Quản lý chặt việc tận thu cát, sỏi lòng sông Nậm Mộ

16/05/2017 15:00

(Baonghean) - Hiện nhu cầu cát sỏi để xây dựng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn rất lớn song do chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác nên giá vận chuyển mà người dân và tổ chức phải trả cao hơn nhiều lần.

Do nhu cầu bức thiết trong xây dựng, năm 2015, UBND huyện Kỳ Sơn từng cho phép một HTX được khai thác tận thu cát sỏi tại một khu vực sông Nậm Mộ đoạn qua xã Tà Cạ. Đơn vị tổ chức khai thác cát sỏi tại lòng sông Nậm Mộ là HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu. Để được khai thác, năm 2015, đơn vị này đã làm đơn “xin khai thác tận thu cát sỏi lòng sông” gửi UBND huyện Kỳ Sơn.

Đơn có nêu: Bằng kinh nghiệm cho thấy, lượng cát sỏi lòng sông thuộc địa bàn các xã Tà Cạ, Hữu Kiệm và Chiêu Lưu có khối lượng lớn, có thể cung cấp đủ cho nhu cầu xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Cát sỏi lòng sông phân bổ rải rác theo tuyến sông, không hình thành mỏ. HTX chúng tôi nhận thấy việc tận thu cát sỏi là việc làm thiết thực để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại địa phương và giảm thiểu việc phá rừng làm nương rẫy…”.

Thuyền hút cát của HTX nông nghiệp – cát sỏi Bình Lưu. Ảnh: Hà Giang
Thuyền hút cát của HTX nông nghiệp – cát sỏi Bình Lưu. Ảnh: Hà Giang

Trước đơn và hồ sơ của HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu, ngày 13/11/2015, tại Công văn số 925/UBND-TNMT, UBND huyện Kỳ Sơn cho phép đơn vị này được khai thác cát sỏi lòng sông Nậm Mộ tại địa bàn bản Nhân Lý, bản Cánh (xã Tà Cạ) và bản Hòm (xã Hữu Kiệm). Thời gian khai thác trong 3 năm (tính từ ngày phát hành Công văn số 925); quy mô khai thác bằng máy hút công suất nhỏ; hình thức khai thác là dùng máy hút tìm kiếm tận dụng khai thác cát sỏi tích tụ tự nhiên không thành mỏ.

Tại Công văn 925, UBND huyện Kỳ Sơn yêu cầu Hợp tác xã nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước, quy ước của địa phương; không làm ảnh hưởng đến môi trường, công trình công cộng, trật tự an ninh khu vực; đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Có được sự chấp thuận của huyện Kỳ Sơn, HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu đã đồng thời tổ chức khai thác cát sỏi và đặt bến bãi kinh doanh tại bản Cánh, xã Tà Cạ.

Đến tháng 3/2017, trước phản ánh của báo chí, huyện Kỳ Sơn đã tổ chức kiểm tra, xác định việc khai thác là vi phạm pháp luật, bởi HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu không đảm bảo các yêu cầu về thủ tục hồ sơ pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Bên cạnh đó, việc huyện Kỳ Sơn, thời điểm tháng 11/2015 cho phép HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu khai thác tận thu cát sỏi là chưa đúng thẩm quyền.

Vì vậy, sau khi kiểm tra, UBND huyện Kỳ Sơn đã đình chỉ hoạt động khai thác cát sỏi của HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu. Đồng thời vào ngày 28/4/2017, huyện Kỳ Sơn đã ban hành Quyết định 149/QĐ-UBND về việc hủy bỏ Công văn số 925/UBND-TNMT ngày 13/11/2015 bởi lý do: “Nội dung công văn ban hành trái thẩm quyền theo quy định của pháp luật cho phép HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu khai thác cát tại bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn”.

Trao đổi về sự việc đồng ý cho HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu khai thác cát, theo một lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, nguyên nhân là bởi nhu cầu bức thiết về cát sỏi trong xây dựng hạ tầng, công trình của địa phương và người dân. Trong những năm vừa qua, Kỳ Sơn được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các tổ chức đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng; bên cạnh đó, đang thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xây dựng hạ tầng đường giao thông nông thôn nên nhu cầu cát sỏi khá lớn.

