Những xứ đạo bình yên

09/05/2017 09:36

(Baonghean)- Trái ngược với những hình ảnh vi phạm pháp luật tại giáo xứ Phú Yên (xã An Hòa, Quỳnh Lưu), hầu hết những xóm đạo khách đều bình yên, người dân lương giáo đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no.

» Thưa cha Đặng Hữu Nam, chúng con đã quá mệt mỏi rồi!

» Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị xử lý hành vi vi phạm của linh mục Đặng Hữu Nam

Lương - Giáo đoàn kết

Khi những tiếng chuông nhà thờ vang lên trong buổi sáng yên bình, người dân bắt đầu nhịp sống mới, trên những con thuyền vừa cập bến, cả trên những cánh đồng lúa đang sắp độ vào mùa gặt. Đó là những cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến thôn Thọ Đồng, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) vào một ngày đầu tháng 5.

Nhà thờ của giáo họ Văn Trường ở thôn Thọ Đồng được xây dựng từ năm 1890, hiện giáo họ có 35 hộ với hơn 140 nhân khẩu. Là địa bàn nằm giáp ranh với huyện Diễn Châu và 2 xã có đông đồng bào theo đạo khác là Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, xóm đạo nơi đây vẫn bình yên như chưa hề biết đến những biến động liên quan đến hành vi phạm pháp của giáo dân vùng lân cận trong những ngày gần đây.

Bà con giáo dân xã Hồng Long (huyện Nam Đàn) ký cam kết thực hiện xây dựng mô hình xóm không có tội phạm và tệ nạn xã hội
Bà con giáo dân xã Hồng Long (huyện Nam Đàn) ký cam kết thực hiện xây dựng mô hình xóm không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Ảnh: Phương Thảo

Ông Hoàng Văn Quang - Trưởng Công an xã Quỳnh Thọ cho biết: “Ở đây bà con lương - giáo rất đoàn kết. Thôn Thọ Đồng có đồng bào theo đạo được triển khai xây dựng trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từ năm 2010. Từ đó đến nay, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở giáo họ này đạt được nhiều kết quả nổi bật”.

Bà con thôn Thọ Đồng phát triển kinh tế chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Sau sự cố môi trường biển xảy ra vào đầu năm 2016, bà con rất hoang mang và lo lắng; tuy nhiên, không ai có các hành vi chống đối chính quyền hay vi phạm pháp luật. Đến nay, bà con hoàn toàn yên tâm vươn khơi bám biển, đầu tư đóng mới 2 chiếc thuyền lớn trị giá trên 2 tỷ đồng để phục vụ đánh bắt.

Được thành lập vào năm 1887, Bảo Nham là một trong những giáo xứ được thành lập sớm nhất trong giáo phận
Nhà thờ đá Bảo Nham (xã Bảo Thành, huyện Yên Thành). Ảnh tư liệu.

Không những vậy, bà con giáo họ còn rất đồng lòng thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước. 100% bà con giáo dân góp tiền, góp công xây dựng đường làng, ngõ xóm; đặc biệt 5 năm liền không có giáo dân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có trẻ em bỏ học, an ninh trật tự luôn được đảm bảo.

Để đạt được kết quả đó, theo ông Nguyễn Xuân Tuyến - Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo họ Văn Trường: “Tại các buổi lễ cầu nguyện, chúng tôi tuyên truyền cho bà con trong họ giáo không làm hại người khác, không vi phạm pháp luật, nâng cao cảnh giác bảo vệ tài sản cho gia đình và xã hội.

Nhất là việc phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Ban cán sự thôn, tổ hòa giải, giải quyết kịp thời mâu thuẫn nhỏ trong bà con, thấu tình đạt lý. Hội đồng mục vụ còn phối hợp với Ban cán sự thôn, tổ an ninh duy trì trực tuần tra vào ban đêm, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm. Giáo họ có 2 tổ tự quản, qua tuần tra đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời đối tượng đến địa bàn trộm cắp tài sản, nhắc nhở giải tán một số tụ điểm thanh niên ngồi tụ tập uống rượu bia trên đường đi.

Ông Tuyến kể lại sự việc ngày 13/12/2014, giữa một số bà con giáo dân và các ông Hồ Ngọc Thoa, Hồ Ngọc Hậu (thôn Thọ Thắng) có xích mích tại bãi biển nuôi ngao. Ngay khi biết tin, ông Tuyến đã cùng các thành viên trong Hội đồng mục vụ và Ban công an xã kịp thời có mặt làm ổn định tình hình, không gây chia rẽ đoàn kết lương - giáo.

