Hành lang pháp lý nào để nhà báo dấn thân đấu tranh chống tham nhũng?

19/05/2017 16:58

Nhà báo khi chống tham nhũng, ngoài kỹ năng, đạo đức, phải nắm chắc pháp luật. Bởi ranh giới rất mong manh, phóng viên có thể bị rơi vào tình huống phạm tội.

Báo chí - truyền thông có vai trò to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, không chỉ là vấn đề nhận thức, vấn đề lý luận, mà thực tiễn đã và đang ngày càng chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, chống tiêu cực, tham nhũng là lĩnh vực nhiều rủi ro, cạm bẫy mà không phải người làm báo nào cũng đủ dũng cảm dấn thân trên mặt trận này và không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vậy hành lang pháp lý nào để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân đấu tranh chống tham nhũng lãng phí?

Hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Báo Nhân Dân tổ chức (Ảnh: Nhân Dân)
Hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Báo Nhân Dân tổ chức (Ảnh: Nhân Dân)

Thực tế cho thấy, báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí phát hiện, giám sát. Nhiều vụ án điển hình được báo chí bám sát để đưa tin kịp thời, như: Vinashin, vụ án Năm Cam, Mai Văn Dâu, Mạc Kim Tôn, Đề án 112, Lương Cao Khải, Nguyễn Đức Chi, Lã Thị Kim Oanh, PMU 18..., báo chí đã cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp với quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng phổ biến, hình thức biểu hiện ngày càng hoành hành với sự cấu kết lợi ích nhóm ngày càng chặt chẽ và có hệ thống.

Từ nghiên cứu của mình, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Dững chỉ rõ: Do đặc thù hoạt động của nhà báo trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là thường hoạt động “đơn tuyến” và “độc lập” tác chiến, cho nên không có cách nào hiệu quả hơn bằng việc trang bị kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo thật sự mang tính chuyên nghiệp cao.

“Nên có chiến lược và giải pháp phát triển nguồn lực Báo chí điều tra chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả trong đào tạo, tập huấn, kiến thức kỹ năng. Xây dựng câu lạc bộ báo chí điều tra, có các luật sư thường xuyên cung cấp kiến thức cho họ và phương pháp trong quá trình điều tra, tác nghiệp tránh rủi ro. Nên lập quỹ điều tra chống tham nhũng đặc biệt hỗ trợ cho nhà báo gặp tai nạn nghề nghiệp. Hội Nhà báo Việt Nam cần ráo riết yêu cầu mỗi tòa soạn cần có quy ước đạo đức của mình. Bởi vì chỉ có tòa soạn mới kiểm soát tốt nhất quan hệ của nhà báo trong quá trình tác nghiệp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững nêu ý kiến.

Theo Điều 9 Luật Phòng, chống tham nhũng, cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa.

Tuy nhiên, nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, chống tiêu cực, tham nhũng là lĩnh vực nhiều rủi ro, cạm bẫy mà không phải người làm báo nào cũng đủ dũng cảm dấn thân trên mặt trận này. Bởi vậy cần tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân. Sớm bổ sung chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định, đặc biệt với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm thì cần có chế tài trong việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời. Đồng thời, coi nhà báo là chiến sĩ trong mặt trận chống tham nhũng thì phải đảm bảo niềm tin trong mặt trận đó.

Nhà báo Phùng Sưởng đề nghị: “Sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng chỉ có Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mới có quyền yêu cầu báo chí cung cấp thông tin, nguồn tin chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay. Nếu không, lúc đó nhà báo phải nhận hết lỗi về mình để bảo vệ nguồn tin như thường xảy ra như hiện nay. Khi xảy ra các vụ hành hung phóng viên, nhà báo, các cơ quan, tổ chức như: MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan chủ quản báo chí… cần chủ động vào cuộc để bảo vệ nhà báo và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm…”.

Thời gian qua, khi thực hiện chức năng của mình, cung cấp thông tin, phản ánh tiến trình tố tụng trong các vụ án tham nhũng, nhiều nhà báo còn đối diện với những điều cấm của pháp luật. Theo Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khi chống tham nhũng, các nhà báo gặp nhiều rủi ro vì đối tượng tham nhũng có quyền lực và những mối liên hệ lợi ích chồng chéo.

Vì vậy, các nhà báo khi chống tham nhũng, ngoài kỹ năng, đạo đức, phải nắm chắc pháp luật, đặc biệt là Điều 25 Luật Báo chí quy định về những gì nhà báo được làm và Điều 9 quy định về những điều cấm. Bởi ranh giới rất mong manh, phóng viên có thể đang đấu tranh chống tham nhũng lại rơi vào phạm tội.

Luật sư Phan Trung Hoài lưu ý: “3 điểm cấm mà nhà báo thường gặp rủi ro trong quá trình tác nghiệp: Thứ nhất là tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư, đưa ra thông tin đúng sự thật. Thứ hai, điều quan trọng là quy kết tội danh khi tòa án chưa có bản án. Tôi cho rằng, trong quá trình xây dựng dựa trên nền tảng pháp luật, mỗi nhà báo, các chi hội cần quan tâm trang bị cho phóng viên kiến thức pháp luật, bên cạnh việc trau dồi kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề báo. Để làm được điều này, Hội Nhà báo đóng vai trò quan trọng”.

Để báo chí phát huy vai trò trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, theo nhiều chuyên gia cần sớm nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung quy định bảo vệ tác nghiệp, bảo vệ nhà báo khi đi làm nhiệm vụ, tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân. Bên cạnh đó cũng cần có chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định, đặc biệt với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm thì cần có chế tài trong việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời.

Với cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cần tổ chức những lớp tập huấn về lĩnh vực chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiểu biết pháp luật trong thực thi nhiệm vụ và đặc biệt nâng cao kỹ năng tác nghiệp bảo đảm tính đúng đắn, tránh những rủi ro khi đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN