Tăng viện phí từ ngày 1/6/2017: Người dân cần sớm tham gia bảo hiểm y tế
(Baonghean) - Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT, từ ngày 1/6/2017, hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT sẽ chính thức được áp dụng giá viện phí mới.
Nhiều băn khoăn, lo lắng
Từ mấy tháng nay, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, chị Nguyễn Thị Liên (Nghi Lộc) lại đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh để chạy thận. Nhớ lại thời gian đầu khi nghe tin mình đã bị suy thận ở giai đoạn 3B, chị Liên dường như suy sụp hoàn toàn vì bệnh hiểm nghèo, chi phí chữa bệnh quá lớn so với thu nhập của gia đình. Chị tâm sự: “Tôi là mẹ đơn thân nuôi 1 con nhỏ. Khi chưa biết bệnh tình, tôi làm thuê cho các nhà hàng, quán ăn, đi nấu ăn ở các đám cưới…, thu nhập mỗi tháng khoảng 3 - 4 triệu đồng, nhưng sau khi nhập viện rồi thì phải nghỉ hẳn vì không đủ sức khoẻ để làm việc.
Không có BHYT, chi phí chạy thận mỗi tháng lên đến 7,8 triệu đồng, chưa kể đến việc đi lại, ăn nghỉ, thuốc men kèm theo. Gắng gượng được mấy tháng nay, còn tiếp theo đây thì mờ mịt lắm. Tôi đang tính cầm cố nhà cửa để lo được lúc nào hay lúc ấy, chỉ thương con còn quá nhỏ…” Đồng cảnh ngộ với chị Liên, ở nhiều khoa, phòng của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đều có những người đang ngày ngày chống chọi với bệnh tật, gồng gánh chi phí chữa bệnh cao vì không có BHYT trợ lực.
Bệnh nhân điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Phước Anh |
Trò chuyện với các bệnh nhân không có BHYT đang điều trị tại một số bệnh viện lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh về việc tăng giá viện phí đối với đối tượng không có BHYT từ ngày 1/6/2017, họ cho biết đã biết đến thông tin này và cảm thấy rất băn khoăn, lo lắng.
Theo quy định mới, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa là giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2- 4 lần so với giá hiện tại. Mức tăng này sẽ là gánh nặng đáng kể với người bệnh không có BHYT phải điều trị nội trú dài ngày.
Tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện, bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày. Ngoài ra, với 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá, mặc dù mức tăng chủ yếu vào khoảng 20 - 30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao. Không ít người đặt câu hỏi, tại sao lại tăng giá viện phí đối với đối tượng không có BHYT, trong khi những đối tượng này chủ yếu là người lao động tự do, nông dân… có hoàn cảnh khó khăn?
“Phao cứu sinh” BHYT
Giải đáp băn khoăn của người dân, ông Phan Duy Cường - Phó Trưởng phòng Giám định BHYT, BHXH tỉnh Nghệ An cho biết, lâu nay, nhiều người vẫn không biết rằng, người chưa tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn đang được trả mức giá thấp hơn so với những người có thẻ BHYT, bởi giá dịch vụ y tế dành cho người chưa có thẻ BHYT chỉ mới kết cấu 3 yếu tố chi phí trực tiếp: Chi phí thuốc, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế phục vụ khám chữa bệnh; Chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; Chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ.
Trong khi đó, năm qua, quỹ BHYT phải chi trả phần lớn chi phí thay cho những người khám, chữa bệnh BHYT với mức giá kết cấu cả tiền lương, phụ cấp theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Vì vậy, việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2017/TT-BYT điều chỉnh giá hơn 1.900 dịch vụ y tế là tất yếu, nhằm mục đích mang lại sự công bằng cho tất cả mọi người.
Hướng dẫn cho người dân làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Ảnh: Thúy Hiền |
Trên thực tế, việc tăng giá này đã có lộ trình, kế hoạch rõ ràng, công tác tuyên truyền đi trước một bước chứ không phải ban hành một cách đột ngột. Trong năm 2016, Bộ Y tế đã điều chỉnh giá viện phí từ tháng 3 với những đối tượng có thẻ BHYT, và thông tin đến năm 2017 sẽ điều chỉnh giá viện phí với người chưa có thẻ BHYT. Khoảng thời gian cách biệt này là để giúp cho những người chưa tham gia BHYT có sự chuẩn bị về tâm lý, nâng cao hiểu biết và nhận thức được tầm quan trọng của BHYT, từ đó thúc đẩy tham gia BHYT để được bảo hộ về quyền lợi khi khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho mọi người dân đều có thể tham gia BHYT, chính sách BHYT ngày càng có nhiều ưu đãi. Việc mua BHYT được tiến hành theo hộ gia đình, theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP thì: "Mức đóng của tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất".
Với việc tăng mức lương cơ bản từ 1/7/2017 lên 1,3 triệu đồng/tháng, giá mua bảo hiểm y tế năm 2017 cho hộ gia đình là 702.000 đồng/ năm đối với người thứ nhất và giảm lần lượt theo quy định nêu trên. Như vậy, có thể thấy số tiền tham gia BHYT không phải là quá lớn, trong khi lợi ích mang lại rất cao. Bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí, tuỳ theo từng đối tượng thụ hưởng, giảm gánh lo âu trong quá trình khám, chữa bệnh.
Thực hiện Thông tư 02/2017/TT-BYT, Sở Y tế Nghệ An đang tích cực xây dựng khung giá khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước trong tỉnh. Ông Hoàng Văn Hảo - Quyền Giám đốc Sở Y tế cho biết, dự kiến đến tháng 7/2017 sẽ hoàn thành, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh thông qua, sau đó các cơ sở y tế sẽ tiến hành thu viện phí theo khung giá mới.
Được biết, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương phân bổ ngân sách, huy động nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo; chỉ đạo các bệnh viện sử dụng phần chênh lệch thu - chi để hỗ trợ khám, chữa bệnh giúp các trường hợp khó khăn chi trả viện phí.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến quý I/2017, toàn tỉnh có hơn 2,4 triệu thẻ BHYT, chiếm khoảng 82% dân số, khoảng 18% còn lại là những đối tượng chưa tham gia BHYT hầu hết là lao động tự do hoặc nông dân không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số… |
Phước Anh
TIN LIÊN QUAN |
---|