: thẩm quyền phải được phân định giữa các cấp chính quyền. Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có vẻ chưa thành công trong công việc phân định nói trên.
Bị cáo Phạm Công Danh - cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng dính vào đại án tham nhũng hàng trăm tỉ đồng. Ảnh Internet. |
Phi hành chính hóa đời sống dân sự sẽ giảm nhu cầu của người dân và doanh nghiệp phải xin phép chính quyền. Hiến pháp đã quy định các quyền tự do, quyền con người chỉ có thể hạn chế trong 4 trường hợp: 1. Vì quốc phòng, an ninh; 2. Vì trật tự, an toàn xã hội; 3.Vì đạo đức xã hội; 4. Vì sức khỏe cộng đồng, và chỉ có thể bị hạn chế bằng luật. Tuân thủ các quy định của Hiến pháp nghĩa dành quyền tự do cho người dân nhiều hơn và người dân sẽ ít phải xin phép hơn.
Trong những lĩnh vực mà các cơ quan Nhà nước vẫn có quyền điều chỉnh hoặc phân bổ thì phải áp đặt những điều sau:
1. Áp đặt chế độ trách nhiệm giải trình. Cho ai, không cho ai thì phải giải trình được. Không giải trình được thì phải bị mất chức.
2. Quy trình ban hành quyết định phải minh bạch.
3. Bảo đảm sự tham gia thực chất của người dân và các đối tượng bị điều chỉnh vào quá trình ban hành quyết định.
4. Xác lập một cơ chế giám sát chặt chẽ, hiệu quả đối các cơ quan nhà nước có quyền cấp phép, có quyền phân bổ các nguồn lực.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng về cuộc trao đổi này!
Ngô Kiên (Thực hiện)