Lạ: Xã hơn nửa thế kỷ 'nói không' với việc nuôi chó

26/03/2017 19:36

(Baonghean.vn) - Quá kinh hãi sau khi nhiều người chết vì chó dại cắn, nhiều ngôi làng đưa nội dung "không nuôi chó" vào hương ước. Và không chỉ một vài làng mà đã hơn nửa thế kỷ cả xã vùng chiêm trũng Diễn Nguyên (Diễn Châu) gần như vắng tiếng chó sủa. Có lẽ điều hiếm thấy này không chỉ ở Nghệ An mà còn của cả nước.

Hơn 50 năm nay toàn xã Diễn Nguyên gần như vắng bóng hình ảnh những con chó trong các hộ gia đình. Ảnh: Xuân Hòa
Đã hơn 50 năm toàn xã Diễn Nguyên vắng bóng những con chó trong các hộ gia đình. Ảnh: Xuân Hòa

Vùng đất xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu) nay đã trù phú cùng với nhà cao tầng, mái ngói mọc lên khắp nơi. Nhưng nỗi đau của dịch chó dại cách đây hơn 60 năm thì vẫn không phai nhòa trong ký ức người dân nơi đây. Câu chuyện kinh hoàng năm nào vẫn được các thế hệ người dân kể cho nhau nghe và họ quyết không phá vỡ quy ước: Không nuôi chó!

Khi được hỏi về chuyện cũ, cụ Nguyễn Bội - nguyên Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên, năm nay 87 tuổi, trú tại xóm 7 nhớ lại: Vào những năm đầu thập niên 60 trở về trước, cũng như bao làng quê khác người dân ở Diễn Nguyên vẫn nuôi chó bình thường. Đêm đêm tiếng chó sủa râm ran khắp các ngõ xóm. Nhưng vào một ngày năm 1964, dịch chó dại bất ngờ ập đến. Một con chó bị dại đã cắn khiến một người đàn ông trong xã tử vong. Và sau đó, liên tiếp nhiều người dân khác trong xã cũng bị chó dại cắn dẫn đến tử vong.

Cụ Nguyễn Bội - Nguyên Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên kể lại s...Ảnh: Xuân Hóa
Cụ Nguyễn Bội - Nguyên Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên kể lại câu chuyện năm 1964. Ảnh: Xuân Hòa

“Thời điểm đó làm gì có thuốc phòng dại như bây giờ. Người bị chó dại cắn chủ yếu chữa trị bằng thuốc Nam nhưng cũng không khỏi. Cuộc sống người dân lúc đó còn lắm thiếu thốn, khó khăn. Nên sau khi một rồi nhiều nạn nhân bị chó dại cắn chết khiến người dân trong xã ai cũng hoang mang, khiếp đảm. Thấy chó là tránh xa. Lúc đó con chó được xem như thần chết lúc nào cũng rình rập cuộc sống của bà con, nên người dân đồng tình với giải pháp " không nuôi chó” - cụ Bội nhớ lại.

Quá lo sợ nên các nhiều trưởng làng, người cao tuổi và nhân dân đã tổ chức các cuộc họp bàn. Qua đó thống nhất đưa vào nội quy của hương ước làng là cấm các gia đình không được nuôi chó. Từ khi hương ước này của nhiều làng được thực thi, chẳng cần văn bản giấy tờ gì nhưng 100% hộ dân xã Diễn Nguyên quyết "nói không" với việc nuôi chó. Thời điểm đó, hộ nào còn nuôi chó đã tình nguyện bán đi hoặc giết thịt để thực hiện theo quy định bất thành văn.

Cũng từ khi có hương ước này ra đời, các làng, xóm thuộc các xã lân cận Diễn Nguyên cũng không dám thả rông chó nữa. Bởi hễ có con chó nào chạy sang khu vực các xóm thuộc xã Diễn Nguyên đều bị đánh chết mà khổ chủ chẳng dám đòi bồi thường. Cứ vậy quy ước không nuôi chó được người dân Diễn Nguyên "đảm bảo tính hiệu lực" mãi đến tận ngày nay.

Những năm gần đây khi cuộc sống người dân được nâng cao, điều kiện y tế, khoa học đã phát triển. Dịch bệnh dại cũng không còn quá nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân, hơn nữa việc phòng chống bệnh dại đã có vắc - xin nên nhiều gia đình có ý định muốn nuôi chó trở lại. Thấy nguyện vọng đó là chính đáng nên năm 2011, UBND xã Diễn Nguyên cũng đã giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã chỉ đạo các xóm tổ chức phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến người dân nhằm thay đổi hương ước liên quan đến việc nuôi chó.

Nhưng nỗi khiếp đảm về đại dịch chó dại cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn khiến người dân không muốn thay đổi. Qua thăm dò ý kiến, có đến 80% số người được hỏi trên toàn xã Diễn Nguyên không đồng ý với việc nuôi chó. Chính vì vậy cho đến nay vùng quê này vẫn không có tiếng chó sủa.

Qua trao đổi, ông Đàm Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên chia sẻ: “Không chỉ có năm 2011 mà đến năm 2014, chính quyền xã tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến người dân nhưng lần này số người phản đối việc nuôi chó thậm chí cao hơn lần trước với tỷ lệ 82%. Một phần người dân lo ngại dịch chó dại và nuôi chó ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường chung".

Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên còn thông tin thêm, kể từ năm 2016 trên địa bàn đã có một số hộ nuôi chó, nhưng họ tự giác nuôi nhốt trong lồng vì biết phần lớn người dân phản đối mạnh. "Không nuôi chó vừa đỡ lo dịch bệnh, ảnh hưởng vệ sinh môi trường chung lại đỡ phải canh chó vì nạn cẩu tặc” - ông Đàm Văn Hiền nói thêm.

Xuân Hòa

TIN LIÊN QUAN