Cấm bán rượu bia trong quán karaoke

29/04/2017 08:01

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề xuất như vậy tại phiên họp toàn thể Ủy ban về các vấn đề xã hội lần thứ 6 tại TP.HCM ngày 28/4.

Đây là một trong những vấn đề được thảo luận trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Theo đó, dự thảo đề xuất các giải pháp như cấm bán rượu bia tại quán karaoke, không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say và phụ nữ đang mang thai. Đồng thời cấm cán bộ, công chức và người lao động sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc, nghỉ giữa giờ, giữa các ca.

“Điều này sẽ góp phần hạn chế tỷ lệ người dân sử dụng rượu bia, đặc biệt là thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động uống rượu bia trong thời gian làm việc, hạn chế tình trạng say rượu, bia. Đồng thời hạn chế luôn khả năng tiếp cận sản phẩm rượu, bia của người dân” - bộ trưởng Tiến nói.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đánh giá mặt hạn chế của đề xuất này, bà Tiến cho rằng các doanh nghiệp không được hưởng lợi từ các giải pháp đó. Tuy nhiên, với các chính sách cụ thể về kiểm soát rượu, bia, Nhà nước sẽ tạo môi trường pháp lý ổn định cho doanh nghiệp phát triển.

“Luật phòng, chống rượu bia hiện hành chủ yếu quy định về sản xuất, kinh doanh rượu bia mà chưa đề cập nhiều về phòng, chống tác hại của nó. Do vậy cần thiết phải thay đổi thói quen sử dụng rượu bia của người dân” - bà Tiến khẳng định.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất tăng cường quản lý rượu thủ công từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ.

Bộ trưởng Y tế cũng đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng từ nguồn thu đóng góp bắt buộc của người sử dụng và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu rượu, bia.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3 - 12% GDP quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả thường cao hơn chi phí trực tiếp.

Bộ trưởng Tiến lấy ví dụ ở Việt Nam năm 2012, nếu phí tổn do rượu, bia ở mức 1,3% GDP thì sẽ gây thiệt hại đến 60.000 tỷ đồng. Trong thời gian đó, đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu, bia, nước giải khát ở nước ta lại chỉ có 19.000 tỷ đồng.

Dự kiến, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2018.

Theo TTO

TIN LIÊN QUAN