(Baonghean.vn) - Ngoài Trận Phước Long - trận đánh trinh sát chiến lược, Chiến dịch mùa xuân 1975 với tên gọi là "Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam" (4/1 - 30/4/1975) gồm ba chiến dịch lớn liên tiếp nhau: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh.
|
Chiến dịch đường 14-Phước Long là trận đụng độ quân sự lớn giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa diễn ra trên địa bàn tỉnh Phước Long, kết quả là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiến thắng và chiếm được Phước Long. Ảnh: Sơ đồ chiến dịch đường 14-Phước Long (Nguồn: wikipedia.org) |
|
Tuy không nằm trong chiến dịch Tây Nguyên nhưng trận Phước Long (từ đêm 13/12/1974 đến 6/1/1975) có ý nghĩa như một trận đánh trinh sát chiến lược, thử sức đối với hai bên cũng như thăm dò phản ứng của quốc tế, nhất là của Hoa Kỳ để mở đầu cho những diễn biến tiếp theo của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đưa đến sự sụp đổ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ảnh: Chiến sĩ QĐ 4 cắm cờ "Quyết chiến Quyết thắng" trên Dinh Tỉnh trưởng Phước Long lúc 10 giờ 30 phút ngày 6/1/1975. (Nguồn: Internet) |
|
Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 3/4/1975), mật danh Chiến dịch 275, là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 do Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phát động tấn công. Với cuộc tiến công của phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 10/3/1975 vào Buôn Ma Thuột, cánh Nam của Quân đoàn II, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã bị sụp đổ. Ảnh: Sơ đồ Chiến dịch Tây Nguyên. (Nguồn: Infonet.vn) |
|
Cùng với những sai lầm có tính chiến lược trong phương án và cách thức điều quân, phối trí lại lực lượng của các cấp chỉ huy QLVNCH mà đứng đầu là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chiến dịch này đã tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của QLVNCH tại miền Nam Việt Nam chỉ trong 55 ngày mùa xuân năm 1975, dẫn đến sự chấm dứt Chiến tranh Việt Nam (1954-1975) và tái thống nhất Việt Nam sau 21 năm bị chia cắt. Ảnh: Bộ đội hành quân diệt địch trong chiến dịch Tây Nguyên (Nguồn tư liệu TTXVN) |
|
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng bắt đầu từ ngày 5/3 đến 29/3/1975 sau khi chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu được một ngày. Chiến dịch bao gồm ba chiến dịch nhỏ hơn được tiến hành gối nhau về thời gian: Chiến dịch Trị Thiên 1975, Chiến dịch Nam-Ngãi và Chiến dịch Đà Nẵng. Ảnh: Sơ đồ hướng tiến công của bộ đội ta vào Huế và Đà Nẵng. (Nguồn htv.com.vn) |
|
Giống như ở Tây Nguyên, sự can thiệp của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với chiến lược "cố thủ" mới của ông ta cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến việc Quân khu I thất thủ. Kết quả của chiến dịch này là Quân đoàn I Quân lực Việt Nam Cộng hoà phải rút bỏ Quân khu I. Quân đoàn II phải bỏ lại toàn bộ địa bàn ven biển miền Trung Trung bộ. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam có thời cơ để đẩy nhanh sự tan rã của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà. Ảnh: Xe tăng quân giải phóng tiến vào TP Đà Nẵng (Nguồn htv.com.vn) |
|
Chiến dịch Hồ Chí Minh, tên nguyên thủy là Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, là chiến dịch cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và cũng là chiến dịch cuối cùng của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Lược đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh (Nguồn tnxp.hochiminhcity.gov.vn) |
|
Đây cũng là chiến dịch quân sự có thời gian diễn biến ngắn nhất trong Chiến tranh Việt Nam (từ 26/4 - 30/4/1975, tại Sài Gòn) và kéo theo các cuộc nổi dậy vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long trong hai ngày 1 và 2 tháng 5. Chiến dịch này dẫn đến kết quả là chấm dứt hoàn toàn sự chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam sau 21 năm, đưa đến việc thống nhất xã hội, chế độ chính trị, dân cư và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng lãnh hải, vùng trời và một số hải đảo. Ảnh: Xe tăng 390 húc đổ cánh cánh Dinh Độc Lập (Nguồn: wikipedia.org) |
Hoa Lê
(Tổng hợp)