Trẻ em giáo họ Thượng Nậm (xã Hồng Long, huyện Nam Đàn) biểu diễn tiết mục về chủ quyền biển đảo. Ảnh: P.T
Trẻ em giáo họ Thượng Nậm (xã Hồng Long, huyện Nam Đàn) biểu diễn tiết mục về chủ quyền biển đảo. Ảnh: Phương Thảo

Có dịp ghé qua xã Hồng Long (Nam Đàn) – nơi vừa ra đời mô hình “Nhân dân xóm 4 vùng giáo xã Hồng Long đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”, có thể cảm nhận được đầy đủ khí thế lao động hăng say, sự bình yên và đoàn kết của bà con lương - giáo. Lễ ra mắt mô hình vừa được tổ chức vào ngày 1/4 vừa qua, được xem là hạt nhân trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của xã Hồng Long nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung. Bà con giáo họ Thượng Nậm cùng nhân dân xóm 4, xã Hồng Long đã cùng ký cam kết thực hiện xây dựng mô hình, phấn đấu trên 80% số hộ đạt tiêu chuẩn tự quản tốt về ANTT.

Ông Nguyễn Phạm Hữu Hồng – Chủ tịch UBND xã Hồng Long cho biết, từ lâu, chính quyền và Ban hành giáo họ Thượng Nậm đã quan tâm gây dựng mối đoàn kết lương - giáo, cùng nhau đảm bảo ANTT trên địa bàn. Tổ trưởng tổ đọc kinh của giáo họ cũng đồng thời được phân công là tổ trưởng tổ liên gia tự quản, vì thế, tại các buổi đọc kinh ở nhà thờ, những chủ trương đường lối của Nhà nước cũng được lồng ghép để tuyên truyền cho bà con giáo dân.

Việc làm này đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất rất cao. Linh mục quản xứ cùng hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ và chính quyền xã hợp tác vận động giáo dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định về sinh hoạt tôn giáo, giáo dân thực hiện kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo.

Chung sức xây dựng cuộc sống bình yên

Những xóm đạo bình yên như ở Hồng Long và Quỳnh Thọ là những điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở Nghệ An. Phong trào này được nhân rộng ở nhiều địa phương khác như “Họ giáo không có tội phạm và tệ nạn xã hội” ở xã Nghĩa Thuận (TX. Thái Hòa), “Phong trào toàn diện” ở xã giáo Nam Lộc (Nam Đàn), “Xứ họ đạo bình yên, chung tay xây dựng nông thôn mới” ở xứ Cồn Cả (Nghĩa Đàn)…

Đến nay, toàn tỉnh đã có 398 ban tự quản, 3.164 tổ tự quản ở vùng giáo với hàng chục ngàn giáo dân tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở. Các ban tự quản, tổ tự quản, mô hình tiên tiến đã góp phần giải quyết, hòa giải phần lớn các vụ việc mâu thuẫn, vi phạm nhỏ ngay tại cộng đồng dân cư.

Linh mục quản xứ Hội Yên, xã Nghi Văn (Nghi Lộc) vận động người dân giao nộp vũ khí tự chế cho lực lượng chức năng. Ảnh: Nhật Tuấn
Linh mục quản xứ Hội Yên, xã Nghi Văn (Nghi Lộc) vận động người dân giao nộp vũ khí tự chế cho lực lượng chức năng. (Ảnh tư liệu)

Đại úy Nguyễn Khắc Hùng – Đội trưởng Đội hướng dẫn phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ xã, phường, thị trấn (Phòng PV28, Công an tỉnh) cho biết, với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng các mô hình, lực lượng Công an tỉnh luôn phải bám sát cơ sở, nắm bắt đặc thù từng địa bàn để có định hướng phát triển mô hình phù hợp.

Quá trình thực hiện cho thấy đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện và nâng cao; nhiều xứ, họ đạo đã trở thành điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự. Đây là một trong những kết quả nổi bật trong việc thực hiện Chỉ thị 09/CTBCA-V28 ngày 19/8/2014 của Bộ Công an và Chỉ thị 172/CTUBND-NC của UBND tỉnh về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong vùng đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện các thế lực thù địch đang đẩy mạnh lợi dụng tôn giáo chống phá Nhà nước, gây rối tình hình, việc ổn định an ninh trật tự, đặc biệt ở các vùng đồng bào có đạo càng trở nên đặc biệt quan trọng. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể có lúc, có nơi chưa đồng bộ và chặt chẽ nên chưa tạo được sức lôi cuốn quần chúng tín đồ tôn giáo tham gia; ảnh hưởng đến chất lượng và chiều sâu của phong trào.

Vì thế, bên cạnh việc ngăn ngừa, xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi kích động, lợi dụng tình hình gây chia rẽ đoàn kết lương - giáo; cũng cần thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp vận động quần chúng giáo dân với những nội dung thiết thực, phù hợp với từng vùng, từng địa bàn, trong từng thời gian, tạo động lực khích lệ đồng bào tự giác, tích cực tham gia.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN