Nghệ An: Khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP

17/05/2017 07:25

(Baonghean) - Trong khi ngân sách nhà nước đang phải dàn trải nhiều lĩnh vực thì việc huy động doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư xây dựng, quản lý các công trình dân sinh là hướng đi tích cực. Cách làm này được áp dụng theo Hợp đồng đối tác công tư (PPP). Trên địa bàn Nghệ An, theo đăng ký đến năm 2020, có 98 dự án được đầu tư theo hình thức này.

Chợ đầu mối TP Vinh – dự án đầu tư PPP theo hình thức BOT. Ảnh Nguyên Sơn
Chợ đầu mối TP Vinh – dự án đầu tư PPP theo hình thức BOT đã đi vào hoạt động hơn 2 năm. Ảnh: Nguyên Sơn

Những dự án “khởi động”

Hợp đồng đối tác công tư được ký kết giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.

Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2007 đến nay, áp dụng theo hình thức đầu tư PPP có 29 dự án đã, đang thực hiện và đang lập hồ sơ chủ trương đầu tư, tổng kinh phí 10.007 tỷ đồng. Trong đó, có 26 dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), 2 dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) và 1 dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Sở Hữu - Kinh doanh (BOO).

Đến nay mới chỉ có 7 dự án được thực hiện (2 dự án hoàn thành, 5 dự án đang thực hiện), kinh phí 349 tỷ đồng, trong đó chủ yếu theo hình thức BT (6 dự án, tổng kinh phí 329 tỷ đồng). Con số thống kê trên cho thấy, 10 năm qua, việc huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý và bàn giao các công trình công trên địa bàn tỉnh còn quá khiêm tốn.

2 công trình đã hoàn thành là: Cầu Cửa Tiền II (thành phố Vinh) theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình) dài 32m, rộng 15,25m, tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng; và chợ đầu mối (một bên chợ Vinh) thành phố Vinh theo hình thức BOT, rộng 9.200m2, đầu tư 25 tỷ đồng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 2 năm.

Nếu như dự án cầu Cửa Tiền là một điển hình của dạng dự án BT, doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng cầu cho nhân dân và địa phương bố trí một vùng đất để doanh nghiệp sử dụng, kinh doanh; thì mô hình chợ đầu mối là một hình thức đáng quan tâm và cần phát huy.

Theo hợp đồng, doanh nghiệp đầu tư chợ đầu mối sẽ khai thác 25 năm (gồm cả 2 năm xây dựng cơ bản), với mức đóng thuế hàng tháng 600 triệu đồng cho ngân sách, bên cạnh đó doanh nghiệp còn giải quyết khoảng 30 lao động trong quản lý chợ. Quan trọng hơn, với việc giao quản lý, doanh nghiệp tổ chức tốt mọi hoạt động ở chợ như bố trí cho trên 400 hộ kinh doanh thường xuyên và hàng nghìn hộ kinh doanh thời vụ.

Hoạt động kinh doanh tại Chợ đầu mối - TP Vinh. Ảnh: Nguyên Sơn
Hoạt động kinh doanh tại Chợ đầu mối - TP Vinh. Ảnh: Nguyên Sơn

Hiện trên địa bàn tỉnh, có 5 dự án khác đang vận hành theo hình thức BT, gồm: Xây dựng tuyến đường giao thông nối từ đường Nghĩa Đàn - Đông Hồi vào Cảng Đông Hồi dài 480m, rộng 15m, tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng; xây dựng Trường Tiểu học Hưng Phúc (thành phố Vinh) quy mô 20 lớp học và các công trình phụ trợ, tổng mức đầu tư 51 tỷ đồng; xây dựng Trạm xử lý nước thải thị xã Cửa Lò, công suất 3.700m3/ngày đêm, tổng đầu tư trên 59 tỷ đồng; xây dựng đường Lê Mao giai đoạn 2 (TP. Vinh), dài 1,2km, rộng 48m, tổng mức đầu tư 81 tỷ đồng; nâng cấp tuyến đê cấp III Cầu Dâu (huyện Đô Lương), dài 1.745m, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng.

Cùng đó, có 7 công trình đã được phê duyệt: Xây dựng các tuyến đường quy hoạch xã Nghi Phú và Hưng Lộc (thành phố Vinh) dài 1.610m, tổng mức đầu tư 143 tỷ đồng; Xây dựng Cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu (thị xã Thái Hòa) tổng mức đầu tư 211 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Viết Xuân (TP. Vinh) dài 1.700m, tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường Lý Thường Kiệt đoạn qua phường Hưng Bình (TP. Vinh) dài 1.056m, tổng mức đầu tư 118 tỷ đồng; xây dựng các tuyến đường quy hoạch xã Nghi Kim (TP. Vinh) dài 3.723m, tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng; xây dựng Trung tâm Văn hóa thị xã Hoàng Mai, 23 tỷ đồng; xây dựng Nhà máy nước huyện Nghĩa Đàn (BOT), công suất 15.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng.

công trình dự án Trường tiểu học Hưng Phúc- theo hình thức BT- Ảnh Nguyên Sơn
Công trình dự án Trường tiểu học Hưng Phúc đang xây dựng theo hình thức BT- Ảnh Nguyên Sơn

Dự án đề xuất nhiều, triển khai chậm

Theo đánh giá của các cấp, ngành, những dự án PPP được xem là một giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả, thế nhưng tình trạng chung hiện nay của loại hình đầu tư này là “vừa làm, vừa nghe ngóng”, bởi còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Thống kê nêu trên, 10 năm qua, Nghệ An chỉ có 7/29 dự án đăng ký theo hình thức PPP bắt tay vào thực hiện. Ở nhiều địa phương, lãnh đạo chưa thực sự nhiệt huyết với các dự án, chưa mạnh dạn bàn các giải pháp từ quy hoạch đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp… Theo thống kê, những dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là do nhà đầu tư đề xuất, mới chỉ có 1 dự án do cơ quan nhà nước đề xuất.

Chính vì vậy, số lượng dự án đầu tư theo PPP đã và đang thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và các dự án thực hiện cũng chỉ tập trung tại thành phố Vinh và các thị xã. Một số huyện có hồ sơ lập dự án nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có dự án lớn tạo ra lợi thế và đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội.

Điều đáng quan tâm là hầu hết các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện theo hình thức BT, còn các hình thức khác còn rất ít. Kiểu đầu tư này, các doanh nghiệp mặn mà để có thể làm chủ quỹ đất được giao dựa trên tính toán chi phí xây dựng công trình và sinh lãi trong quá trình đầu tư. Bởi vậy, trong số hơn 100 dự án đăng ký theo hình thức PPP của tỉnh, có 68 dự án đề xuất đầu tư theo loại hình BT.

Theo ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở KH&ĐT, nhiều dự án đề xuất theo hình thức PPP ở các địa phương còn hạn chế về tính khả thi, do chưa nắm chắc quy trình, quy định cũng như nguồn lực cân đối...

Cùng đó, năng lực của một số doanh nghiệp chưa thực sự đủ mạnh để thực hiện dự án theo các hình thức PPP; việc phối hợp giữa chính quyền và các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án chưa thật hiệu quả, nhất là công tác đền bù GPMB.

Thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành để xây dựng hệ thống hướng dẫn cụ thể về thực hiện dự án PPP cho cấp huyện. Trong tương lai, Chính phủ cũng bổ sung những quy định sát thực tế và đề xuất nghiên cứu ban hành Luật Đầu tư PPP để có thống nhất những chính sách, quy định cụ thể vừa chặt chẽ, vừa hướng mở cho các doanh nghiệp thực hiện những dự án đề xuất.

Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN