Mặc 'áo giáp' cho xe tăng

04/05/2017 08:31

Với hỏa lực mạnh và khả năng tiêu diệt lớn nhưng trong tác chiến xe tăng luôn là một trong những mục tiêu bị đối phương triệt hạ đầu tiên.

Để bảo vệ xe tăng trước các loại đạn xuyên lõm chống tăng, các kỹ sư quân sự Việt Nam đã chế tạo thành công giáp phản ứng nổ “mặc” bên ngoài bảo vệ xe tăng.

Lữ đoàn xe tăng 201 trong một lần huấn luyện. Ảnh: XUÂN THỦY
Lữ đoàn xe tăng 201 trong một lần huấn luyện. Ảnh: XUÂN THỦY

Chinh phục hàng loạt thách thức

Thiếu tá Nguyễn Vũ Hùng (trưởng phòng thiết kế công nghệ và ứng dụng vật liệu nổ của Viện Thuốc phóng - thuốc nổ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) cho biết trong tác chiến, xe tăng là một trong những vũ khí có hỏa lực mạnh, khả năng tiêu diệt đối phương lớn.

Cho nên đó cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu mà đối phương muốn tiêu diệt đầu tiên nhằm triệt hạ sức mạnh của địch. Trên thế giới người ta đã chế tạo các loại đạn xuyên lõm chống tăng rất hiện đại như B41, B41M, PG-9...

“Từ rất lâu chúng tôi đã ấp ủ việc chế tạo được giáp phản ứng nổ “mặc” bên ngoài xe tăng, che phủ các vị trí dễ bị tiêu diệt, vô hiệu hóa các loại đạn bắn vào xe tăng. Mất một thời gian dài nhóm mới nghiên cứu chế tạo thành công giáp phản ứng nổ bảo vệ xe tăng” - thiếu tá Hùng nói.

Mục tiêu hàng đầu với nhóm chuyên gia, kỹ sư của Viện Thuốc phóng - thuốc nổ là “áo giáp” này phải bảo vệ được xe tăng trước các loại đạn xuyên lõm và phải chống được hiện tượng nổ lây, tức khi bắn vào phần nào trên áo giáp thì chỉ có chỗ đó nổ, không bị lây qua những phần khác.

Cái khó là phải tìm được thành phần thuốc nổ phù hợp với mục đích và yêu cầu tác chiến. Khi khối lượng miếng giáp tăng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng cơ động của xe tăng trên chiến trường. Trên chiến trường xe tăng càng cơ động cao thì khả năng bị tiêu diệt càng ít.

Tiếp xúc với nhiều vật liệu nổ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ một chút sơ suất sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sản phẩm mà còn mất cả an toàn cho những người thực hiện trong lúc chế tạo. Nhưng nếu làm mà sợ thì không bao giờ làm được cái gì

Thượng úy Hoàng Trung Kiên

Vậy trọng lượng của giáp là bao nhiêu để không ảnh hưởng đến khả năng cơ động và tác chiến của xe tăng? “Áo giáp” thực chất là những modul được làm từ vỏ thép và thuốc nổ được lắp ghép lại.

Vậy modul phải có độ dày và độ dài bao nhiêu? Thuốc nổ gồm các thành phần như thế nào để vừa có tính bền cơ học nhưng khi va chạm, miếng giáp không bị nổ và bảo vệ xe tăng qua lửa? Và làm sao để giáp chống được hiện tượng nổ lây?...

Hàng loạt câu hỏi khó đặt ra thách thức nhóm chuyên gia, kỹ sư thực hiện công trình này. Nhóm cũng đặt ra yêu cầu là “áo giáp” phải dễ thay thế. Khi bị đạn bắn vào nổ, bộ đội có thể dễ dàng và nhanh chóng thay modul đã bị nổ.

Thượng úy Hoàng Trung Kiên - phó trưởng phòng thiết kế công nghệ và ứng dụng vật liệu nổ - cho biết: “Trước đó chúng tôi chưa bao giờ cầm trong tay một modul của giáp phản ứng nổ để biết tròn méo thế nào. Đây là bí mật của quốc gia, mua chưa chắc người ta đã chấp nhận bán. Nhóm chỉ còn cách tìm nguồn thông tin trên Internet. Nhưng cũng chỉ nhìn được hình dáng bề ngoài chứ không biết độ dày, chất liệu cấu tạo như thế nào. Lúc đầu chỉ nghiên cứu lý thuyết dựa trên kinh nghiệm của các chuyên gia tại viện.