Tuy nhiên, nếu phải mua cát sỏi ở miền xuôi, giá thành xây dựng đội lên rất cao, làm tăng suất đầu tư của công trình và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân. Chính vì vậy, căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 81 của Luật Khoáng sản, huyện Kỳ Sơn đã giao cho HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu được tận thu cát sỏi.

Bến bãi kinh doanh cát của HTX nông nghiệp- cát sỏi Bình Lưu tại bản Cánh, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn). Ảnh: Hà Giang
Bến bãi kinh doanh cát của HTX nông nghiệp- cát sỏi Bình Lưu tại bản Cánh, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn). Ảnh: Hà Giang

Để đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, từ tháng 6/2016, huyện Kỳ Sơn có Công văn 504 về việc xin chấp thuận tận thu cát, sỏi lòng hồ thủy điện gửi UBND tỉnh và Sở TN&MT. Trong công văn có báo cáo tình hình thực tế của địa phương và việc huyện đã giao HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu tận thu cát sỏi, để qua đó được UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho Kỳ Sơn được tận thu cát sỏi.

Vị lãnh đạo huyện cũng cho hay, thời gian vừa qua, bên cạnh việc đình chỉ cấm hoạt động khai thác của HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu, huyện Kỳ Sơn tiếp tục có văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh và Sở TN&MT về việc xin chấp thuận tận thu cát, sỏi lòng hồ thủy điện.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Toản - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT cho hay, sở đã nhận được công văn của huyện Kỳ Sơn. “Huyện Kỳ Sơn có đặc điểm tương đồng như các huyện vùng cao, đó là có nguồn cát, sỏi tích tụ ở lòng sông; tuy nhiên, trữ lượng ít và phân bố rải rác, không đủ điều kiện để cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định.

Trong khi đó, việc tận thu khoáng sản cát, sỏi lòng sông ở Kỳ Sơn rất dễ dẫn đến việc ảnh hưởng các công trình hạ tầng, đường giao thông… Vì vậy, dù kiến nghị của huyện Kỳ Sơn là một thực tế cần xem xét, nhưng Sở TN&MT sẽ phải phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra xác định trước khi tham mưu cho UBND tỉnh”, ông Toản khẳng định.

Từ thực tế tại huyện Kỳ Sơn thấy rằng là huyện vùng cao biên giới nên ở địa phương này, kinh phí vận chuyển cát sỏi hết sức đắt đỏ. Nếu là cát, sỏi được khai thác ở tại địa phương thì giá trị một m3 cát, sỏi đến chân công trình vào khoảng từ 80.000 - 100.000 đồng. Trong khi nếu mua cát từ huyện Tương Dương chuyển lên, là khoảng 400.000 - 500.000 đồng/m3; với cát, sỏi từ Tân Kỳ, Đô Lương… chuyển lên thì giá còn cao hơn nhiều lần.

Chính vì vậy, sau khi HTX nông nghiệp - cát sỏi Bình Lưu bị đình chỉ cấm hoạt động thì các tổ chức và hộ gia đình có nhu cầu xây dựng rất lo lắng. Tuy nhiên, cạnh bờ sông Nậm Mộ là hệ thống đường giao thông, hoặc các công trình công cộng, khu dân cư… nên việc xem xét cho phép khai thác tận thu cát sỏi cần hết sức cẩn trọng.

Ông Trần Văn Toản trao đổi: “Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản đã có những quy định mới, giải quyết được những khó khăn trong vấn đề quản lý, khai thác khoáng sản ở địa phương cơ sở. Đối với vấn đề khai thác cát sỏi ở Kỳ Sơn, theo Nghị định 158, UBND tỉnh có đủ thẩm quyền để xem xét cho phép được thu hồi cát trong phạm vi các dự án xây dựng công trình. Tuy nhiên, sẽ phải kiểm tra, xác định cụ thể từng vị trí có thể cho phép khai thác. Bên cạnh đó, địa phương này phải có biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng khai thác trái phép dẫn đến những hệ lụy…”.

Hà Giang

TIN LIÊN QUAN