Chúng tôi xây dựng hàng chục phương án để làm nhưng hướng đi chưa rõ ràng vì lần mò và ở Việt Nam trước đó chưa ai làm cái này. Sau này nhiều thông tin mở hơn, thu nhặt thông tin từ các bài viết trên Internet bằng tiếng Anh, tiếng Nga. Nhưng tất cả những gì họ công bố chỉ ở chừng mực nào đó, chỉ đưa ra những thông tin ở mức tham khảo”.

Sự vượt trội của “áo giáp” thế hệ 2

Trải qua nhiều cuộc thử nghiệm, có lúc tưởng như bế tắc thì đến năm 2009 nhóm đã làm ra được giáp phản ứng thế hệ 1. Hành trình để thử nghiệm sản phẩm cũng trần ai không kém. Vì xe tăng là một trong những thiết bị, tài sản lớn của quân đội. Không dễ gì xin được một chiếc xe tăng thật để mang ra bắn thử nghiệm.

Lúc đầu nhóm phải bắn tĩnh: bắn đạn B41 vào những tấm bia thép giả làm xe tăng, có độ dày như xe tăng thật, không có “áo giáp”. Sau đó đạn xuyên lõm chống tăng B41 lại được bắn vào tấm bia thép được phủ “áo giáp” bên ngoài! Miếng giáp nổ nhưng tấm bia bên trong không bị tổn hại. Nhưng ở lần đầu tiên, độ xuyên của đạn rất lớn. Vỏ xe tăng dày 80-100mm tùy từng vị trí. Yêu cầu của “áo giáp” là phải cản được đạn xuyên lõm không cho nó xuyên qua tối đa 80mm để bảo vệ kíp lái bên trong.

Trải qua hàng chục lần điều chỉnh, bắn tĩnh, khả năng xuyên của đạn B41 trên “áo giáp” giảm dần và cuối cùng đạt đến độ cho phép. Thượng úy Hoàng Trung Kiên kể khi thử nghiệm cấp bộ là ngày được bắn trên xe tăng thật với áo giáp của nhóm chế tạo, mọi người rất căng thẳng. Vì lúc đó “áo giáp” mới được “mặc” trên xe tăng thật. Hôm đó có cả xạ thủ chuyên bắn thử nghiệm ở hai đợt. Đợt đầu tiên là các loại đạn chống tăng bắn từ khoảng cách 100m. Đợt thứ hai là các loại đạn bộ binh, bắn ở khoảng cách 200-300m.

Sau bao hồi hộp, chờ đợi trong căng thẳng, kết quả buổi thử nghiệm bắn đạn thật trên giáp phản ứng nổ của nhóm đã được đánh giá thành công. “Áo giáp” này bảo vệ được xe tăng trước đạn B41 hoặc các loại đạn có kích cỡ tương đương trở xuống. Dù đã đạt được mục tiêu là chống đạn B41 nhưng áo giáp thế hệ 1 chưa giải quyết tính năng triệt để. Khối lượng lại quá nặng (2.500-3.000kg), ảnh hưởng đến việc di chuyển và lắp ráp khó.

“Chúng tôi muốn hoàn thiện hơn. Kết quả cho thấy hướng đi của nhóm là đúng nên chúng tôi tự tin nghiên cứu tiếp giai đoạn 2. Đến nay chúng tôi đã chế tạo thành công “áo giáp” thế hệ 2 bảo vệ xe tăng trước các loại đạn hỏa lực mạnh hơn B41 như tên lửa vác vai chống tăng B72 và cả các loại đạn tương đương. Đặc biệt, trọng lượng áo giáp thế hệ 2 chỉ còn hơn 1.000kg. Khi khối lượng giáp gọn nhẹ hơn, khả năng tháo lắp nhanh, đơn giản nên tăng khả năng tác chiến của xe tăng” - thượng úy Trung Kiên cho biết.

Theo thượng úy Hoàng Trung Kiên, các vật liệu làm ra sản phẩm này hoàn toàn là nội địa nhưng tính năng tương đương sản phẩm nước ngoài. Nghiên cứu của nhóm đã giải quyết vấn đề cốt lõi về chuyên môn và chủ động đầu vào của các vật tư chế tạo ra áo giáp, tăng khả năng bảo vệ cho xe tăng trước các loại đạn chống tăng B41, B72 và các loại đạn tương đương; bảo vệ kíp lái, tăng khả năng chủ động cho quân đội trong việc cải tiến xe tăng, không phụ thuộc nước ngoài.

“Làm chủ được công nghệ nhưng vật tư phụ thuộc vào nước ngoài thì vô nghĩa. Điều quan trọng nữa là chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm để tiếp tục nghiên cứu các thế hệ giáp phản ứng nổ bảo vệ xe tăng tốt hơn trước các loại vũ khí tiên tiến, thông minh hiện đại” - thượng úy Kiên nói.

Theo TTO

TIN LIÊN QUAN